Trẻ tự gây thương tích, tự tử vì rối loạn tâm thần
- Y học 360
- 21:15 - 25/11/2020
Câu chuyện đau lòng được TS Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ tại hội thảo Rối loạn tâm thần tuổi học đường ngày 24/11.
Trao đổi với Vietnamnet, TS Loan cho biết, bé gái 12 tuổi ở Hà Nội được gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi cấp cứu trong tình trạng hôn mê, nguy kịch, sau vài tiếng điều trị tích cực không có hiệu quả, gia đình đã xin về, tử vong tại nhà.
Theo chia sẻ của gia đình, bố mẹ bé có đời sống hôn nhân không hạnh phúc. Trước khi sự việc xảy ra, bé gái bị cô giáo phê bình, nhắc nhở trên lớp do nói chuyện, làm việc riêng, tuy nhiên nữ sinh giải thích mình không vi phạm. Về nhà, gia đình yêu cầu em làm kiểm điểm khiến em treo cổ tự tử.
Theo TS Loan, có thể bản thân bé đã có những bất ổn từ lâu nhưng không được phát hiện sớm, sự việc ở trên lớp chỉ như giọt nước tràn ly khiến em có quyết định manh động và bồng bột muốn kết thúc cuộc sống.
Tại khoa cũng đang điều trị cho trường hợp bé gái 13 tuổi bị trầm cảm nặng. Cô bé không gần gũi với bố mẹ, thay vào đó thường tâm sự, chia sẻ với anh trai. Cách đây 1 năm, anh trai đi du học khiến cô bé chếnh choáng, hụt hẫng và rơi vào trầm cảm, từng có ý định tự sát. Sau nhiều buổi can thiệp, điều trị, tâm lý bé gái đã cải thiện, điểm số các các môn học cũng cao hơn.
Từ thực tế điều trị, TS Loan cho biết, số lượng học sinh đến tìm gặp bác sĩ để can thiệp tâm lý ngày càng tăng, song hầu hết đều đến ở giai đoạn giữa và muộn. Các trường hợp này cũng phần lớn được cô giáo phát hiện, do bố mẹ bận rộn không đủ thời gian quan tâm, tâm sự với con.
"Có trường hợp bị trầm cảm từ lâu nhưng bố mẹ không hề hay biết, đến 8 năm sau mới phát hiện ra thì đã ở giai đoạn rất nặng, điều trị khó khăn", TS Loan thông tin.
Báo Suckhoedoisong.vn cho biết, theo Tổ chức Y tế Thế giới, 20% trẻ em và vị thành niên có rối loạn tâm thần, 50% khởi phát ở độ tuổi 14. Trầm cảm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tàn tật ở trẻ vị thành niên. Tự tử là nguyên nhân thứ ba gây tử vong ở lứa tuổi 15-19.
Các phát hiện từ các nghiên cứu dịch tễ học của các quốc gia có thu nhập cao cho thấy tỷ lệ mắc 8-18% đối với các rối loạn tâm thần ở trẻ em ở độ tuổi đi học.
Theo nghiên cứu gần đây nhất, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần giao động từ 8-29% ở trẻ em và vị thành niên. Trong đó, rối loạn tăng động giảm chú ý chiếm 14%, rối loạn cảm xúc là 11,5%, rối loạn ứng xử là 9%.
Năm 2019, Bệnh viện Nhi TW có tiến hành một cuộc khảo sát với 834 học sinh tại Hà Nội và 726 học sinh tại Hưng Yên. Kết quả cho tỷ lệ trầm cảm với các mức độ khác nhau ở Hà Nội là 31% và Hưng Yên là gần 19%. Tỷ lệ học sinh Hà Nội bị stress là gần 39% và tại Hưng Yên là gần 22%.
"Ở các khu đô thị lớn, tỷ lệ rối loạn tâm thần có vẻ có xu hướng cao hơn ở tỉnh, thành khác. Trẻ nữ cũng có tỷ lệ lo âu trầm cảm, sang chấn tâm lý cao hơn so với trẻ nam. Trẻ sống trong gia đình có mâu thuẫn cũng tỷ lệ rối loạn cao hơn so với các em trong gia đình có sự hòa hợp"- TS.BS Đỗ Minh Loan cho biết.
Theo GS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi TW, trẻ em đặc biệt lứa tuổi học đường tâm lý sinh lý cơ thể nói chung chưa ổn định, rất dễ bị rối loạn, kích thích bởi môi trường. Nếu quan tâm không đầy đủ, không đúng cách cách khiến trẻ hết sức mong manh, nhạy cảm, dễ đi vào rối loạn tâm sinh lý, rối loạn tâm thần. Không phát hiện, can thiệp sớm, đúng cách thì sẽ để lại hậu quả khôn lường, học hành sút kiém, rối loạn về hành vi, tâm thần.
Các khu vực đại diện cho khu vực phía bắc như Mường Khương, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu và một số tỉnh đồng bằng bắc bộ và đặc biệt là vùng Hà Nội đều ghi nhận tình trạng này. Điều này đòi hỏi các bác sĩ y khoa phải có kiến thức về tâm lý, tâm thần của trẻ em và đặc biệt là ở lứa tuổi học đường để can thiệp cho các em.