CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:38

Trên đôi cánh của bến bờ

Tết sắp về. Một chữ Tết thôi, không cần giải thích, cứ tự nó khơi lên những nhớ thương dài dặm. Dòng sông ở độ cuối năm, trên con đường dẫn về quê cha xóm mẹ, vào cữ cuối Chạp, như đang lụi đi màu xanh nét thắm của rau bèo tốt tươi những mùa xuân hạ. Đã vạc đi mòn khuyết cái đầy đặn bãi bờ xôi mật tươi non, giờ hanh hao khô gầy trên từng cọng muống khẳng khiu lơ thơ hoa tím; đọt khoai dại nở búp hoa cam, may thay, còn đơm lên mùi hương thơm tho ngan ngát trong dặm dài cơn bấc. Đã thưa vắng và xa xôi hơn những tiếng nói giọng cười, trong giá rét trốn vào sau liếp cửa mà tìm hơi bếp ấm. Thì lại trở nên vời vợi xót xa bởi cái hoang hoải rung rinh chao động, mặt sông luênh loang khói sương ngày rét đậm. Khói sóng vờn lên như thi ảnh mùa đông, muốn lặn sâu đáy nước mà vẫn cứ lưu luyến chờn vờn. Trong khói sóng dòng sông, bỗng cứ bồi hồi ngân lên một miền kí ức.

Tết xấp xới đầu làng. Từng cơn bấc cơn may thổi dọc con đường ôm sông hút hoải, ra đến cánh đồng kề cuối xóm thôn thì chia nhánh, rẽ ngang, vắt mềm như dòng lụa qua những thảm ruộng đang gối mình tăm tắp những luống cày phơi ải cuối đông.

Làng bốn mùa cũng xanh như thảm lụa ôm quanh dòng sông nhỏ. Cả một vùng quê  từ xửa xưa đã có thiết chế xóm thôn viền theo đôi cánh của bến bờ, có cây đa, bến nước, những chiếc cầu cuốn gạch vồng cong cho thuyền bè có mui, mái dễ luồn qua, vào cái thuở những dòng sông xưa kia đóng vai trò giao thông đường thủy. Cư dân sinh sống dọc theo các triền sông, có lẽ là bởi nguồn nước cần cho cuộc sống. Nước sạch để ăn uống sinh hoạt hàng ngày, nước để tưới tiêu vườn ruộng. Nước không bao giờ có thể tách rời cuộc sống con người. Những con sông tựa như huyết mạch sinh sôi nuôi dưỡng cơ thể vạm vỡ của ngôi làng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sông quê xưa trong, sạch, mỗi độ chiều thu trời trong văn vắt, đứng nơi mé bờ là có thể nhìn thấu cả những cụm rong tóc tiên chao nhẹ đu đưa theo sóng nước, như mái tóc dài xao xuyến của những nàng tiên. Sông lấp lánh ánh bạc trên thân thể nhỏ xíu của đàn đàn mạt nước bơi loang loáng, thoắt nổi, thoắt chìm. Lại có lúc, mặt sông rung rinh hoa gấm, một đàn mại cờ nhiều sắc màu đỏ xanh vàng tím với nào là đòng đong, cân cấn, mại, mương lấp lánh vảy màu trắng bạc, bất ngờ dắt nhau nhô lên bơi như múa khắp mặt sông. Những con cá vui mắt, với tụi trẻ con, là cả một thế giới lung linh màu nhiệm.

Con sông quê hương, với người lớn là giao thương thuyền bè, là tưới tiêu vườn ruộng, là cấy trồng, lưới vó; với tuổi thơ, là sắc màu của bèo hoa, trò câu câu bắt bắt, bơi tắm thỏa thuê, là không gian diễn xướng, nô đùa. Chiều hè tắm trâu, tập bơi với cây chuối, chậu nhôm; đêm trăng mộng mơ hò hẹn. Những đôi bạn sống cùng làng xóm, học chung lớp ngồi chung bàn, uống chung nước một dòng sông. Họ có thể giấu giếm tình cảm lứa đôi vừa nhen nhóm với cha mẹ, chị em trong nhà, nhưng sẽ coi dòng sông, bờ bến, vầng trăng rơi bóng đáy sông, là nhân chứng của mối tình đầu chớm nở. Bến sông, cây cầu là nơi hò hẹn, dòng sông sẽ ghi nhớ giùm họ những xao xuyến bâng khuâng của một thời tuổi trẻ. Mà rồi, sau quãng thời gian tình tự, những kỷ niệm rủ rê hái rau, vợt cá bỗng chốc ngẫm lại trở thành vật báu của thơ ấu và của cả thanh xuân, để những trai gái vân vi hồi tưởng mà rồi càng thêm gắn bó, nên đôi nên lứa, nên vợ nên chồng...

Tôi luôn chạnh nhớ về những con sông chảy thao thiết quanh làng. Có con sông mang những cái tên ngà ngọc, như Châu Giang, Vĩnh Giang, hẳn là cha ông xưa gửi gắm ở đó nhiều khát vọng; lại có con sông nhỏ bé đến nỗi chưa được đặt tên, nhưng trong đời sống, nó vẫn là cả một miền sinh sôi trong dặm dài kết nối. Biết bao thế hệ đã được sinh ra và lớn lên, cùng nhau tạo dựng nên sức sống mạnh mẽ của những ngôi làng ven sông. Một con sông dẫu nhỏ bé vẫn nắm giữ sinh mệnh của một cộng đồng cư dân nhiều đời gắn chặt đời sống sinh hoạt của mình với nguồn nước trong, sạch, không thể thiếu vắng trong đời sống thường nhật.

Sông xưa là thế, nên, nghĩ về dòng sông của hôm nay, tôi không khỏi có lúc chạnh buồn. Làng bây giờ to đẹp, bề thế, nhà cao cổng lớn, cửa đóng then cài. Chỉ dòng sông là đã bị thu hẹp lại. Không còn gương nước dòng trong, rong rêu, bèo hoa, rau đậu hoàn toàn vắng bóng, và buồn nữa, là một dòng sông thiếu vắng tiếng cười. Nước sông ô nhiễm bởi dòng sông đã trở thành nơi chứa nước xả thải. Không còn một đứa trẻ nào dám bơi lội, câu cá, tuyệt mù bóng dáng của bèo hoa lơ thơ, cũng chẳng có cụm rong tiên nào thả tóc mơ màng trong bóng nước… Con sông chỉ còn tồn tại đúng nghĩa là một dòng xả thải đầy chịu đựng, trụi trơ và xa xót. Làng thành đô thị mới, lạnh lùng thô cứng những sắt thép bê tông; cánh đồng nơi cuối nguồn trở thành khu công nghiệp, những công xưởng sản xuất bề thế đã mọc lên sát tận rìa làng. Bà con làng kể, bữa rồi, có mấy người ôm lòng lãng mạn, thương nhớ dòng sông ngày cũ, lại sợ mùi xả thải gây ô nhiễm cho xóm làng, mới nghĩ cách ươm thả cây hoa súng hoa sen, với hi vọng rễ cây có thể lọc bớt ô nhiễm,  nước sông phần nào trong lại. Nhưng sông bây giờ không chỉ của làng. Sông đã trở thành một phần của hệ thống xả thải, trong đó, nước thải từ khu công nghiệp cũng được phép dẫn cả vào sông. Lắm khi, vào ngày mưa lớn, mấy cụ già giật mình thấy trong nước sông vốn đã ngầu đục lại len lỏi vài dòng xanh đỏ. Đấy là nước hóa chất từ khu công nghiệp theo mưa lớn chảy về. Người ta sợ dòng chảy bị nghẽn tắc, nên đã ra lệnh phải nhổ sạch sen, súng trên sông! Còn một chút vớt vát cho con mắt vọng về sông bớt đi phần nào bơ vơ, ngùi ngậm, là người làng trồng những bồn cây, dải hoa chạy dọc đôi bờ. Con đường bê tông rộng rãi, sạch sẽ mà khô lạnh, dẫu cuộc sống giờ khấm khá hơn, tiếng ô tô, xe máy bon bon về tận xóm nhà.

Bóng dáng một dòng sông chảy qua khó nhọc đến thương yêu của mẹ cha, chảy qua tuổi thơ đến tuổi trẻ nhiều thế hệ, sóng sánh một miền dân ca, một miền thơ ấu, giờ chỉ còn chập chờn trong kí ức.

Tôi nhớ những ngày năm xưa giáp Tết, chị tôi lựa chiều hanh hao nắng đẹp, cố thu hết can đảm co mình trong làn nước lạnh ngắt mà lội xuống một khúc sông, xén tóc tiên về cho đàn lợn mẹ con có thức ngon ăn Tết. Tôi theo chị đi dọc đôi bờ, bồn chồn lo lắng, chốc chốc lại giục giã chị nhanh lên. Rong xén được đã nhiều, nổi trên mặt sông như tóc của thần tiên từ trời xanh rụng xuống. Chị tôi, hàm va vào nhau lập cập. Dùng chiếc đòn gánh, chị vun vén dồn rong lại phía bờ rồi vớt lên rổ sảo, chất đầy đôi quang. Tôi choàng vội chiếc khăn lên người chị đang run lên tím tái, và chị tôi đặt gánh rong lên vai, chạy như bay về nhà. Chị chạy để người ấm lên, khỏi cảm. Tôi lại nhớ những lần chị đun riu bắt tép hay thả vó, cũng ở khúc sông ấy. Một khúc sông sâu nhất mà người làng đồn rằng ở đó có ma, làm tôi đi theo chị trên bờ mà sợ, có lúc muốn gọi mà không dám kêu tên chị lên, sợ chị bị ma bắt…  

Chị em chúng tôi, những bạn bè cùng trang lứa, rồi biết bao thế hệ cha ông người làng thuở trước, đã lớn lên trên đôi cánh của bến bờ. Những đứa trẻ làng đã lần lượt được sinh ra, được nuôi nấng, chăm bẵm và lớn khôn lên từ nước của dòng sông. Dòng sông ấp ôm, tắm gội và chắp cánh cho những ước mơ thơ bé của chúng tôi dâng lên thành khát vọng. Một dòng sông, từng là mạch nguồn sức sống, bền bỉ mà lai láng, âm thầm mà mạnh mẽ, trao đi, nhận lại, soi sáng, chở che. Dòng sông ấy tưởng như chưa bao giờ mỏi mệt giữa cuộc đời bể dâu trăm ngả, cứ cần mẫn, lặng lẽ kết nối với muôn dặm trăm sông, dặt dìu những bến bờ, làng mạc, rồi xuôi dài da diết về nơi sông Mẹ. Những dòng sông vì thế, đã trở thành nhân chứng thủy chung của năm tháng đời người.

Tản văn của Trang Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh