THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:36

Trình Chính phủ mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 2017 là 7,3%

Thứ trưởng Phạm Minh Huân phát biểu tại buổi họp báo

* Chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp và người lao động

 Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, tại cuộc họp của Hội đồng lần này, đại diện người sử dụng lao động - Phòng Thương mại và Công nghệp Việt Nam (VCCI) và đại diện người lao động - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có sự nhượng bộ nhất định so với đề xuất trước đó. Cụ thể Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã hạ đề xuất tăng lương tối thiểu 2017 từ 11,11 % xuống 10 %. Trong khi đó, VCCI chấp nhận nâng mức đề xuất tăng lương tối thiểu từ 4-5 % ban đầu lên tới 6,5 %, thậm chí có đại diện doanh nghiệp dệt may và thủy sản đã đề nghị không tăng lương tối thiểu năm 2017. Đây được xem là động thái tích cực của các bên nhằm tìm ra sự đồng thuận về kịch bản tăng lương tối thiểu 2017. Sau khi mức chênh lệch trong đề xuất vẫn là 4%, Hội đồng đã thống nhất đi đến bỏ biếu và thông qua phương án tăng lương được hội đồng đưa ra để bỏ phiếu là 7,3% với 13/14 phiếu đồng ý (1 thành viên đi vắng). Phương án này đã đã dung hòa ý kiến của các bên, chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp và giúp người lao động nâng cao được thu nhập, từng bước cải thiện đời sống.

 Mặc dù bỏ phiếu đồng ý với mức tăng đề xuất 7,3% song Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam  Mai Đức Chính khẳng định "chưa thể hài lòng" bởi cuộc sống người lao động hiện đang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế của các doanh nghiệp gặp khó do đó Tổng Liên đoàn đã bỏ phiếu đồng ý mức đề xuất trên của Hội đồng.

Đại diện cho người sử dụng lao động, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho rằng mức tăng trên là sự chia sẻ lớn của giới sử dụng lao động đối với người lao động, bởi, bất kể sự thay đổi về chính sách nào dù nhỏ cũng khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn. Hiện nay nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp nhiều rủi ro. Đây chính là đối tượng dễ bị tổn thương trước tác động của nền kinh tế.

Cuộc họp thu hút sự quan tâm của báo chí

* 90% mức sống tối thiểu của người lao động

Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết: Năm 2016, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thực hiện việc đánh giá tác động của việc tăng lương tối thiểu, đồng thời đi khảo sát đời sống của công nhân lao động. Mức phương án tăng 7,3% mà Hội đồng lựa chọn sẽ bảo đảm tiền lương thực tế của người lao động, cộng thêm yếu tố năng suất lao động, góp phần ổn định đời sống người lao động, bảo đảm năng lực cạnh tranh và các yếu tố khác của doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp ổn định và phát triển. 

Với mức tăng lương tối thiểu 7,3 %, đương nhiên chi phí của doanh nghiệp sẽ tăng lên theo. Mức tăng tối đa sẽ là 0,46 %. Riêng ngành dệt may, mức chi phí sẽ đội lên khi tăng thêm 7,3% lương tối thiểu là 2,9%. Vì vậy, Thứ trưởng Phạm Minh Huân đề nghị các doanh nghiệp tiết kiệm các chi phí khác, dành nguồn lực tăng lương tối thiểu, bảo đảm đời sống người lao động, góp phần tăng năng suất lao động, tạo nên nhiều sản phẩm giúp nền công nghiệp Việt Nam phát triển.

Trước lo lắng của một số nhà báo với việc tăng lương sẽ dẫn đến tăng giá, Thứ trưởng Phạm Minh Huân nêu rõ: Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ sẽ báo cáo với Chính phủ và các bộ ngành để có sự điều chỉnh, hạn chế tình trạng này. Bên cạnh đó, các bộ ngành, địa phương cần thực hiện tốt Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, để cùng với việc tăng lương tối thiểu, sẽ có các khu nhà ở, khu giải trí góp phần nâng cao đời sống người lao động. Hiện, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trình Chính phủ và được Chính phủ đồng ý thí điểm xây dựng khu vui chơi cho người lao động tại một số vùng. Hội đồng Tiền lương đã đi khảo sát tại một số nơi và ghi nhận nhiều trường hợp người lao động có điều kiện sống hết sức khó khăn. Chính quyền địa phương và các doanh nghiệp cần có trách nhiệm xây dựng các giải pháp để nâng cao đời sống của người lao động.

Giải đáp thắc mắc của các phóng viên về việc tăng lương tối thiểu đáp ứng bao nhiêu % mức sống tối thiểu, Thứ trưởng Phạm Minh Huân nhấn mạnh: Theo tính toán của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, mức điều chỉnh này chỉ đáp ứng được khoảng 90% mức sống tối thiểu của người lao động. Lương tối thiểu là yếu tố xác định, gắn với nhu cầu cuộc sống và kinh tế xã hội. Lộ trình tăng lương tối thiểu đã được xây dựng nhưng kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy lương tối thiểu luôn "chạy" theo nhu cầu vì đời sống tăng, nhu cầu cũng tăng theo. 

Vấn đề tăng lương tối thiểu dù qua nhiều điều chỉnh song vẫn là câu chuyện "nóng" và tăng bao nhiêu là phù hợp dường như vẫn là câu chuyện chưa có điểm dừng. Chính vì vậy nếu báo chí quan tâm quá mức, sẽ làm "nóng" vấn đề, khiến xã hội phân tâm, ảnh hưởng đến tâm lý người lao động cũng như sự phát triển của doanh nghiệp - Thứ trưởng Phạm Minh Huân gửi thông điệp./.

Thiều Văn Lý/ Lao đông và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh