THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:03

Trời dù nóng đến mấy, trẻ dưới 6 tháng tuổi cũng không cần bổ sung nước

Nhiều gia đình có thói quen cho bé sơ sinh tráng miệng bằng nước sau mỗi cữ bú hoặc bổ sung nước cho bé để bé đỡ khát. Việc này nghe có vẻ hợp lý nhưng thực ra đây là điều không tốt cho bé sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, thậm chí còn có thể gây hại cho sức khỏe của bé.

Cho trẻ sơ sinh uống nước khiến bé có nguy cơ bị tiêu chảy và suy dinh dưỡng

80% sữa mẹ là nước

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc UNICEF khuyến cáo, trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi không cần bổ sung thêm nước, kể cả trẻ sống ở vùng khí hậu nóng. Lý do là bởi sữa mẹ chứa hơn 80% là nước, đặc biệt là sữa đầu dòng (sữa đầu mỗi cử bú). Do đó, bất cứ khi nào người mẹ cảm thấy con mình khát, mẹ có thể cho con bú.

Trời nóng đến mấy trẻ dưới 6 tháng tuổi cũng không cần bổ sung một giọt nước nào, vì sao lại vậy? - Ảnh 1.

Trẻ sơ sinh thường bú khoảng 2-4 giờ 1 lần, trung bình mỗi ngày bé bú 8-12 lần. Nếu bạn thấy bé có dấu hiệu khát, chỉ đơn giản cho bé bú, lượng nước trong sữa có thể vừa giúp con giải khát vừa cung cấp dinh dưỡng cho con. Người cần uống nước không phải là đứa bé mà chính là người mẹ. Mẹ cần nghỉ ngơi, tránh stress và uống nhiều nước… trong giai đoạn cho con bú.

Khi cho con bú nghĩa là mẹ đã cho bé uống tất cả nước mà bé cần, đồng thời cung cấp nước an toàn và bảo vệ bé chống lại bệnh tiêu chảy.

Trẻ có thể bị nhiễm trùng vì nước

Ngoài ra, trẻ sơ sinh hệ miễn dịch còn rất non nớt. Nếu nguồn nước không sạch, trẻ uống vào có thể bị nhiễm trùng. Trong khi đó, lượng nước trong sữa mẹ được "lọc" bởi hệ miễn dịch của mẹ nên nó rất sạch.

Đối với các bé dùng sữa công thức, bố mẹ phải đặc biệt lưu ý đảm bảo nguồn nước sạch dùng để pha sữa cho con bởi đó là nguồn dễ gây nhiễm trùng cho trẻ sơ sinh.

Trời nóng đến mấy trẻ dưới 6 tháng tuổi cũng không cần bổ sung một giọt nước nào, vì sao lại vậy? - Ảnh 2.

Trẻ sơ sinh có thể bị ngộ độc nước nếu uống nước nhiều (Ảnh minh họa).

Dạ dày của trẻ sơ sinh rất nhỏ

Thêm một lý do nữa cho việc trẻ sơ sinh không cần bổ sung thêm nước là vì dạ dày của trẻ sơ sinh có dung tích rất nhỏ, việc cho bé uống thêm nước sẽ làm cho bé bị no và bú mẹ ít đi, hoặc ngưng bú sữa mẹ, từ đó bé kém hấp thu chất dinh dưỡng dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng. Cho bé uống thêm nước sau mỗi cử bú dễ khiến bé bị ọc hay bị sặc. Mặt khác, nếu các bà mẹ cho con uống nước thay vì bú cũng sẽ khiến mẹ dần ít sữa trong tương lai.

Cẩn trọng tình trạng ngộ độc nước ở trẻ sơ sinh

Cho trẻ uống nước với số lượng lớn thậm chí có thể dẫn đến ngộ độc nước uống, đó là tình trạng các chất điện giải (như natri) trong máu của em bé bị pha loãng, ức chế các chức năng cơ thể bình thường và dẫn đến các vấn đề nguy hiểm như nhiệt độ cơ thể thấp hoặc co giật. Vì trẻ dưới 6 tháng tuổi có khối lượng cơ thể thấp, việc uống nước rất dễ khiến vượt nhu cầu Natri bình thường của cơ thể - những khoáng chất và chất điện giải này đã có đủ trong sữa mẹ khi mẹ cho bé bú.

Khi nào trẻ cần bổ sung thêm nước?

Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo, nếu em bé của bạn được khoảng 6 tháng tuổi, bạn có thể cho trẻ uống một lượng nhỏ nước đun sôi để nguội nhưng không nên thay thế nước cho sữa mẹ hoặc sữa công thức. Sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn phải là thức uống chính của trẻ đến 12 tháng tuổi.

Sau 12 tháng, thức uống chính của trẻ nên là nước và sữa tươi hoặc sữa mẹ. Bạn có thể cho nước và sữa vào cốc, tập cho trẻ uống bằng ống hút rồi chuyển dần sang uống trực tiếp bằng cốc.

Bình Nguyên

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh