THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:57

Trẻ em đối mặt với nguy cơ buôn bán người ngày càng cao

Trẻ em di cư đối diện với nguy cơ bị buôn bán người.

 

Nghiên cứu về di cư, bóc lột và nạn buôn bán trẻ em, thanh thiếu niên ở Việt Nam được thiết kế nhằm củng cố các thông tin, bằng chứng về nạn buôn bán và bóc lột trẻ em ở Việt Nam. Nghiên cứu tìm hiểu các loại hình, động cơ của nạn buôn bán trẻ em và bóc lột lao động, xác định các yếu tố cụ thể làm gia tăng tính dễ bị tổn thương của trẻ em, xem xét trải nghiệm của những người từng bị buôn bán trở về tái hòa nhập và tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ.

Dự án này do Coram International thực hiện, với sự hợp tác của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Việt Nam, Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), UNICEF Vương quốc Anh cho thấy, khoảng 5,6% trẻ em ở Việt Nam có nhiều khả năng có các trải nghiệm liên quan đến buôn bán trẻ em.

Báo cáo khẳng định rằng, trẻ em có nguy cơ bị buôn bán trên phạm vi toàn quốc, báo cáo cũng chỉ ra rằng một vài khu vực có nguy cơ cao hơn. Buôn bán trẻ em xuất hiện ở trong nhiều ngành nghề khác nhau, và các em gái/nữ thanh niên, các em trai/nam thanh niên đều có nguy cơ như nhau.

Phó Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội Lưu Quang Tuấn cho biết, nhóm nghiên cứu đã thực hiện hai cuộc khảo sát lớn từ năm 2017. Đó là khảo sát thực hiện trên 3.885 trẻ em và thanh niên tại 36 xã trên toàn quốc để tìm hiểu về việc làm, cuộc sống, những vấn đề xã hội liên quan đến trẻ em. Sau đó, 769 hộ gia đình được chọn ra để thực hiện khảo sát phỏng vấn chủ hộ gia đình. Những hộ gia đình tham gia khảo sát này đều có trẻ em vắng mặt trong gia đình.

Ngoài hai cuộc khảo sát lớn kể trên, nghiên cứu còn thực hiện khảo sát 84 trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12-24 được chính thức công nhận là nạn nhân bị buôn bán đã và đang được hỗ trợ thông qua các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước hoặc các chương trình trợ giúp khác.

Kết quả nghiên cứu cho thấy khoảng 5,6% trẻ em trong diện khảo sát có thể đã có những trải nghiệm, dấu hiệu cho thấy là nạn nhân của tệ nạn buôn bán người. Tuy nhiên, chỉ có 2,8% được xác nhận là nạn nhân... Trẻ em gái, nữ thanh niên hay trẻ em trai, nam thanh niên đều có mức độ nguy cơ giống nhau.

Việc buôn bán người đều bắt nguồn từ sự di cư tự nguyện (chỉ có 13% cho biết bị đưa đi trái với ý muốn) do tin vào lời hứa hẹn của những kẻ buôn bán người về cơ hội việc làm có thu nhập cao, công việc tốt, cơ hội học hành… Đa số nạn nhân được cứu trở về rất khó tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ. Báo cáo đưa ra những khuyến nghị nhằm phòng ngừa, ứng phó với buôn bán và bóc lột lao động trẻ em.

“Các số liệu đáng tin cậy, được bóc tách về độ tuổi và giới tính liên quan đến bóc lột và buôn bán trẻ em có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin cho công tác xây dựng chính sách và chương trình, góp phần thúc đẩy công tác lập kế hoạch trong cung cấp dịch vụ và tạo điều kiện cho sự tham gia của các nạn nhân và gia đình họ. Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng quan trọng về quy mô của nạn buôn bán trẻ em và trải nghiệm của trẻ em bị buôn bán và bóc lột. Nghiên cứu cũng cho thấy cả trẻ em gái và trẻ em trai đều bị ảnh hưởng, củng cố tính cần thiết cần phải có các biện pháp phòng ngừa và ứng phó nhạy cảm về giới”, bà Lesley Miller, Phó Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Bằng chứng từ nghiên cứu đã xác nhận những tác động tiêu cực mà nạn nhân buôn bán phải gánh chịu. Họ cũng phải đối mặt với tổn thương và những thách thức trong việc tái hoà nhập cộng đồng, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em gái. Báo cáo nghiên cứu này đưa ra các gợi mở cho các sáng kiến về chính sách và chương trình phòng ngừa và ứng phó với nạn buôn bán trẻ em và bóc lột lao động. Báo cáo khảo sát đưa ra một số khuyến nghị để giải quyết vấn nạn này, dựa trên tham vấn với Chính phủ, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ. Một trong các khuyến nghị chính là thúc đẩy cách tiếp cận tích hợp trong đó công tác phòng ngừa và ứng phó với buôn bán trẻ em cần được lồng ghép vào các nỗ lực hiện nay của Chính phủ trong việc phát triển một hệ thống bảo vệ trẻ em toàn diện.

Báo cáo cũng khuyến nghị, cần ưu tiên tạo điều kiện cho trẻ em được tiếp cận giáo dục và kỹ năng. Đối với trẻ em lớn tuổi hơn và thanh thiếu niên, cần giới thiệu các cơ hội việc làm an toàn và các chương trình tạo sinh kế. Bên cạnh đó, các chương trình như thế cần lồng ghép các thông điệp phòng ngừa buôn bán người để nâng cao nhận thức cho cộng đồng về các rủi ro và nguy cơ mà trẻ em trai và trẻ em gái có thể gặp phải. Cùng với đó, bồi dưỡng năng lực cho lực lượng thực thi pháp luật, cũng như tích cực giảm thiểu tổn thương mà nạn nhân gặp phải.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh