Triển khai nhiều giải pháp khởi kiện nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 00:17 - 17/11/2016
Ngày 16/11, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp khởi kiện, thanh tra, thu nợ BHXH, BHYT, BHTN. Chủ trì Hội nghị có ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ngoài điểm cầu tại Hà Nội, tham gia Hội nghị còn có 62 điểm cầu là BHXH các tỉnh, thành phố và đại diện LĐLĐ các tỉnh, thành phố.
Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp khởi kiện, thanh tra, thu nợ BHXH, BHYT, BHTN sáng 16/11
Số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN đã lên hơn 14,2 nghìn tỉ đồng
BHXH Việt Nam cho biết, tính đến hết ngày 31/10, tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN là 179.596 tỉ đồng, đạt 77,9% kế hoạch được giao. Trong khi đó, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN là hơn 14,2 nghìn tỉ đồng, chiếm 6,5% kế hoạch thu, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, số nợ trên là chưa kể đến các đơn vị đã giải thể, bỏ trốn… Có thể nói, số nợ này sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của người lao động khi họ trích tiền lương đóng BHXH nhưng bị doanh nghiệp chiếm dụng và do đó người lao động cũng không được hưởng quyền lợi của mình.
Trong tổng số nợ trên thì nợ Quỹ BHXH là 9.550 tỉ đồng, trong đó số tiền nợ BHXH thời gian từ 3 tháng trở lên là 6.869 tỉ đồng, chiếm 72% số tiền nợ BHXH. Nợ BHTN là 516 tỉ đồng, nợ BHYT là 4.170 tỉ đồng Theo BHXH Việt Nam, ngoài nguyên nhân do điều kiện kinh tế khó khăn, ý thức chấp hành pháp luật của chủ sử dụng lao động… còn nguyên nhân chủ yếu từ cơ quan BHXH các cấp. Trong đó, BHXH tỉnh, huyện vẫn chưa thực sự vào cuộc trong việc đôn đốc thu, thu hồi nợ. BHXH. Các đơn vị này chưa phối hợp thường xuyên với cơ quan tài chính các cấp, cơ quan quản lý đối tượng đôn đốc chuyển tiền đóng BHYT cho một số đối tượng do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ. Cá biệt có BHXH tỉnh An Giang từ tháng 1/2015 đến tháng 9/2016 chưa thu được tiền đóng BHYT của hơn 60 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội là 66 tỉ đồng.
Ngoài ra, nguyên nhân nữa là chưa chủ động phối hợp với Liên đoàn Lao động để khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN và các cơ quan quản lý triển khai thanh tra liên ngành việc chấp hành pháp luật BHXH, BHYT, BHTN mà chỉ phối hợp, cử người tham gia đoàn thanh tra khi các cơ quan quản lý đề nghị… Về phía BHXH Việt Nam, công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ, đôn đốc thu nợ chưa đôn đốc thường xuyên, chậm triển khai công tác thanh tra, xử phạt các đơn vị nợ đọng kéo dài.
Ảnh minh họa
Khởi kiện ngay những doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT
Để có biện pháp tích cực trong việc thu nợ BHXH, bảo vệ lợi ích của nhà nước, NLĐ trong điều kiện hiện nay tòa án không chấp nhận quyền khởi kiện của của quan BHXH, đồng thời nhằm phối hợp với công đoàn các cấp thực hiện nhiệm vụ khởi kiện nợ BHXH, BHXH Việt Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ký Quy chế phối hợp về trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện ra tòa đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Tuy nhiên, theo ông Lương Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (BHXH Việt Nam), sau gần 2 tháng triển khai, vẫn chưa có vụ nào được khởi kiện ra tòa.
Ông Lương Anh Tuấn cho biết, công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc BHXH ở các địa phương triển khai thực hiện Quy chế phối hợp đã được lãnh đạo ngành BHXH đặc biệt quan tâm. Ở các địa phương, đến nay đã có 47/63 tỉnh, thành phố đã ký Quy chế phối hợp. Tính đến ngày 13/11/2016, cơ quan BHXH các cấp đã cung cấp danh sách, hồ sơ 91 đơn vị sử dụng lao động nợ BHXH cho công đoàn cùng cấp để thực hiện việc khởi kiện, trong đó nhiều nhất là BHXH tỉnh Điện Biên là 51 hồ sơ, Nam Định 9 hồ sơ. Tổ chức công đoàn đã tiếp nhận 71 hồ sơ, tuy nhiên tổ chức công đoàn chưa thực hiện vụ khởi kiện nào ra tòa. “Sau gần 2 tháng thực hiện Quy chế phối hợp, số hồ sơ đơn vị sử dụng lao động nợ BHXH chuyển sang tổ chức công đoàn còn quá ít so với thực tế các đơn vị nợ BHXH. Nguyên nhân là do đa số các tỉnh, thành phố mới ký quy chế phối hợp vào tháng 10/2016 và cuối tháng 11 nên chưa triển khai thực hiện” – Ông Lương Anh Tuấn cho biết.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra những khó khăn trong việc khởi kiện doanh nghiệp và thanh tra chuyên ngành BHXH như: Lực lượng mỏng, quy trình khởi kiện còn phức tạp, chưa có hướng dẫn cụ thể về kinh phí khởi kiện, sự chồng chéo giữa khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH theo Luật BHXH và Luật tố tụng dân sự. Tỉnh Hà Giang cho biết khó khăn là LĐLĐ tỉnh chưa ký kết phối hợp với cơ quan Tòa án cùng cấp. Trong khi đó tỉnh Yên Bái là Tổng LĐLĐ Việt Nam chưa có hướng dẫn cụ thể về công tác khởi kiện ra tòa về hành vi chậm đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN. Còn tỉnh Quảng Bình thì yêu cầu trong hồ sơ khởi kiện phải có đơn của NLĐ ủy quyền đề nghị khởi kiện mới tiếp nhận hồ sơ khởi kiện.
Theo LĐLĐ các tỉnh, việc khởi kiện doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn vì nhiều doanh nghiệp đang trong tình trạng "sống dở, chết dở", trên bờ vực phá sản; nếu có khởi kiện thành công cũng khó có thể thi hành án. Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu từ nay tới cuối năm, trong số 15 tỉnh thí điểm khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH, mỗi tỉnh phải khởi kiện vài vụ để biết khó khăn vướng mắc ở đâu để báo cáo Chính phủ.
Ông Trần Đình Liệu cho biết, để triển khai thực hiện Quy chế phối hợp giúp việc khởi kiện của tổ chức công đoàn có hiệu quả nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của NLĐ, giúp làm giảm tình trạng nợ đọng BHXH đang ngày càng gia tăng, thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó yêu cầu BHXH địa phương thực hiện nghiêm túc, đúng thời hạn và quy định về việc cung cấp hồ sơ đơn vị nợ BHXH cần khởi kiện cho công đoàn cùng cấp. Đây là nguồn thông tin chính xác nhất giúp tổ chức công đoàn thực hiện giám sát đối với đơn vị sử dụng lao động và là căn cứ để thực hiện việc khởi kiện bảo vệ lợi ích người lao động. Đồng thời theo dõi sát sao kết quả khởi kiện của công đoàn cùng cấp. Cử cán bộ chuyên quản hỗ trợ cán bộ công đoàn trong suốt quá trình tham gia tố tụng.
Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tích cực phối hợp kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Quy chế phối hợp nói riêng, việc khởi kiện nói chung của tổ chức công đoàn và cơ quan BHXH tại một số địa phương, trên cơ sở đó kịp thời có những hướng dẫn, điều chỉnh trong việc thực hiện khởi kiện, đồng thời đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc gặp phải khi tổ chức công đoàn thực hiện quyền khởi kiện về nợ BHXH. BHXH Việt Nam cũng đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện thống nhất Quy chế, cũng như thực thi thẩm quyền khởi kiện trong toàn hệ thống công đoàn cùng cấp.