THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:59

Triển lãm “Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - viết tiếp những ước mơ”

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tham dự triển lãm.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tham dự triển lãm.

Triển lãm gồm 3 nội dung: Dấu ấn những chặng đường; Dấu ấn nhiệm kỳ 2017-2022 và Hướng tới tương lai bằng những con số ấn tượng, hình ảnh được chọn lọc cùng các từ khóa, những câu nói đã đi vào lịch sử, triển lãm hệ thống lại những thành tựu mà Hội đã đạt được qua những chặng đường phát triển; đồng thời, giới thiệu sự kế tục truyền thống của các thế hệ phụ nữ qua nhiều nhiệm kỳ Đại hội, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước viết tiếp những ước mơ về sự bình đẳng và phát triển của phụ nữ Việt Nam.

Chủ để 1: Dấu ấn những chặng đường phản ánh những chặng đường từ khi Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ra đời trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cho đến ngày thống nhất, xây dựng đất nước trong thời kỳ hội nhập.

Hơn 90 năm, trải qua 12 kỳ Đại Hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã lãnh đạo phong trào phụ nữ cả nước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra trong mỗi nhiệm kỳ, tạo được dấu ấn riêng qua từng kỳ đại hội. Trong mỗi giai đoạn khác nhau, gắn với bối cảnh cụ thể của cả nước, Hội sẽ phát động những phong trào thiết thực nhằm phát huy sức mạnh đoàn kết của các tầng lớp phụ nữ đóng góp chung cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cùng các đại biểu tham quan triển lãm.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cùng các đại biểu tham quan triển lãm.

Chủ đề 2: Dấu ấn nhiệm kỳ 2017-2022 thể hiện với sự tiếp nối truyền thống cùng sự sáng tạo, nhạy bén trước diễn biến phức tạp của tình hình trong nước và thế giới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong nhiệm kỳ (2017 - 2022) đã vượt qua khó khăn đạt được nhiều thành tựu và để lại những dấu ấn đậm nét.

Triển lãm lựa chọn 8 dấu ấn nổi bật của Hội trong nhiệm kỳ 2017-2022 gồm:  

An toàn cho phụ nữ và trẻ em: Dấu ấn nhấn mạnh sự chủ động tích cực của Hội khi phát hiện và lên tiếng theo đuổi đến cùng các vụ việc xâm hại, bạo lực, buôn bán phụ nữ và trẻ em. Đặc biệt là Hội phát động năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em nhằm tập trung các hoạt động và sự quan tâm của các Bộ ngành cùng phối hợp, nâng cao nhận thức trong cộng đồng.

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ: Dấu ấn trong hoạt động này chính là Hội tập trung các giải pháp đồng bộ, mở rộng tính kết nối, liên kết các chương trình, các mô hình của Hội với các Bộ ngành, gắn kết với chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, nông thôn mới, chương trình OCOP; trao quyền chủ động sáng tạo cho các cấp Hội nhằm tăng tính hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ phù hợp với hoàn cảnh của từng địa phương, từng cá nhân, mô hình khởi nghiệp. Đặc biệt chính là những thành tựu vững chắc mà mô hình hỗ trợ tài chính vi mô cho phụ nữ (TYM) đã nâng bước thành công cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo và yếu thế trong gần 30 năm qua.

Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần: Dấu ấn này thể hiện qua sự sáng tạo của các cấp Hội khi triển khai các phong trào nhằm lôi kéo sự tham gia hiệu quả của các hội viên phụ nữ và lan tỏa ra toàn cộng đồng.  

Đồng hành cùng phụ nữ biên cương: Dấu ấn của phong trào chính là sự lan tỏa từ Trung ương đến các cấp Hội cơ sở. Từ sự phát động của Trung ương, các tỉnh thành Hội và các cấp cơ sở đã chủ động sáng tạo trong triển khai các hoạt động đồng hành: kết nghĩa với các cấp Hội ở tỉnh biên giới, xây dựng các chương trình hoạt động phối hợp, lồng ghép các hoạt động Hội của cơ sở gắn với đối tượng phụ nữ các tỉnh biên giới.

Các đại biểu tham dự triển lãm.

Các đại biểu tham dự triển lãm.

 Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch - xây dựng Nông thôn mới: Dấu ấn của phong trào này chính là sự chủ động sáng tạo trong việc thay đổi tiêu chí phù hợp với bối cảnh mới, gắn kết phong trào với hoạt động bảo vệ môi trường tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động.

Chung tay vượt qua thiên tai, đại dịch COVID- 19: Dấu ấn đậm nét nhất chính là sự chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thiên tai và đại dịch. Phát huy tinh thần đoàn kết tương thân tương ái, các cấp Hội đã kịp thời ứng phó trong những tình huống khẩn cấp và đùm bọc chia sẻ cho nhau cùng vượt qua khó khăn.

 Để phụ nữ vươn tầm quốc tế: Dấu ấn đậm nét là mở rộng quan hệ hợp tác, phối hợp thúc đẩy cam kết hành động thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, tiến bộ của phụ nữ ở tầm quốc gia và quốc tế.

Chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trong các phong trào hoạt động Hội: Dấu ấn này thể hiện sự nhanh nhạy thích ứng của Hội khi đã kịp thời chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động Hội, bắt nhịp với sự chuyển mình mạnh mẽ của quốc gia và quốc tế trước cách mạng công nghệ 4.0.

Chủ đề 3 “Hướng tới tương lai” tập trung giới thiệu định hướng phát triển của Hội trong chặng đường tiếp theo qua định hướng phát triển của đất nước, chiến lược phát triển Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035 hướng tới một tương lai với sự bình đẳng, hội nhập và phát triển, thích ứng và phản ứng linh hoạt trong nhiều bối cảnh;

Chủ đề này cũng giới thiệu những ứng dụng hiệu quả thành tựu của khoa học công nghệ trong các hoạt động nghiên cứu, sản xuất, làm kinh tế, tiếp cận thị trường, quảng bá sản phẩm... nhạy bén trong bối cảnh đất nước chuyển đổi sang nền kinh tế số.

Các đại biểu nhắn tin ủng hộ xây dưng mô hình sinh kế cho phụ nữ biên cương chào mừng Đại hội.

Các đại biểu nhắn tin ủng hộ xây dưng mô hình sinh kế cho phụ nữ biên cương chào mừng Đại hội.

Phát biểu tại lễ khai mạc Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, trong những dấu ấn nổi bật của nhiệm kỳ 2017-2022, chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”  - một chương trình được khởi xướng và phối hợp thực hiện từ năm 2018.  Đến nay, với nhiều hoạt động thiết thực, tại 255 xã được nhận hỗ trợ từ Chương trình đã có gần 400 mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế; gần 1.100 công trình dân sinh; gần 6 triệu con giống, gần 19.000 cây giống các loại đã đến tay phụ nữ nghèo; Khám chữa bệnh cho gần 12.000 lượt phụ nữ, trẻ em; Trao tặng hơn 43.000 suất quà và học bổng cho học sinh, nữ sinh dân tộc thiểu số nghèo vượt khó... Từ những hoạt động hỗ trợ thiết thực đó đã làm cho phụ nữ khu vực biên giới nói riêng và nhân dân vùng biên thêm phấn khởi, tin tưởng và ngày càng tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

“Trong buổi khai mạc hôm nay, cùng với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Cổng thông tin nhân đạo cũng phối hợp phát động chương trình nhắn tin ủng hộ với mong muốn sẽ vận động được nguồn lực để triển khai 130 mô hình sinh kế cho phụ nữ vùng biên cương, những người góp phần tạo nên phên dậu thành đồng của Tổ quốc, để họ tự lực thoát nghèo, vươn lên làm giàu, bắt kịp với những bước chuyển nhanh chóng của đất nước hiện nay” - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết thêm.

NGUYỄN SÍU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh