THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:32

Trẻ em Việt Nam sẽ được thụ hưởng rất nhiều thành tựu

 - Ảnh 1Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers 


Việt Nam được mời tham dự phiên họp đặc biệt Cấp cao về Quyền trẻ em vào ngày 25/9 tại New York (Mỹ)

Chúc mừng bà Rana Flowers, tân Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam (từ tháng 5/2019), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tin rằng với khả năng chuyên môn, kinh nghiệm phong phú, bà sẽ đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và UNICEF trong các nỗ lực chung vì trẻ em Việt Nam. 

Với những đóng góp đó, Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam luôn trân trọng cảm ơn UNICEF và coi UNICEF là một người bạn, người đồng hành thân thiết suốt nhiều năm tháng qua.

Đáp từ, bà Rana Flowers đánh giá cao mối quan hệ tốt đẹp với Bộ LĐ-TB&XH nhiều năm qua, và việc diện kiến hôm nay, với bà “cảm giác như được gặp lại những người bạn cũ”. 

“Tôi hân hạnh nhận trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, và hoạt động phục vụ vì lợi ích của phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam. Tôi nhận thức được trách nhiệm to lớn của mình trong việc góp phần làm thay đổi, và đem lại nhiều hạnh phúc cho trẻ em Việt Nam”, bà Rana Flowers chia sẻ.

Theo đó, bên cạnh việc ghi nhận, đánh giá cao Việt Nam trong những năm qua đạt được nhiều thành tựu trong bảo vệ chăm sóc trẻ em, có những cam kết và triển khai thực hiện các quyền trẻ em, xây dựng các chương trình, bổ sung pháp luật liên quan đến trẻ em, ban hành Luật Trẻ em... bà Rana Flowers dành thời lượng để đưa ra các đề xuất mà bà quan tâm.

Liên quan đến bảo đảm bình đẳng của trẻ em, trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam mong muốn, các chỉ tiêu, và mục tiêu vì trẻ em sẽ được cân nhắc, xem xét lồng ghép mạnh mẽ hơn nữa vào chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước giai đoạn 2021- 2030.

UNICEF cũng mong muốn được hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ LĐ-TBXH, các sở LĐ-TBXH để lồng ghép những chỉ tiêu này đồng bộ từ Trung ương đến cấp cơ sở.

Bà cũng đánh giá cao cơ chế điều phối của Ủy ban quốc gia về trẻ em của Việt Nam đối với các Bộ, ngành của Việt Nam trong những vấn đề liên quan đến trẻ em và quyền trẻ em. Theo đó, UNICEF mong muốn sẽ được hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật để tăng cường đối thoại một cách chiến lược trên tinh thần xây dựng cho Ủy ban quốc gia về trẻ em của Việt Nam.

Nhấn mạnh, thời gian qua Việt Nam đã làm nhiều lĩnh vực quan trọng, để phòng ngừa, giải quyết các các vấn đề liên quan đến bảo vệ trẻ em, bà đề xuất cần tăng cường hơn nữa năng lực cán bộ, đào tạo cán bộ Công tác xã hội chuyên nghiệp và có bằng cấp ở cấp địa phương, để làm công tác phòng ngừa và giải quyết các trường hợp xâm hại trẻ em.

 

 - Ảnh 2Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2020, sẽ chọn vấn đề trẻ em là trọng tâm ưu tiên của năm

 

 

Hướng tới kỷ niệm 30 năm Ngày Công ước quốc tế quyền trẻ em được Đại hội đồng LHQ thông qua (20/11/1989 - 20/11/2019), bà Rana Flowers mong Bộ trưởng ủng hộ để UNICEF tại Việt Nam hợp tác cùng Bộ LĐ-TB&XH tổ chức các hoạt động kỷ niệm này - cũng sẽ được diễn ra trên toàn cầu vào ngày 20/11 tới.

Bà Rana Flowers nhấn mạnh, đây cũng là dịp chúc mừng những thay đổi tích cực trong thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam. Bà bày tỏ mong muốn, sẽ thắp sáng màu xanh lên một số kiến trúc tiêu biểu ở Hà Nội, mang thông điệp toàn cầu: thông điệp ước mơ xanh.

Bên cạnh đó, bà Rona Flower cho hay, Việt Nam đã được Tổng thư ký LHQ mời tham dự phiên họp đặc biệt cấp cao về quyền trẻ em được tổ chức trong khuôn khổ đại hội đồng LHQ vào ngày 25/9 tại New York (Mỹ).

“Việt Nam cũng đã được mời là 1 trong 6 quốc gia sẽ phát biểu tại phiên họp đặc biệt quan trọng này, vì Việt Nam là quốc gia đầu tiên tại Châu Á phê chuẩn công ước về quyền trẻ em”, bà Rana Flowers cho biết và mong muốn Bộ trưởng quan tâm, tham dự, để bảo đảm Việt Nam sẽ có đoàn đại biểu cấp cao tham dự sự kiện trên. 

 

Năm 2020, chọn vấn đề trẻ em là trọng tâm ưu tiên của năm 

Đánh giá cao các đề xuất của Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tin tưởng với kinh nghiệm và nhiệt huyết của bà, “Tôi tin, trẻ em Việt Nam sẽ được thụ hưởng rất nhiều thành tựu”, ông nói. 

Nhấn mạnh Việt Nam là một trong những quốc gia yêu trẻ nhất, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cho biết, người Việt Nam bao giờ cũng dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất, vì “trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”.

Theo đó, Bộ trưởng khẳng định, về tổng thể, trẻ em Việt Nam được sống trong một môi trường bình an, trong lành và được xã hội quan tâm, luôn dành cho trẻ em những gì tốt nhất có thể làm được. Các em được bảo vệ, chăm sóc, được tạo điều kiện để phát triển.

Ngay như tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã lựa chọn giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” cũng đã minh chứng cho sự quan tâm đặc biệt ấy.

 

 - Ảnh 3 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tin tưởng với kinh nghiệm và nhiệt huyết của bà Rana Flowers, trẻ em Việt Nam sẽ được thụ hưởng rất nhiều thành tựu

 

Khẳng định đây là vấn đề dư luận xã hội rất lo lắng, tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, số lượng các vụ xâm hại trẻ em so với trước đây chắc chắn đã giảm.

"Hiện nay có rất nhiều hình thức để bảo vệ trẻ em, sự vào cuộc kịp thời của báo chí, hay như Tổng đài 111 và các cơ quan bảo vệ quyền bảo vệ trẻ em... lên tiếng mạnh mẽ, giải quyết những vấn đề về trẻ em rất nhanh. Dù vậy, vẫn phải rất quan tâm, và giải quyết một cách quyết liệt", ông nói.

Theo đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, thời gian tới, tập trung ưu tiên các vấn đề quan trọng.

Thứ nhất, xây dựng môi trường cho trẻ em phát triển một cách toàn diện. Trong đó, chú trọng đến chương trình phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, nhất là giảm tử vong do tai nạn giao thông và đuối nước.

Thứ hai, tập trung cao cho phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Xác định rõ, nhà trường và gia đình là hai môi trường phải đặc biệt quan tâm đến các em. 

Thứ ba, quan tâm đến trẻ em dân tộc miền núi, trong đó từ việc học hành, xóa mù chữ, chống tảo hôn. Nhưng cũng phải quan tâm làm sao giúp các em hòa nhập, để các em không bị kỳ thị. Đây là vấn đề rất quan trọng. 

Bộ trưởng thông tin thêm, vào năm đầu thế kỷ, năm 2000, Việt Nam chọn năm đó là năm vì trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Do đó, năm 2020, chắc chắn sẽ chọn vấn đề trẻ em là trọng tâm ưu tiên của năm.

Về các kiến nghị của bà Rana Flowers, Bộ trưởng trao đổi thêm, trước hết, việc đưa các chỉ tiêu, mục tiêu về trẻ em vào chương trình chiến lược phát triển KTXH giai đoạn 2020- 2030 là rất cần thiết, và hiện đang tập trung, trăn trở, suy nghĩ làm sao quan tâm tốt nhất, toàn diện, đảm bảo ưu tiên trẻ em trong các kế hoạch, cũng như đảm bảo các cam kết quốc tế. 

Về xây dựng lực lượng Công tác xã hội, tán thành cần có đội ngũ nòng cốt, nhất là ở cơ sở. Và Việt Nam cũng phải xây dựng, hoàn thiện hơn một bộ chỉ số liên quan đến trẻ em.

Ngoài ra, Bộ trưởng mong muốn phía UNECEF tiếp tục cùng tham gia vận động nguồn lực, hỗ trợ cho trẻ em miền núi nhiều hơn. Nhất là hai chương trình áo ấm, giày dép- rất thiết thực. 

Với đề xuất liên quan đến Hội nghị thượng đỉnh tại New York vào ngày 25/9, Bộ trưởng cho biết, sẽ báo cáo, đề xuất với thường trực Chính phủ để có phương án cụ thể. Bộ trưởng cho hay, tinh thần sẽ đại diện ở cấp cao nhất, có thể Phó Thủ tướng - Chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em sẽ tham dự- “chúng tôi sẽ đề xuất phương án này”, ông nói.

Cuối buổi tiếp, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH nêu sáng kiến, dịp kỷ niệm 30 năm Ngày Công ước quốc tế quyền trẻ em sắp tới, có thể xây dựng một biểu tượng về Việt Nam với Công ước này. “Một công trình nhỏ thôi, nhưng có ý nghĩa ghi lại dấu mốc lịch sử này”, Bộ trưởng gợi ý, và giao cho Cục Trẻ em lên kế hoạch.

“Đây là ý tưởng tuyệt vời. Tôi mong, nó trở thành hiện thực”, bà Rana Flowers tán thưởng. 

Kết thúc buổi tiếp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung hy vọng hai bên sẽ cùng hợp tác hiệu quả và có chiều sâu hơn nữa trong thời gian tới, tất cả vì trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai.

Thành Công - Quý Đức

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh