CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:10

Trào lưu Kiss Cam - “hôn trộm người lạ” có thể dẫn tới án mạng?

.

Những ngày qua, bạn trẻ Việt bàn tán về trào lưu mới mang tên Kiss Cam. Kiss Cam là hành động bạn hôn một người lạ mặt mà không cần phải xin phép rồi sau đó chờ xem phản ứng của người đó ra sao.

Trong năm 2014, mạng xã hội sốt sắng với bộ phim mang tên First Kiss diễn tả 10 cặp đôi không quen biết nhưng đã trao nhau những nụ hôn ngọt ngào. Bộ phim mang đến thông điệp ý nghĩa về tình yêu là không biên giới. Sau đó, First Kiss trở thành trào lưu nở rộ và được nhiều người khắp nơi trên thế giới đón nhận.

Hot girl Huyền Anh, một trong những người khởi đầu trào lưu "cưỡng hôn" người lạ trên phố (ảnh cắt từ clip)

Tuy nhiên, ngay khi vừa xuất hiện tại Việt Nam, trào lưu này đã gây nên tranh cãi và nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận. Có thể thấy rõ nhất trong clip, nhiều bạn trẻ thể hiện rõ sự ngạc nhiên, ngơ ngác trên khuôn mặt vì... không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Chưa kể, một số người còn khó chịu ra mặt, rượt đuổi đánh người lạ vì dám hôn trộm "một nửa" của họ.

Khi được hỏi về Kiss Cam, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết: "Có thể khẳng định là hành vi này không phù hợp với thuần phong, mỹ tục, văn hóa ứng xử của người Việt Nam. Hành vi này thật phản cảm khi diễn ra trên đường phố. Hành vi ‘cưỡng hôn’ có thể mang lại nhiều hệ lụy cho xã hội như dịch bệnh, mâu thuẫn có thể dẫn đến xung đột, án mạng; hành vi này có thể cổ vũ cho tâm lý coi thường danh dự, nhân phẩm, thân thể của người khác... là những động cơ, nguyên nhân có thể làm phát sinh tội phạm xâm phạm tính mạng sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác” .

Luật sư Cường phân tích, dưới góc độ pháp lý thì hành vi này là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền tự do về thân thể được hiến pháp và pháp luật đều ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ.

Tại Điều 20, Hiến pháp năm 2013 quy định: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm".

Ðiều 37 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 cũng có quy định về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín như sau: "Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ". Người bị người khác xâm hại danh dự nhân phẩm có thể căn cứ vào quy định tại Điều 25 Bộ luật Dân sự để: "...yêu cầu chấm dứt hành vi hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước buộc chấm dứt hành vi, yêu cầu xử lý và bồi thường thiệt hại…”.

Luật sư Cường cho rằng, hành vi này không mang lại thông điệp văn hóa nào mà ngược lại còn có thể nảy sinh nhiều hệ lụy cho xã hội, chính vì thế không nên khuyến khích trào lưu biến tướng này mà ngược lại cần xử lý những người vi phạm để tránh những hệ lụy cho xã hội có thể xảy ra trên cơ sở các quy định của pháp luật.

Luật sư Cường phân tích thêm, nếu người bị “cưỡng hôn” có đơn tố cáo tới công an thì những người “cưỡng hôn” sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội. Hành vi cưỡng hôn, quấy rối một cách bệnh hoạn này được xác định là hành vi: "Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác". Hành vi này sẽ bị áp dụng mức chế tài là xử phạt có thể tới 300.000 đồng và người bị xử phạt sẽ bị mang tiền sự - nhân thân xấu, nếu còn tiếp tục vi phạm thì có thể bị xử lý hình sự.

Nếu hành vi đến mức gây rối trật tự công cộng (ách tắc giao thông 2 giờ, dẫn đến xô xát, án mạng...), hoặc phát sinh những hành vi khác, hậu quả khác gây nguy hại cho xã hội thì cũng có thể bị xử lý hình sự đối với các tội danh tương ứng.

Cô gái hoảng hốt khi bị cưỡng hôn (ảnh cắt từ Clip)

Đồng quan điểm trên, luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh cho biết, trong những năm trở lại đây, nhiều phong trào từ nước ngoài được du nhập vào Việt Nam. Điều này là sự tất yếu của quá trình hội nhập quốc tế. Có thể kể ra đây hai phong trào gây sự chú ý của dư luận, là “Ôm miễn phí” (Free hugs) và “Cưỡng hôn” (Kiss Cam).

Tuy nhiên, trào lưu “Cưỡng hôn”khi du nhập vào Việt Nam lại gây ra sự khó chịu của đại bộ phận xã hội.

Thông thường, người ta chỉ dành nụ hôn cho người nào mình yêu thương, quý mến. Vậy mà nay bỗng dưng bị những đối tượng xa lạ từ đâu chạy đến, ghì đầu, ôm cổ mà hôn, thì làm sao tránh khỏi sự bực mình, tức giận. Đó là chưa kể đến việc người cưỡng hôn thiếu đi sự sạch sẽ.

““Trên quan điểm cá nhân, tôi không đồng tình với trào lưu này” – Luật sư nói.

Theo luật sư, với những người bị cưỡng hôn, nếu họ thấy hành động này xúc phạm tới danh dự, nhân phẩm của mình, họ có thể đề nghị cơ quan chức năng xử lý người đã cưỡng hôn họ.

“Hy vọng rằng các bạn trẻ đang thực hiện “trò chơi” này sớm nhận ra sự phản cảm của nó để chấm dứt, tránh những hậu quả pháp lý, hậu quả xã hội có thể sẽ xảy đến với họ” – luật sư cho biết.

Theo Tin Mới

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh