Trẻ có 4 thói quen này sẽ hủy hoại hàm răng của bé
- Y học 360
- 18:57 - 23/05/2020
Từ khi có con, bố mẹ nào cũng cố gắng hết sức để con lớn lên an toàn và khỏe mạnh. Tuy nhiên, hầu như cha mẹ chỉ chú ý phát triển trí não và chiều cao của trẻ, trong khi sức khỏe răng miệng của trẻ lại không được chú ý mấy.
Trên thực tế, hàm răng không chỉ là "cái vóc" con người, liên quan đến diện mạo, ngoại hình của trẻ mà còn ảnh hưởng đến khả năng phát âm, khớp cắn. Việc chú ý chăm sóc răng miệng của trẻ là vô cùng quan trọng, trong khi đó các bố mẹ lại hay xem thường vì cho rằng răng sữa rồi sẽ rụng thôi.
Có 4 thói quen xấu sau sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển răng miệng của trẻ, cha mẹ nên sửa chữa ngay:
Không vệ sinh răng miệng cho trẻ ngay từ nhỏ
"Đã có răng đâu mà đánh", đó là quan niệm của không ít người lớn khi được nhắc nhở về thói quen vệ sinh răng miệng cho trẻ sơ sinh. Thậm chí, ngay cả khi con đã mọc được vài chiếc răng, có bố mẹ vẫn bỏ qua vấn đề vệ sinh răng miệng cho trẻ hàng ngày vì cho rằng răng sữa rồi sẽ rụng, trẻ cần gì phải đánh răng. Đây là quan niệm rất sai lầm. Nếu không thường xuyên vệ sinh răng miệng cho trẻ từ nhỏ, vi khuẩn có thể dễ dàng sinh sôi, ảnh hưởng đến răng sữa như làm răng sâu, gãy rụng sớm, điều đó còn có hại cho sự hình thành và phát triển của răng vĩnh viễn sau này.
Do đó, việc bố mẹ cần làm là vệ sinh răng miệng cho trẻ từ nhỏ. Với trẻ sơ sinh, nên dùng gạc để rơ lưỡi và chà sạch lợi ít nhất 1 lần mỗi ngày hoặc sau khi cho con bú. Với trẻ đã mọc răng, nên chọn loại bàn chải và kem đánh răng phù hợp với độ tuổi, vệ sinh răng miệng đều đặn hàng ngày, ngay cả khi trẻ đang mọc răng.
Để trẻ vừa ngậm bình sữa vừa ngủ
Thành thực mà nói đứa trẻ nào cũng vừa thích ngậm bình sữa hoặc vú mẹ vừa ngủ. Trẻ như được xoa dịu và dễ chìm vào giấc ngủ hơn khi được ngậm thứ gì đó trong miệng. Nhưng nếu là ngậm bình sữa có sữa, nó sẽ có hại cho hàm răng của bé. Việc ngậm mút suốt quá trình ngủ có thể làm hàm trên và hàm dưới của bé biến dạng, ảnh hưởng đến việc mọc răng và khớp cắn chuẩn.
Hơn nữa khi ngủ với bình sữa trong miệng, sữa và nước bọt sẽ kết hợp với nhau dễ sản sinh ra nhiều vi khuẩn, làm sâu bề mặt răng, lâu dài răng có thể bị sâu nặng ảnh hưởng đến tủy răng.
Sử dụng cốc tập uống ngay cả khi bé đã lớn
Hiện nay cốc tập uống dường như là vật dụng thiết yếu với mọi đứa trẻ, cũng giống như bình sữa vậy. Khi vào tuổi ăn dặm, bé sẽ được bố mẹ cho sử dụng cốc tập uống phù hợp lứa tuổi. Chiếc cốc tập uống tiện dụng tưởng như vô cùng an toàn, nhưng nếu trẻ đã lớn, bố mẹ vẫn cho sử dụng loại cốc này thì sẽ có hại cho hàm răng của bé.
Uống bằng cốc tập uống, trẻ sẽ có thói quen cắn mút chiếc ống hút, từ đó khiến hàm răng sữa của bé chịu tác động liên tục. Ngay cả khi không uống nước, trẻ cũng thích cắn mút như một thói quen. Đó là chưa kể cốc tập uống chất liệu không an toàn, ngậm mút trong thời gian dài còn gây độc hại cho cơ thể non nớt của trẻ.
Tốt nhất trên 1 tuổi, bố mẹ nên chuyển dần sang cho bé uống nước trực tiếp bằng cốc như người lớn. Chỉ cần vệ sinh cốc sạch sẽ và chuẩn bị một chiếc cốc uống nước riêng cho trẻ, như vậy vừa tiện lợi vì không phải mang theo cốc tập uống bên người trẻ mà còn không hại cho sự phát triển răng miệng.
Cho trẻ ăn đồ ăn mềm và nhuyễn quá lâu
Một số trẻ rất thích ăn cháo, ăn bột, đồ ăn xay nhuyễn ngay cả khi đã mọc răng. Ngoài ra, vì quan niệm cho rằng đồ ăn xay nhuyễn sẽ giúp trẻ tiêu hóa tốt hơn nên không ít người không chuyển đổi cấu trúc thức ăn cho con, duy trì việc cho con ăn đồ nhuyễn và mềm khi con đã 2 - 3 tuổi. Việc này sẽ khiến khả năng nhai của trẻ không được rèn luyện, về lâu dài, không tốt cho sự phát triển răng miệng của trẻ và còn ảnh hưởng đến khả năng phát âm chuẩn.
Ngoài ra, khi ăn đồ mềm quá lâu, răng của trẻ không được kích thích khi bé ăn, đến tuổi thay răng, răng vĩnh viễn có thể mọc ra khi răng sữa chưa kịp rụng, dẫn đến hiện tượng hàm răng đôi hay răng mọc lệch.