CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:54

Triển khai tuần lễ nâng cao nhận thức kháng sinh

Đây là lần đầu tiên một hệ thống y tế tư nhân thực hiện chương trình nâng cao nhận thức kháng sinh với quy mô lớn nhằm chung tay cùng ngành y tế hạn chế tình trạng kháng kháng sinh đang gia tăng tại Việt Nam.

quầy dược tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức

Theo đó, Tuần lễ Nâng cao nhận thức kháng sinh Hoàn Mỹ được phát động bắt đầu từ năm 2021 và sẽ duy trì thực hiện hàng năm với các hoạt động cụ thể, bao gồm: Ký cam kết quản lý và hạn chế sử dụng kháng sinh tại các bệnh viện, phòng khám; xây dựng hướng dẫn sử dụng kháng sinh; giám sát việc kê toa sử dụng kháng sinh; huấn luyện, đào tạo truyền thông về kháng sinh, về đề kháng kháng sinh và giải pháp khắc phục; nâng cao năng lực xét nghiệm vi sinh; đảm bảo các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn…

Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ đặt mục tiêu trong năm 2021-2022 sẽ tăng tỉ lệ trung bình sử dụng kháng sinh dự phòng trên tổng các phẫu thuật sạch, sạch nhiễm của các bệnh viện trong hệ thống Hoàn Mỹ từ 70% lên hơn 90%, tỉ lệ tuân thủ vệ sinh tay đạt hơn 95%. Với những hoạt động thiết thực trong quản lý kháng sinh sẽ góp phần vào giảm tỉ lệ đề kháng, tăng cơ hội điều trị thành công cho những trường hợp nhiễm khuẩn nặng cần sử dụng đến thuốc kháng sinh trong tương lai, giảm chi phí điều trị và góp phần vào việc giảm đề kháng kháng sinh cho toàn xã hội.

khu khám BV Hoàn Mỹ Saigon

Theo thống kê của mạng lưới giám sát các căn nguyên kháng thuốc châu Á (ANSORP), tỉ lệ kháng kháng sinh tại Việt Nam rất đáng báo động. Việt Nam có mức độ kháng penicillin cao nhất với 71,4%, kháng erythromycin lên đến 92,1%. 75% các chủng pneumococci - tác nhân phổ biến gây ra các nhiễm khuẩn trên tai và phổi đã kháng với 3 loại kháng sinh trở lên. Đáng chú ý, tỉ lệ vi khuẩn gram âm đa đề kháng được ghi nhận tăng cao ngay cả ở những người khỏe mạnh trong cộng đồng. Việc đề kháng kháng sinh này làm tạo ra một vòng lẩn quẩn: Cần tăng liều, tăng phối hợp thuốc để đạt được hiệu quả tác dụng, sử dụng kháng sinh kinh nghiệm có phổ rộng… nhưng cũng từ đó lại càng làm tăng đề kháng kháng sinh.

Việc sử dụng kháng sinh không hợp lý trong điều trị là một trong những nguyên nhân khiến cho tình hình đề kháng kháng sinh tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Đối tác Tham gia Chống đề kháng kháng sinh toàn cầu (GARP), một tổ chức nghiên cứu về đề kháng kháng sinh quốc tế đã thực nghiên cứu và ghi nhận phần lớn kháng sinh được bán mà không có đơn chiếm 88% ở thành thị và 91% ở nông thôn. Nguyên nhân tự ý dùng kháng sinh chủ yếu để điều trị ho và sốt. Điều này dẫn đến tăng chi phí điều trị, tăng thời gian nằm viện, tỉ lệ tử vong, trở thành một tác động tiêu cực đối với ngành y tế và kinh tế Việt Nam.

Hiện, đề kháng kháng sinh không chỉ diễn ra ở Việt nam mà còn là một vấn đề mang tính toàn cầu. Tuần lễ nâng cao nhận thức kháng sinh (18-24/11) cũng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát động và nhận được sự hưởng ứng của các quốc gia với mục tiêu đảm bảo sử dụng kháng sinh hợp lý không chỉ hướng đến đối tượng là nhân viên y tế mà còn truyền thông trên người dân trong việc chung tay chống lại gia tăng của các vi khuẩn đa kháng thuốc.

  1.  Tại Việt Nam các kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc đã được xây dựng và thực hiện từ năm 2013 nhưng cần thúc đẩy mạnh hơn, hoạt động hiệu quả hơn trong giai đoạn này. Gần đây nhất, Bộ Y tế của Việt Nam đã ban hành Quyết định số 5631/QĐ-BYT ngày 31/12/2020 về việc hướng dẫn thực hiện quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện. Theo đó, Quyết định này đã đề ra các chiến lược và nhiệm vụ cốt lõi với mục tiêu đảm bảo hiệu quả điều trị, an toàn cho người bệnh, giảm khả năng xuất hiện đề kháng của vi sinh vật gây bệnh, giảm chi phí nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, đồng thời thúc đẩy chính sách sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn và hiệu quả trong điều trị bệnh.

Trần Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh