THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:54

Trẻ em tham gia đối thoại để chấm dứt các hình thức trừng phạt

Tại chương trình, các em nhỏ tham gia sự kiện đưa ra bản khuyến nghị và 9 thông điệp để thúc đẩy quyền trẻ em, chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất, tinh thần trẻ em. Theo đó, các em hy vọng các cơ quan hoạch định chính sách về trẻ em cần quy định cụ thể, rõ ràng, tuyên truyền sâu rộng tới mọi người dân về các hình thức xử phạt hành vi trừng phạt thể chất, tinh thần trẻ em; đưa ra được những điều luật hợp lý để có thể chăm sóc, bảo vệ trẻ em tốt nhất. 

Trẻ em tham gia đối thoại để chấm dứt các hình thức trừng phạt trẻ  - Ảnh 1.

Các em tự tin nói lên tiếng nói của mình.

Các cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em có biện pháp nâng cao nhận thức của người dân về việc xóa bỏ bạo hành; thúc đẩy các trường học giáo dục thêm cho học sinh về việc nhận biết trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em, lên tiếng trước các hành vi không đúng…

Các thông điệp được các em đưa ra:

- Giáo dục bằng yêu thương!

- Không đánh con!

- Không quát mắng con !

- Cùng con tìm giải pháp!

- Giáo dục tích cực!

- Lắng nghe tích cực!

- Đồng hành cùng con!

Nhằm thúc đẩy quyền trẻ em, chấm dứt trừng phạt thể chất, tình thần trẻ em tại gia đình, nhà trường, các em đưa ra một số đề xuất như: Nhà trường nên giảm bớt áp lực thành tích để giáo viên không đè nặng những áp lực đó lên chính học sinh; tổ chức tập huấn kỹ năng "quản lý cảm xúc", quản lý học sinh phù hợp… cho giáo viên. Từ đầu năm học, giáo viên cần có cam kết sẽ không dùng những hình thức xử phạt thể chất và tinh thần đối với học sinh…

Các em cũng mong muốn gia đình không tạo áp lực học hành, thi cử cho con cái; không đem con ra so sánh; không sử dụng bạo lực…; động viên, khuyến khích, phân tích, chia sẻ… với con nhiều hơn để hiểu con hơn và tạo cho con sự tự tin, tiến bộ…

Tại chương trình, các tổ chức xã hội thuộc Mạng lưới quản trị quyền trẻ em cũng đưa ra nhiều khuyến nghị nhằm thực hiện quyền trẻ em và chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất, tinh thần trẻ em. 

Cụ thể, các cơ quan quản lý nhà nước ban hành các chính sách, hướng dẫn nhằm ngăn chặn các hành vi trừng phạt thể chất, tinh thần đối với trẻ em ở nhà trường, gia đình và cộng đồng. Các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xây dựng các chương trình hoạt động nâng cao nhận thức, năng lực cho cha mẹ về các vấn đề quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em; nâng cao chất lượng dịch vụ bảo vệ trẻ em trong trường học; nâng cao, cải thiện hệ thống đường dây nóng, các dịch vụ bảo vệ, hỗ trợ trẻ…

Chia sẻ tại chương trình, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Nguyễn Thị Nga cho rằng, quyền tham gia của trẻ em nói riêng và việc thực hiện quyền trẻ em thời gian qua đã có nhiều kết quả tích cực. 

Thông qua nhiều kênh (diễn đàn, đối thoại, hội nghị, khảo sát…), tiếng nói của trẻ em đã được chuyển đến các lãnh đạo cấp cao chứ không chỉ là các cơ quan bộ, ngành. Phòng chống xâm hại trẻ em đã được Quốc hội lựa chọn làm vấn đề giám sát tối cao trong hai năm qua. Nhận thức của cha mẹ, trẻ em, xã hội về quyền trẻ em và quyền tham gia của trẻ em đã được nâng lên. Nhiều mô hình về trẻ em đã được thực hiện tốt tại nhiều địa phương…

Tuy nhiên, giai đoạn tới vẫn còn rất nhiều thách thức trong công tác bảo vệ trẻ em. Vẫn còn tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Còn hơn 1 triệu trẻ em từ 5-17 tuổi phải tham gia lao động. Thiên tai, dịch bệnh vẫn còn ảnh hưởng đến các quyền của trẻ em, đặc biệt là quyền học tập. Ở nhiều nơi, phong tục tập quán vẫn còn chi phối đến việc thực hiện quyền trẻ em; nhiều cha mẹ, địa phương chưa quan tâm đến ý kiến của trẻ em…

Bà Nguyễn Thị Nga cho biết, trong việc xây dựng các chính sách về trẻ em trong giai đoạn tới, Cục Trẻ em xác định những thách thức trên là những vấn đề lớn ảnh hưởng đến quyền trẻ em cần phải giải quyết. Các kiến nghị, đề xuất tại diễn đàn sẽ được tổng hợp, gửi đến các bộ, ngành, tổ chức liên quan để nghiên cứu, tổng kết, đánh giá các chương trình của giai đoạn đến năm 2020 và xây dựng các chương trình của giai đoạn tiếp theo; từ đó thúc đẩy việc thực hiện quyền trẻ em, chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất, tinh thần trẻ em.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh