Trên 90% bệnh nhân HIV điều trị ARV qua BHYT
- Y học 360
- 16:53 - 27/12/2019
Theo báo cáo của Cục Phòng chống HIV/AIDS, sau 20 năm triển khai điều trị ARV, đến nay,hệ thống các cơ sở điều trị HIV/AIDS đã được thiết lập và mở rộng nhanh chóng để tăng nhanh độ bao phủ điều trị, tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV tiếp cận dịch vụ điều trị và duy trì điều trị lâu dài. Từ 3 đến 5 cơ sở điều trị HIV/AIDS vào năm 2000 đến nay đã có 436 cơ sở. Trong đó có 8 cơ sở điều trị tại tuyến trung ương; 77 cở sở tuyến tỉnh/thành phố (Bệnh viện tỉnh, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh/thành phố hoặc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS); 351 cơ sở điều trị ARV tuyến huyện. Ngoài ra còn có các cơ sở điều trị ARV tại 37 trại giam; 6 cơ sở điều trị tại trung tâm 6 và cơ sở tôn giáo, 3 phòng khám tư nhân.
Số bệnh nhân được điều trị tăng hơn 50 lần so với khi bắt đầu triển khai điều trị ARV mở rộng tại Việt Nam (năm 2004). Đến nay có gần 140.000 bệnh nhân đang điều trị ARV, trong đó có 5000 bệnh nhi. Việc mở rộng điều trị ARV đã giảm đáng kể số người tử vong do AIDS. Trong những năm 2009 số ca nhiễm HIV báo cáo tử vong hằng năm khoảng 7.000 đến 8.000 ca, đến nay số ca tử vong báo cáo khoảng 1000 -2000 ca tử vong mỗi năm.
Về việc mở rộng BHYT cho người nhiễm HIV, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long cho biết, tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có thẻ BHYT tăng lên nhanh chóng từ 30% (2015) đến năm 2019 là trên 90%. Nhiều tỉnh/thành phố đạt 100% bệnh nhân đang điều trị ARV có thẻ BHYT như Ninh Thuận, Lai Châu, Cao Bằng, Cà Mau. 42 tỉnh/thành phố có tỷ lệ bao phủ BHYT trong bệnh nhân điều trị ARV trên 90%. Đến 31/10/2019 có hơn 42.000 bệnh nhân đang nhận thuốc ARV từ nguồn BHYT tại 188 cơ sở điều trị HIV/AIDS. Hiện còn 9 tỉnh có tỷ lệ dưới 90% thấp nhất là TP HCM (80%). Việc tiếp cận 10% còn lại sẽ còn gặp khó khăn do kỳ thị và sợ phân biệt đối xử của người nhiễm HIV nên không muốn dùng BHYT, các bệnh nhân mới tham gia điều trị tại các BV TW và BV đa khoa tỉnh không muốn về các bệnh viện tuyến huyện để điều trị. Các bệnh nhân ngoại tỉnh còn khó khăn khi đăng ký các thủ tục tạm trú. Nhiều bệnh nhân mất giấy tờ tùy thân ...
Thời gian qua, việc kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS đã được đẩy mạnh thực hiện. Đến hết quý 2/2019 có 96% cơ sở điều trị HIV/AIDS đã kiện toàn và ký hợp đồng cung cấp dịch vụ KCB BHYT. Các cơ sở còn lại chưa đủ điều kiện để kiện toàn và ký hợp đồng với cơ quan BHYT sẽ được duy trì nguồn thuốc từ các chương trình dự án và hoàn thiện tiếp công tác kiện toàn. Sau khi không còn các nguồn thuốc miễn phí, các cơ sở này trường hợp không hoàn thiện công tác kiện toàn phải chuyển bệnh nhân sang các cơ sở KCB BHYT khác.
Liên quan đến việc cung ứng thuốc ARV nguồn BHYT: Trong năm 2019 đã đấu thầu và mua sắm thành công thuốc ARV nguồn BHYT cho 48.000 bệnh nhân đến hết tháng 10/2019 đã có hơn 41.000 bệnh nhân nhận thuốc. Dự kiến trong năm 2020 sẽ cung ứng cho 103.000 bệnh nhân. Trong thời gian tới Bộ Y tế tập trung vào một số nhiệm vụ trong cung ứng thuốc như sau
Hiện nay 25/63 tỉnh, thành phố đã có nguồn ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí hỗ trợ phần cùng chi trả thuốc ARV nguồn BHYT. Các tỉnh còn lại đã có nguồn của dự án QTC và chương trình PEPFAR đảm bảo.
"Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục hướng dẫn và đôn đốc các tỉnh đảm bảo và phê duyệt từ nguồn ngân sách địa phương kinh phí hỗ trợ phần cùng chi trả thuốc ARV nguồn BHYT cho năm 2020 và các năm tiếp theo; Tiếp tục tư vấn, truyền thông vận động người nhiễm HIV tham gia BHYT và vận động đảm bảo các nguồn tài chính cho hỗ trợ mua thẻ BHYT cho các đối tượng khó khăn ( hiện 40/64 tỉnh, thành phố đã tự đảm bảo từ nguồn ngân sách địa phương). Đồng thời, hỗ trợ các cơ sở điều trị có hệ thống dữ liệu kết nối trên toàn quốc để quản lý, cảnh báo tình trạng tham gia BHYT của các bệnh nhân có thẻ BHYT đang điều trị.", Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS cho biết.