Trò kéo co và chiếc nút thắt về giá ôtô
- Công nghệ mới
- 19:56 - 03/07/2017
Giá bán lẻ của đa số các loại ôtô phổ thông ở Việt Nam hiện nay được tính toán đã gần đến mức bình quân khu vực.
Giằng co tâm lý, thị trường trồi sụt
Thị trường ôtô Việt Nam chưa bao giờ rơi vào trạng thái thiếu ổn định như giai đoạn nửa đầu năm nay. Nhìn vào sức mua ôtô xét riêng theo từng tháng, có thể thấy khá rõ sự trồi sụt liên tục đã tạo nên một biểu đồ hình Sin với cứ một tháng tăng lại đến một tháng tụt dốc.
Hai tháng đầu năm không có nhiều điều để nói. Đây luôn là quãng thời gian trầm lặng nhất trong năm của thị trường. Lý do, hoặc rơi vào kỳ nghỉ Tết nguyên đán kéo dài, hoặc người tiêu dùng đã được đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm ngay từ trước Tết.
Sang đến tháng 3, khi những lý do kể trên bị bỏ lại, thị trường lập tức tăng mạnh sức mua. Theo thống kê của Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), tổng sản lượng bán hàng trên toàn thị trường tháng 3/2017 đạt 26.872 chiếc, tăng đến 52% so với tháng liền kề trước đó và tăng 8% so với cùng kỳ năm 2016.
Không khó hiểu về cú tăng tốc này. Khi guồng quay của một năm mới với nhu cầu đi lại, kinh doanh chính thức vận hành, nhu cầu mua xe tăng trở lại vốn không phải là điều bất ngờ.
Một lý do “nghiễm nhiên” nữa chính là việc thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước trong khu vực Đông Nam Á theo lộ trình của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã giảm về 30%.
Thế nhưng, bước sang tháng tiếp theo, sức mua ôtô bỗng sụt giảm một cách đầy bất ngờ. Báo cáo của VAMA cho thấy, tổng lượng xe bán ra trên toàn thị trường tháng 4/2017 giảm đến 18% so với tháng liền trước và cũng giảm 15% so với cùng kỳ.
Đến tháng 5, tổng sức mua ôtô lại hồi phục với tỷ lệ tăng trưởng đạt 6% so với tháng 4.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trồi sụt liên tục về sức mua ôtô trên thị trường nửa đầu năm nay chính là tâm lý bất ổn của người tiêu dùng.
Nhu cầu mua sắm vẫn lớn. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng lại đang có tâm lý chờ đợi một “cơn bão” giảm giá được kỳ vọng sẽ bắt đầu diễn ra ngay khi thời gian bước sang năm 2018.
Cụ thể là theo lộ trình của hiệp định ATIGA, kể từ ngày 1/1/2018, thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng ôtô nguyên chiếc (CBU) từ các nước nội khối ASEAN sẽ chính thức giảm về 0%. Theo suy luận thông thường của nhiều người, với mức thuế suất 0%, giá bán lẻ ôtô kể từ năm tới có thể sẽ giảm mạnh.
Mua ngay hay chờ đợi?
Tuy nhiên, thực tế xem ra lại không hẳn sẽ xuôi theo suy luận ấy.
Thuế suất 0% đối với ôtô CBU nhập khẩu từ các nước nội khối ASEAN kể từ ngày 1/1/2018 là một quy định rõ ràng. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ không phải cứ xe sản xuất tại khu vực này, cụ thể là Thái Lan và Indonesia, là sẽ nghiễm nhiên được hưởng mức thuế suất đó.
Cụ thể là theo quy định tại ATIGA, để được hưởng thuế suất 0%, các mẫu xe bắt buộc phải đạt tỷ lệ nội địa hóa trong khối ASEAN từ 40%. Điểm mấu chốt chính là không nhiều mẫu xe sản xuất tại các nước thành viên ASEAN đáp ứng được quy định này.
Đây có lẽ cũng là một trong những lý do quan trọng để các hãng xe mặc dù nắm rõ lộ trình cắt giảm thuế, song vẫn không thực sự tích cực trong hoạt động nhập khẩu xe từ ASEAN. Chẳng hạn, chỉ với mức thuế suất 30% đang áp dụng trong năm nay, thấp hơn rất nhiều so với các mức thuế nhập khẩu từ các nước ngoài khối ASEAN, nếu chuyển nhiều mẫu xe từ lắp ráp trong nước (CKD) sang nhập khẩu, giá thành xe sẽ giảm đáng kể và từ đó, doanh thu bán hàng sẽ tăng cao.
