THỨ BA, NGÀY 22 THÁNG 10 NĂM 2024 11:54

Trẻ em mong muốn điều gì?

Độ tuổi của trẻ em

Tại Diễn đàn, nhiều em bày tỏ sự quan tâm về quy định tuổi của trẻ em, theo Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em mà Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á tham gia ký kết năm 1990, trẻ em là người dưới 18 tuổi; còn theo các văn bản pháp luật về trẻ em từ trước đến nay ở Việt Nam và Luật Trẻ em năm 2016 hiện hành thì trẻ em là người dưới 16 tuổi.

Lý giải vấn đề này, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, mặc dù theo Luật Trẻ em hiện hành, trẻ em là người dưới 16 tuổi, nhưng hiện nay các vấn đề liên quan đến độ tuổi từ 16 - 18 vẫn được các cơ quan chức năng quan tâm, giải quyết theo hướng như trẻ em. Cũng theo ông Nam, nhiều tổ chức quốc tế đã và đang có khuyến nghị để Việt Nam nâng độ tuổi trẻ em trong luật nhằm phù hợp với quy định của Công ước, vấn đề này sẽ được quan tâm, xem xét khi sửa Luật Trẻ em trong thời gian tới.

Trẻ em đối thoại với các lãnh đạo tại phiên chính thức Diễn đàn trẻ em quốc gia.

Trẻ em đối thoại với các lãnh đạo tại phiên chính thức Diễn đàn trẻ em quốc gia.

Tình trạng bạo lực trên môi trường mạng

Em Trần Thanh Quỳnh đến từ TP.HCM đã đặt câu hỏi: “Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể làm gì để khuyến khích các học sinh chia sẻ cũng như báo cáo những vấn đề liên quan đến bạo lực mạng để thầy cô có thể kịp thời đưa ra hướng giải quyết và hỗ trợ?”.

Bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời trẻ em.

Bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời trẻ em.

Trả lời các vấn đề này, bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, thời gian qua Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như Trung ương Đoàn triển khai nhiều giải pháp để phát hiện, ngăn chặn tình trạng bạo lực trên môi trường mạng. Đề án 311 của Chính phủ về “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022 - 2030” đã đưa ra các hướng dẫn về giáo dục và bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. 

Cùng với đó, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cũng là một kênh hữu ích hướng dẫn trẻ em cách khắc phục nhanh chóng nhất vấn đề bạo lực trên môi trường mạng.

Ông Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn trao đổi với trẻ em.

Ông Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn trao đổi với trẻ em.

Còn ông Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cho hay, cơ chế nắm thông tin hiện nay rất đa dạng, trong trường học có tổ chức Đoàn, Đội là kênh gần gũi với trẻ em, về nhà có gia đình, bố mẹ, bên cạnh đó là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, Internet. 

Theo ông Bùi Quang Huy, để nắm bắt thông tin hiệu quả nhất, các em hãy phát huy quyền tham gia của mình. Khi phát hiện các vấn đề xảy ra xung quanh mình như bạo lực, xâm hại…, các em không nên im lặng mà hãy thông tin cho người khác biết.

Làm thế nào để nâng cao chất lượng Tổ tư vấn học đường?

Liên quan đến vấn đề tư vấn học đường, em Trần Thanh Thảo đến từ Quảng Ninh hỏi: “Các cô, chú lãnh đạo có kế hoạch gì để xây dựng và nâng cao chất lượng Tổ tư vấn học đường?”.

Em Trần Thanh Thảo đến từ Quảng Ninh đặt câu hỏi cho các lãnh đạo tại phiên chính thức Diễn đàn trẻ em quốc gia.

Em Trần Thanh Thảo đến từ Quảng Ninh đặt câu hỏi cho các lãnh đạo tại phiên chính thức Diễn đàn trẻ em quốc gia.

Trả lời em Thanh Thảo, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết, hiện nay, ở nhiều trường học, các Hiệu trưởng tham gia vào Tổ tư vấn đã phát huy hiệu quả một cách rõ rệt. Các giáo viên, Tổng phụ trách Đội, Bí thư Đoàn trường, cùng với giáo viên chủ nhiệm đã phối hợp với gia đình để tư vấn tâm lý cho các em học sinh. Tuy nhiên, những hoạt động này dường như chưa thể đáp ứng được hết các nhu cầu của các em học sinh. Để Tổ tư vấn học đường hoạt động hiệu quả hơn cần có sự tham gia của các cán bộ tư vấn tâm lý chuyên nghiệp.

Vai trò của người mẹ trong phòng, chống xâm hại trẻ em

Liên quan đến vấn đề xâm hại trẻ em, em Khúc Trà Giang đến từ TP. Hải Phòng, hỏi: “Người mẹ có vai trò như thế nào trong việc hỗ trợ con em mình phòng, chống bị xâm hại?”.

Bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chia sẻ về vai trò của người mẹ trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em.

Bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chia sẻ về vai trò của người mẹ trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em.

Trả lời vấn đề này, bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho biết cho biết, vai trò của người mẹ trong việc nuôi dạy con cái vô cùng quan trọng, điều này đã được cộng đồng xã hội ghi nhận. Người mẹ là người thầy đầu tiên và cũng là người bạn của con. Để bảo vệ con, người mẹ cần tạo ra môi trường sống tốt trong chính gia đình mình, và khi còn cần có thể tư vấn tâm lý cho con. Tuy nhiên, chúng ta cũng được biết nhiều trường hợp đau xót và phẫn nộ khi người mẹ lại chính là người ra tay hành hạ, xâm hại, thậm chí giết hại con mình.

Phòng, chống xâm hại trẻ em cần có sự tham gia của cả cha lẫn mẹ, tuy nhiên, vai trò của người mẹ đặc biệt quan trọng. Người mẹ cần tạo niềm tin để khi gặp khó khăn, con cái sẵn sàng chia sẻ với mình. Cha mẹ và con cái cần quan tâm, yêu thương đùm bọc lẫn nhau để xây dựng gia đình hạnh phúc.

Các vấn đề khác

Cũng tại Diễn đàn, các đại biểu trẻ em đã đưa ra rất nhiều kiến nghị khác như: Làm thế nào để giảm tình trạng tảo hôn ở trẻ em dân tộc thiểu số? Các biện pháp giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông, tai nạn thương tích. Hỗ trợ tâm lý trẻ khi bị bạo lực, xâm hại... 

Kết thúc buổi gặp mặt và đối thoại, các em đã trao thông điệp của Diễn đàn tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành và đoàn thể. Trở về địa phương, các em sẽ chia sẻ kết quả, nội dung Diễn đàn đến các bạn, vận động và cùng nhiều trẻ em khác góp sức cùng các cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương thực hiện tốt quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề trẻ em.

Em Nguyễn Huỳnh Minh Điều đến từ TP. Cần Thơ tại buổi gặp gỡ Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội ở nhà Quốc hội.

Em Nguyễn Huỳnh Minh Điều đến từ TP. Cần Thơ tại buổi gặp gỡ Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội ở nhà Quốc hội.

Bên lề Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ VII, em Nguyễn Huỳnh Minh Điều, học sinh lớp 8A1, Trường THCS Nguyễn Trãi, TP. Cần Thơ cho biết, đây là lần đầu tiên em tham dự Diễn đàn trẻ em cấp quốc gia. Khi về Thủ đô, em mang theo một niềm băn khoăn là “Vì sao nhiều vấn đề về bạo lực trẻ em xảy ra đã được bày tỏ ý kiến tới các bác lãnh đạo từ rất lâu rồi nhưng vẫn liên tục tiếp diễn và thậm chí ngày càng gia tăng. Vậy, các bác lãnh đạo có giải pháp nào để giải quyết triệt để vấn đề này không?”. Câu hỏi này, Minh Điều gửi đến Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội và em cảm thấy hài lòng về phần phúc đáp của các vị lãnh đạo.

Trẻ em trao thông điệp Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ VII tới các đồng chí lãnh đạo.

Trẻ em trao thông điệp Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ VII tới các đồng chí lãnh đạo.

Các đại biểu trẻ em đã trao thông điệp của Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ VII năm 2023 tới các đồng chí lãnh đạo. Các em mong muốn:
1. Người lớn hãy lắng nghe trẻ em để hiểu rõ các vấn đề của trẻ em và tác động tới trẻ em khi ra các quyết định.
2. Hội đồng nhân dân các cấp định kỳ tổ chức gặp mặt, tiếp xúc với trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em và tổ chức thêm các hoạt động lấy ý kiến của trẻ em về các giải pháp, thông tin, góc nhìn của trẻ em đối với các vấn đề của trẻ em.
3. Hội đồng nhân dân các cấp tổ chức các buổi tập huấn dành cho các cán bộ về quyền trẻ em để các bác hiểu hơn về trẻ em cũng như có thể huy động trẻ em tham gia đề xuất các sáng kiến, giải pháp giải quyết vấn đề liên quan đến trẻ em.
4. Có nhiều hơn chính sách và các hoạt động nâng cao nhận thức cho cha mẹ và trẻ em để phòng ngừa, ngăn chặn tảo hôn.
5. Các thầy giáo, cô giáo nâng cao nhận thức của các bạn học sinh và gia đình về tầm quan trọng của việc học, động viên, hỗ trợ các bạn có ý định bỏ học và các bạn có hoàn cảnh khó khăn trong học tập.  
6. Nhà trường xây dựng, nâng cao chất lượng phòng tham vấn học đường và hỗ trợ tâm lý cho học sinh.
7. Thành lập câu lạc bộ trẻ em nòng cốt trong trường học để kịp thời phát hiện và hỗ trợ giữa các học sinh.
8. Đưa nội dung an toàn trên môi trường mạng, bảo vệ trẻ em, giáo dục giới tính trong trường học vào sách giáo khoa.
9. Trẻ em được tạo thêm nhiều kênh thông tin, truyền thông để chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của trẻ em.
10. Tất cả trẻ em, đặc biệt là các bạn khuyết tật, được tiếp cận với môi trường mạng một cách an toàn và lành mạnh.
11. Phát triển các sản phẩm truyền thông thân thiện, hữu ích với trẻ em khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
12. Xây dựng tính năng kiểm duyệt và sàng lọc thông tin trên mạng; xử lý nghiêm những người lừa đảo và xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
13. Tổ chức nhiều hơn hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em.

Thanh Huyền

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Lạm Dụng Thuốc Ngủ: Hiểm Họa Tiềm Ẩn Của Cuộc Sống Hiện Đại

Lạm Dụng Thuốc Ngủ: Hiểm Họa Tiềm Ẩn Của Cuộc Sống Hiện Đại

Thuốc ngủ, một giải pháp tạm thời cho chứng mất ngủ, đang bị lạm dụng một cách đáng báo động, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe thể chất và tinh thần.
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh