Trên mặt trận “không tiếng súng”
- Y học 360
- 14:25 - 30/04/2020
Hơn 5 nghìn cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đang ngày đêm căng mình dọc biên ải trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, khó khăn, thiếu thốn trăm bề để chung tay chống dịch Covid-19. Hơn 3 tháng qua không một trường hợp nào được rời vị trí để về gia đình, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", đã có hàng chục cán bộ, chiến sĩ vợ sinh chưa được về thăm, nhiều chiến sĩ trẻ phải hoãn đám cưới; thậm chí một số cán bộ, chiến sĩ không thể về chịu tang người thân.
Gác lại chuyện "trăm năm hạnh phúc" để ở lại biên cương, cùng đồng đội chống dịch Covid-19 là câu chuyện của Thượng úy Lê Văn Huấn, Đội trưởng Trinh sát Đồn Biên phòng Mô Rai (BĐBP Kon Tum). Dự định làm đám cưới nên dịp Tết Canh Tý 2020, Thượng úy Lê Văn Huấn xin phép đơn vị về quê đón Tết và tranh thủ chụp ảnh cưới, chuẩn bị cho hôn lễ tổ chức trong tháng 4/2020.
Tuy nhiên, sau khi trở lại đơn vị, ngay từ đầu tháng 3, khi dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, lượng người qua lại biên giới Việt Nam - Campuchia có sự biến động, công tác tuần tra khó khăn gấp bội. Anh em chiến sĩ Đồn Biên phòng Mô Rai, trong đó có Thượng úy Huấn phải ăn ngủ tại lán trại dựng ngay ven đường nơi người dân đi lại, hoặc dọc tuyến đường mòn, lối mở; quân số trực chiến 100%, 24/24 giờ. Đồng thời, hàng ngày các chiến sĩ cùng phối hợp với y yế, công an, dân quân, công an xã gõ cửa từng nhà để tuyên truyền tới người dân về cách phòng ngừa dịch, đóng cửa các quán làm dịch vụ không cần thiết.
Xác định cuộc chiến còn nhiều gian nan, Thượng úy Huấn cùng bạn gái và gia đình hai bên đã bàn bạc, thống nhất hoãn tổ chức đám cưới. Thượng úy Huấn cho biết: "Dù có chút tâm tư, nhưng gia đình hai bên và bạn gái hoàn toàn đồng tình với quyết định này. Bởi đây là thời điểm cả nước chung sức, đồng lòng chiến đấu để chiến thắng dịch bệnh. Chừng ấy năm còn đợi nhau được, chờ thêm mấy tháng nữa để chính thức là người một nhà... với bọn mình có đáng là bao".
Tuần tra đêm.
Không riêng Thượng úy Huấn mà ở khắp các đồn biên phòng trên cả nước như: Long An, Đồng Tháp, Bình Thuận, An Giang, Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên... trên dưới 30 cán bộ, chiến sĩ đã hoãn đám cưới (lẽ ra được tổ chức vào tháng 3, 4, 5/2020), hy sinh việc riêng để hoàn thành nhiệm vụ chung của đất nước.
Cũng vì mệnh lệnh từ trái tim, ở lại làm nhiệm vụ chống dịch Covid-19, Thượng úy Bùi Thế Trọng, Phó Trạm trưởng Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bắc Luân, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái (BĐBP tỉnh Quảng Ninh) đã nhiều tháng chưa được về nhà. Giữa tháng 2, khi vợ anh "mẹ tròn, con vuông", những lo âu, thấp thỏm trong anh mới tan biến. "Tết Nguyên đán Canh Tý vừa rồi tôi ở lại đơn vị trực và dự định sau Tết sẽ cắt phép ở nhà chăm vợ sinh con. Thế nhưng, dịch Covid-19 xảy ra, tôi cùng nhiều cán bộ khác ở lại đơn vị trực chiến dồn sức chống dịch. Thèm được bế con trong chốc lát, nhưng rồi cũng chỉ được nhìn con qua màn hình điện thoại. Khi con trai đầu lòng của tôi ra đời (năm 2017), tôi cũng đang công tác xa nhà", Thượng úy Trọng chia sẻ.
Nén nỗi đau cha mất, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chống dịch là câu chuyện buồn của Trung úy Nguyễn Đình Thông (SN 1994, xã Kim Hoa, Hương Sơn, Hà Tĩnh), Đội trưởng Đội vũ trang, Đồn Biên phòng Thạnh Trị (BĐBP Long An). Dù thương tiếc cha, Trung úy Thông nén nỗi đau tiếp tục cùng cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ. Được sự đồng ý của Bộ chỉ huy BĐBP Long An, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Thạnh Trị đã tổ chức lập bàn thờ vọng ngay trước chốt kiểm soát mà Trung úy Thông và 5 cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19. Bàn thờ nhỏ được lập vội ngay trước căn nhà lá dựng tạm để Thông cùng đồng đội thắp nén nhang tiễn biệt cha mình. Dù Thông là con trai trưởng, nhưng vì nhiệm vụ công tác, anh đành nén lại nỗi đau để tiễn biệt bố từ xa.
Cùng chung nỗi đau mất đi người cha yêu quý, Binh nhì Trần Đức Chung, Đại đội 4 (Trung tâm huấn luyện BĐBP) nhận tin cha ở quê nhà Thái Bình qua đời ngày 31/3/2020 do bệnh nặng, nhưng vì đang trong cao điểm của công cuộc phòng chống dịch Covid-19, chiến sĩ Chung không kịp về chịu tang bố. Đơn vị cũng đã lập bàn thờ để Chung thắp hương, tưởng nhớ cha, cũng là để đồng đội trong Đại đội 4 được gửi lời chia buồn, động viên anh.
Ngày 25/3 nhận được tin em gái ruột qua đời ở quê vì bạo bệnh, nhưng Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Trần Viết Nam, nhân viên Quân y, Đồn Biên phòng Mường Lạn, (BĐBP Sơn La) cũng không thể về thắp cho em nén nhang, bởi anh đang tham gia nhiệm vụ tuyên truyền về dịch Covid-19 và trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho đồng đội cùng nhiều người dân trên địa bàn.
Tuần tra, kiểm soát các đường mòn, lối mở dọc tuyến biên giới phòng chống dịch Covid-19.
Vẫn còn nhiều lắm những câu chuyện cảm động của các anh - những "lá chắn thép" giữa đại ngàn đang ngày đêm hy sinh tất cả với hy vọng mang lại sự bình yên cho Tổ quốc, đại dịch Covid-19 nhanh chóng được đẩy lùi mà trong khuôn khổ bài viết chúng tôi không thể kể hết…
Ghi nhận trước những hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ BĐBP, tại Hội nghị rút kinh nghiệm công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia đã biểu dương tinh thần, thành tích của quân đội trong tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 và nhấn mạnh: Tổ chức Y tế thế giới đánh giá, Việt Nam là quốc gia đã xử lý dịch bệnh Covid-19 rất tốt và quân đội đã có những đóng góp quan trọng mang yếu tố quyết định đến thành công trong việc ngăn chặn, khống chế, không để Covid-19 lây lan trong cộng đồng. Qua công tác phòng, chống dịch Covid-19, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ tiếp tục được tỏa sáng.
Phó Thủ tướng chia sẻ và nhấn mạnh, vai trò quan trọng của quân đội không chỉ là kiểm soát chặt chẽ đường biên giới, tiếp nhận công dân trở về từ vùng có dịch và tổ chức cách ly mà còn tham gia làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, làm an lòng dân.