Triệu chứng nghẹn khi ăn, khó nuốt có thể dấu hiệu của ung thư thực quản
- Y học 360
- 14:48 - 12/11/2020
Vì vậy, người bệnh mắc ung thư thực quản sẽ nuốt nghẹn và không ăn uống được, dẫn đến cơ thể bị suy kiệt dần. Các biến chứng thường gặp của ung thư thực quản là chảy máu từ khối u, rò vào khí – phế quản…
Theo Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM), hàng năm bệnh viện tiếp nhận điều trị khoảng 100 trường hợp ung thư thực quản, trong đó hơn 70% người bệnh ở giai đoạn trễ, khối u đã xâm lấn xung quanh hoặc di căn hạch, di căn xa.
Đáng lo ngại hơn, ở giai đoạn nhẹ, bệnh thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng khiến người bệnh chủ quan, không chủ động đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm. Khi các triệu chứng rõ ràng thì người bệnh đã ở giai đoạn trễ.
Theo TS, BS Võ Duy Long – Phó trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa BV ĐHYD TPHCM, ở giai đoạn đầu, người bị ung thư thực quản thường có triệu chứng nghẹn khi ăn, khó nuốt. Ban đầu có thể bị nghẹn bởi thức ăn dạng đặc như thịt cá, nhưng lâu dần cảm giác nghẹn xảy ra ngay cả khi người bệnh ăn thức ăn dạng lỏng như canh, súp, cháo, thậm chí có trường hợp không uống nước, sữa được. Các triệu chứng khác cũng có thể gặp như: Đau ngực, khàn tiếng, sụt cân, gầy yếu, suy kiệt…
Với việc phối hợp điều trị đa mô thức (phẫu thuật, hóa trị, xạ trị…), phẫu thuật nội soi (PTNS) cắt thực quản và tạo hình bằng dạ dày hoặc đại tràng được đánh giá là một trong những phương pháp hiệu quả trong điều trị ung thư thực quản, góp phần mang lại hiệu quả điều trị tối ưu cho người bệnh. Phương pháp này giúp việc nạo hạch được triệt để hơn, người bệnh ít đau, ít xảy ra tình trạng viêm phổi hoặc suy hô hấp sau mổ.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại khoa Ngoại Tiêu hoá BV ĐHYD TPHCM, hầu hết người bệnh ung thư thực quản có chỉ định phẫu thuật đều được điều trị bằng PTNS. Kết quả cho thấy người bệnh hồi phục nhanh, có thể tự đi lại sau mổ 2 - 3 ngày, ăn uống trở lại vào 3 – 5 ngày và xuất viện sau 8 – 10 ngày. Ở giai đoạn trễ, người bệnh cần được phối hợp điều trị đa mô thức, bao gồm hoá trị, xạ trị trước hoặc sau PTNS cắt thực quản.
Trường hợp người bệnh H.H.N., 56 tuổi, ngụ tại TPHCM. Ông N. nhập viện trong tình trạng khó nuốt khi ăn, ăn uống kém khiến cơ thể gầy yếu, suy kiệt, cân nặng giảm sút nhanh chóng trong vòng 3 tháng. Qua nội soi thực quản dạ dày, bác sĩ phát hiện ông N. bị ung thư thực quản ngực 1/3 giữa. Sau khi chụp CT scan ngực – bụng, bác sĩ cho biết ông bị ung thư giai đoạn 2 và chỉ định điều trị bằng PTNS. Người bệnh được truyền dinh dưỡng 1 tuần trước mổ.
Sau đó, các bác sĩ thực hiện PTNS ngực, bụng để cắt thực quản và tạo hình thực quản bằng dạ dày. Người bệnh chỉ nằm ở phòng Hồi tỉnh sau mổ khoảng 15 giờ, sau đó được chuyển đến phòng bệnh nội trú tại khoa Ngoại Tiêu hoá. 8 ngày sau, ông được xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định. Ông được điều trị tiếp hoá trị hỗ trợ sau mổ 8 đợt và được các bác sĩ theo dõi định kỳ trong 3 năm sau phẫu thuật, kết quả tái khám cho thấy chưa có dấu hiệu di căn hay tái phát ung thư.
Theo TS, BS Võ Duy Long, hiện chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ung thư thực quản, tuy nhiên, các tác nhân được xác định là yếu tố nguy cơ cao gây ung thư thực quản là thuốc lá, rượu bia… Bên cạnh đó, những người bị trào ngược dạ dày thực quản lâu ngày gây bệnh Barrett thực quản, người bị béo phì hoặc uống phải các chất có tính a-xít, chất phụ gia độc hại… thường là đối tượng dễ bị ung thư thực quản.
TS, BS Võ Duy Long khuyến cáo, để phòng ngừa ung thư thực quản nên hạn chế rượu bia, bỏ hoàn toàn thói quen hút thuốc lá. Nếu có bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản, người bệnh phải được điều trị triệt để. Ngay khi có các dấu hiệu như nuốt khó, nuốt nghẹn, nóng rát sau xương ức, đau ngực… người bệnh nên đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.