Theo số liệu của VAMA, trong giai đoạn nửa đầu năm nay, tỷ lệ ôtô nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia trên tổng sản lượng bán hàng của các đơn vị thành viên chỉ chiếm khoảng 22,3%. Đáng chú ý là trong số đó, riêng các loại xe bán tải cũng đã chiếm đến 25%. Loại hình xe này hiện đang hưởng mức thuế suất 5% nên sang năm 2018, sự tác động của việc điều chỉnh thuế nhập khẩu lên giá bán là không nhiều.
Chưa kể, không loại trừ khả năng một số sắc thuế và phí khác áp dụng lên mặt hàng ôtô cũng sẽ được điều chỉnh trong thời gian tới.
Chẳng hạn, theo Nghị định 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ của Chính phủ, kể từ năm 2018, các địa phương có thể tăng mức thu lệ phí trước bạ đối với mặt hàng ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi từ 10% như hiện tại lên mức 15%. Đối với Hà Nội, mức lệ phí trước bạ 12% hiện hành cũng có thể được điều chỉnh lên 17-18%. Lúc này, một số địa phương cũng bắt đầu rục rịch tính đến phương án điều chỉnh.
Ngay cả với mặt hàng ôtô bán tải hiện đang hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu 5% và lệ phí trước bạ 2% (tương đương xe tải) cũng đang được Bộ Công Thương đề xuất áp dụng chung mức lệ phí với các loại xe chở người dưới 10 chỗ ngồi. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề xuất Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với xe bán tải tương tự các loại xe chở người dưới 10 chỗ ngồi.
Cũng cần lưu ý rằng, ngay với số ít các mẫu xe có thể được hưởng thuế suất 0% khi nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia thì thuế nhập khẩu cũng chỉ là một phần cấu thành giá bán lẻ. Cùng với thuế nhập khẩu, còn một loạt các loại thuế và phí khác tác động trực tiếp lên giá bán như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng hay lệ phí trước bạ.
Rõ ràng, viễn cảnh giảm giá ôtô nhờ giảm thuế nhập khẩu theo ATIGA kể từ năm 2018 là không nhiều khả quan, ít nhất là tỷ lệ giảm giá. Trong khi đó, do tâm lý lưỡng lự của nhiều người tiêu dùng, ngay từ đầu năm nay, các hãng xe đã đồng loạt tung ra những đợt giảm giá và ưu đãi mạnh tay dành cho các dòng xe trong phân khúc phổ thông .
Dẫn đầu “trào lưu” giảm giá chính là Trưởng Hải (Thaco) với hai thương hiệu có thị phần lớn là Mazda và Kia khi mức giá bán của nhiều mẫu xe thậm chí còn thấp hơn một vài thị trường Đông Nam Á. Một loạt các hãng xe lớn khác cũng tích cực nhập cuộc giảm giá và ưu đãi như Toyota, Honda, Ford, Hyundai, Nissan, Mitsubishi và kể cả các thương hiệu ôtô nhập khẩu như Volkswagen, Renault, Peugeot…
Đến thời điểm này, có thể nói thị trường ôtô Việt Nam đã diễn ra một đợt giảm giá trên diện rộng chưa từng có trong phân khúc xe phổ thông. Hầu hết các hãng xe, bằng cách này hay cách khác, đều đã thực hiện giảm giá hoặc ưu đãi dành cho người tiêu dùng. Nhiều mẫu xe, tính từ đầu năm đến nay, giá bán lẻ cũng đã giảm đến con số trăm triệu đồng.
Theo đại diện VAMA, mức giá bán lẻ của đa số các loại ôtô phổ thông ở Việt Nam hiện nay đã gần đến mức bình quân khu vực.
Đối với phân khúc xe sang, hiện tại hầu hết các mẫu xe hạng sang đều được sản xuất và nhập khẩu trực tiếp từ Nhật, châu Âu hoặc Mỹ, do đó sẽ không được hưởng mức thuế nhập khẩu 0%. Mức thuế nhập khẩu áp dụng cho các dòng xe này theo các hiệp định thương mại tự do ký kết giữa Việt Nam và Nhật Bản/ châu Âu sẽ tương đối ổn định trong vòng 5 năm tới.
Những diễn biến trên thị trường đang cho thấy đây chính là thời điểm tốt để người tiêu dùng mua xe thay vì tiếp tục chờ đợi đến năm 2018. Bởi trên thực tế, giá xe hiện nay đang ở mức thấp, các hãng xe cũng tung ra nhiều ưu đãi về quà tặng phụ kiện hay hỗ trợ lệ phí trước bạ. Trong khi, khả năng giảm giá nhờ ôtô nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia giảm thuế là không nhiều.
Đồng thời, tâm lý chờ đợi đến 2018 mới mua xe trong tình huống xấu nhất sẽ dẫn tới hiệu ứng số đông, quá tải khả năng cung ứng, khách hàng có thể phải chờ rất lâu mới được nhận xe. Khi đó, người mua xe trong 2017 xem ra lại là những người hưởng lợi khi “đi trước một bước”.