Trẻ có thể đột tử do bú sữa không đúng tư thế
- Sức khỏe
- 13:14 - 29/07/2016
Sặc là một cấp cứu tối cấp có thể đe dọa tính mạng của trẻ, thường gặp trong giai đoạn từ lúc mới sinh đến một tuổi. Các bác sĩ Khoa Hậu phẫu, Bệnh viện Từ Dũ khuyến cáo việc đặt trẻ nhỏ không đúng tư thế khi ăn uống dễ dẫn đến bị trớ hoặc trào ngược gây sặc do nắp thanh quản và thần kinh thực vật của các em phát triển chưa hoàn chỉnh.
Thực tế có nhiều trường hợp trẻ bị sặc sữa, nước, thức ăn, sặc chất trào ngược hoặc dịch dạ dày. Khi sặc, các bé có phản xạ hít hơi để khóc to càng làm cho các chất bị hít sâu vào khí quản hoặc phế quản gây ngạt thở, tím tái. Nếu cấp cứu không kịp thời có thể dẫn đến đột tử.
Các bác sĩ cảnh báo cần tránh những tư thế dễ gây sặc như: cho trẻ nằm ngửa khi bú; kê bình sữa vào gối cho bé tự bú; cho trẻ nằm ngửa uống nước; đặt trẻ nằm trên gối lõm - khiến bé luôn ở tư thế ngửa đầu, không thể tự xoay đầu, nếu bị sặc sẽ rất nguy hiểm. Cũng không nên cho bú khi trẻ đang khóc.
Thay vào đó, cần cho trẻ ăn uống ở tư thế đúng như sau: Đặt bé nằm trên khăn lông dày to gấp làm 8 lớp, kê khăn từ vai bé trở lên, đầu nghiêng sang một bên, giữ đầu cao hơn thân. Khi cho bú, ăn hoặc uống nước tốt nhất nên cho bé ngồi. Không đút ép bé ăn hoặc bú khi đang khóc. Sau khi bú xong, giữ đầu bé bé cao để thuận tiện ợ hơi. Mẹ nên nằm gần và mặt hướng về con để quan sát, nếu thấy bé đột ngột ho mạnh, hốt hoảng, sặc sụa, tím tái, khóc thét thì ngưng cho bú ngay.
Trường hợp bị sặc cần xử trí bằng các cách sau:
Các bước vỗ lưng cấp cứu khi trẻ bị sặc.
Vỗ lưng, ấn ngực: Dùng lòng bàn tay còn lại vỗ mạnh 5 cái vào lưng trẻ (vị trí giữa 2 xương bả vai) nhằm tăng áp lực trong lồng ngực để tống dị vật ra ngoài. Nếu bé vẫn khó thở, tím tái thì đặt nằm ngửa trên một mặt phẳng cứng, dùng hai ngón tay trỏ và giữa đột ngột ấn mạnh xuống nửa dưới của xương ức. Lặp lại 5 đến 10 lần cho đến khi trẻ có dấu hiệu hồi phục.
Thông đường thở: Người lớn dùng miệng hút mạnh vào miệng và mũi trẻ, hút thật sạch sữa còn đọng ở họng và mũi bé càng nhanh càng tốt. Lưu ý: Hút theo thứ tự miệng trước, mũi sau. Cần làm thật nhanh, nếu để chậm sữa sẽ vào trong khí quản gây tắc nghẽn đường hô hấp.
Đối với trẻ có biểu hiện ngưng thở, có thể kết hợp các biện pháp trên với hà hơi thổi ngạt bằng cách ngậm mũi và miệng trẻ thổi vào cho đến khi thấy lồng ngực hơi nhô lên. Sau đó gọi cấp cứu 115 hoặc đưa ngay đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu kịp thời.