THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 11:25

Triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng

Không tăng trưởng bằng mọi giá

Báo cáo những thông tin cập nhật về tình hình kinh tế, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 tiếp tục xu hướng tích cực, kết quả tốt hơn tháng 4 và quý I. Kinh tế vĩ mô ổn định; chỉ số giá tiêu dùng giảm 0,53% so với tháng 4 và tăng 0,37% so với tháng 12/2016. Tăng trưởng các ngành kinh tế tiếp tục phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,2%, cao hơn 4 tháng đầu năm (5,2%).
Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng khá:  5 tháng khách quốc tế đạt hơn 5,3 triệu lượt, tăng 30,8%; tín dụng tăng trên 6,5%, cao hơn cùng kỳ những năm gần đây. Thị trường chứng khoán đạt mức cao nhất trong 9 năm. Xuất khẩu tăng 17,4%; trong đó nhiều mặt hàng chế biến chế tạo, rau quả, thủy sản tăng mạnh; nông nghiệp nhìn chung được mùa và đã có thị trường xuất khẩu gạo thuận lợi. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 39,7% dự toán, tăng 16,9%.
Vốn FDI đăng ký mới, bổ sung và góp cổ phần đạt trên 12 tỷ USD, tăng 10,4%. Có trên 50 nghìn doanh nghiệp được thành lập; tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung gần 1,2 triệu tỷ đồng.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm; tạo việc làm tăng 5,3%, đạt gần 650 nghìn lao động, nhất là cho số mới tốt nghiệp cao đẳng, đại học.Công tác đối ngoại đạt nhiều thành quả. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí: Số vụ giảm 4,2%; số người chết giảm 2,6%; số người bị thương giảm 10,2%.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, kinh tế xã hội hiện vẫn còn nhiều khó khăn thách thức với nhiều dấu hiệu đáng ngại như chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp hơn cùng kỳ, tổng mức bán lẻ cũng thấp hơn, tiêu thụ một số nông sản vẫn tiếp tục khó khăn. Về lĩnh vực xã hội, cơ quan quản lý nhà nước vẫn để xảy ra nhiều vụ ngộ độc, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, sai sót trong khám chữa bệnh, tai nạn giao thông nghiêm trọng. Tình hình trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn diễn biến phức tạp.
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã thảo luận kỹ và quyết nghị nhiều giải pháp bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tại Phiên họp thường kỳ tháng 4/2017; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực; đồng thời, nhất quán quan điểm không tăng trưởng bằng mọi giá; tăng trưởng phải gắn với ổn định vĩ mô, bảo đảm chất lượng và phát triển bền vững, cải thiện đời sống nhân dân.
Triển khai quyết liệt, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; phấn đấu đạt tăng trưởng khu vực nông nghiệp 3,05%, xuất khẩu nông sản trên 33 tỷ USD; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,34%; khu vực dịch vụ tăng 7,19%, trong đó khách du lịch tăng trên 30%. Trên cơ sở các chỉ tiêu này, từng ngành, lĩnh vực xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để chỉ đạo điều hành và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện.
Không để xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm, thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu bên hành lang QH (Ảnh: Chu Ngọc Thắng)
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, các giải pháp được Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhắc đến là: duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Phát triển mạnh thị trường trong nước cùng với thúc đẩy xuất khẩu, nhất là với các mặt hàng nông sản, cả tiểu ngạch và chính ngạch...
Chính phủ hướng tới mục tiêu giảm lãi suất, bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm trên 18% để thúc đẩy sản xuất, hỗ trợ khởi nghiệp. Giá điện, nước, dịch vụ y tế, giáo dục... được kiểm soát theo lộ trình chặt chẽ.
Chính phủ cũng theo dõi diễn biến, kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản, bảo đảm phát triển lành mạnh, ổn định. Khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, tạo thuận lợi cải tạo các khu chung cư cũ, nhất là tại Hà Nội và TP. HCM.
Phó Thủ tướng cũng đề cập đến vấn đề nổi lên trong công tác điều hành thời gian qua như cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu. Theo đó, vừa qua, Chính phủ đã tăng cường kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã mua 0 đồng và thuộc diện kiểm soát đặt biệt; củng cố, chấn chỉnh hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, xử lý dứt điểm những quỹ yếu kém, không có khả năng phục hồi.
Chính phủ cũng tăng cường kiểm soát sở hữu chéo, ngăn ngừa thao túng, doanh nghiệp “sân sau” trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; giám sát chặt chẽ diễn biến nợ xấu và các tổ chức tín dụng có tỷ lệ cho vay bất động sản ở mức cao...
Về xử lý các dự án thất thoát, thua lỗ lớn của các DNNN, theo báo cáo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Chính phủ đã xây dựng chương trình hành động để cổ phần hóa 137 doanh nghiệp, phấn đấu đến hết năm 2020 Nhà nước chỉ giữ 100% vốn tại 103 doanh nghiệp. Kết quả, các cơ quan đã thực hiện đúng kế hoạch, tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; đảm bảo đáp ứng tối thiểu 250.000 tỷ đồng cho Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020; không để xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm, thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước. Tính đúng, tính đủ giá trị, quyền sử dụng đất, thương hiệu, triển vọng phát triển của doanh nghiệp trong cổ phần hóa.
Với 12 dự án thua lỗ, thất thoát lớn, Chính phủ đang tập trung để xử lý dứt điểm, phương thức theo cơ chế thị trường, không sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách. Song song với quá trình đó, Chính phủ tiến hành xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các vi phạm của tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật. “Người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về việc hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn và xử lý dứt điểm tồn tại. Xử lý nghiêm lãnh đạo DNNN, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện, không hoàn thành kế hoạch sắp xếp, thoái vốn” – Phó Thủ tướng nói.
Ở khía cạnh các vấn đề xã hội, Phó Thủ tướng đề cập việc quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Nổi bật nhất thời gian qua là chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ quyết liệt ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, nhất là tình trạng “cát tặc” đang diễn ra ở nhiều nơi. Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng việc cấp phép các dự án xã hội hóa nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa tận thu cát; mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp; khởi tố hình sự một số vụ án trọng điểm; xử lý nghiêm hành vi “bảo kê”, tiếp tay cho cát tặc.
Hoạt động xả thải của cơ sở sản xuất, bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt… cũng được siết chặt quản lý, xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Nhắc đến chuyện thời sự là hiện tượng sạt lở ở vùng ĐBSCL, Phó Thủ tướng cho biết, các biện pháp khắc phục đã được triển khai, ứng phó kịp thời, không để sạt lở gây chết người. Về vấn đề trật tự, an toàn xã hội, Phó Thủ tướng trình bày việc giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp kéo dài. Quan điểm chỉ đạo là không để phát sinh điểm nóng.
Việc phòng chống tội phạm , Chính phủ tập trung vào các loại hành vi như cướp giật, tàng trữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Khám phá nhanh các vụ án, nhất là các vụ án đặc biệt nghiêm trọng; nâng cao chất lượng điều tra, xử lý, không để xảy ra oan, sai, lọt tội phạm. Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, nhất là băng nhóm tội phạm nguy hiểm, tội phạm ma túy. Đấu tranh có hiệu quả với tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm tham nhũng.

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh