THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:39

Tránh trường hợp "2, 3 ông phó chỉ huy 1 nhân viên"

 

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, kỳ họp thứ 11 là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khóa XIII. Từ nay đến Kỳ họp thứ 11 sẽ chỉ còn vài phiên họp của UBTVQH để làm công tác chuẩn bị, nên cần sự nỗ lực rất lớn. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng mong muốn, các đồng chí Ủy viên UBTVQH sẽ cố gắng để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khóa XIII.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp

Tránh trường hợp “2, 3 ông phó chỉ huy 1 nhân viên”

Theo nhiều ĐB, việc ban hành Nghị quyết vào thời điểm hiện nay là cần thiết, nhằm kịp thời triển khai Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 có hiệu lực thi hành vào ngày 1/1/2016; đồng thời nhằm tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của bộ máy phục vụ ĐBQH và Đoàn ĐBQH ở địa phương.

Chủ tịch Quốc hội nói, các ý kiến phát biểu và tờ trình, báo cáo thẩm tra về cơ bản đã có sự thống nhất. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Đoàn ĐBQH có 2 ĐBQH hoạt động chuyên trách sẽ có 2 phó chánh văn phòng và chánh văn phòng. Chánh, phó chánh văn phòng đoàn ĐBQH sẽ do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bổ nhiệm, sau khi thống nhất với trưởng đoàn ĐBQH.

“Trong các văn phòng đoàn ĐBQH sẽ không tổ chức thành các phòng để tránh trường hợp “2, 3 ông phó chỉ huy 1 nhân viên”. Mỗi văn phòng đoàn ĐBQH sẽ có không quá 8, 10 hoặc 12 biên chế tùy theo số lượng ĐBQH trong đoàn. “Mình đã bỏ chế độ mỗi ĐBQH có 1 thư ký, nên biên chế ở ở dưới phải rất gọn”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Lâu nay, chức danh lãnh đạo văn phòng đoàn ĐBQH do chủ tịch UBND cấp tỉnh bổ nhiệm. Theo các ủy viên UBTVQH, điều này là không hợp lý. Sự không hợp lý ấy được lý giải, chức năng, nhiệm vụ của văn phòng đoàn ĐBQH là phục vụ ĐBQH, phục vụ đoàn ĐBQH và phục vụ các đoàn giám sát của Quốc hội; lương của bộ máy văn phòng này là do Văn phòng Quốc hội cấp. Do vậy, chánh và phó chánh văn phòng đoàn ĐBQH phải do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bổ nhiệm.

Mỗi đoàn ĐBQH có 1 văn phòng sẽ không làm tăng biên chế

Thống nhất việc tổ chức biên chế phải gọn, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước bày tỏ, cần căn cứ từ nội dung hoạt động của Đoàn ĐBQH tại địa phương để cân nhắc số lượng biên trên trên cơ cở nội dung công việc của từng Đoàn ĐBQH.

Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc nêu ra nhiều điểm bất cập, trong đó có việc bộ máy văn phòng đoàn ĐBQH sẽ “hơi khó tham mưu”

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, việc thực hiện quy định mỗi đoàn ĐBQH có 1 văn phòng sẽ không làm tăng biên chế, vì hiện nay, hầu hết các đoàn ĐBQH đều đã có văn phòng.

Về cơ chế chủ tịch UBND cấp tỉnh bổ nhiệm chánh, phó chánh văn phòng đoàn ĐBQH như hiện nay, Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc nêu ra nhiều điểm bất cập, trong đó có việc bộ máy văn phòng đoàn ĐBQH sẽ “hơi khó tham mưu” việc giám sát tại địa phương, dẫn tới hoạt động giám sát sẽ bất cập, gặp khó khăn. Mô hình văn phòng đoàn ĐBQH trực thuộc Văn phòng Quốc hội vừa phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam, đồng thời cũng phù hợp với xu thế chung của các nghị viện/quốc hội trên thế giới.

Chốt lại buổi thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, mỗi địa phương sẽ có một Đoàn ĐBQH, có 1 Văn phòng Đoàn ĐBQH, 1 chánh văn phòng và 1 phó chánh văn phòng. Riêng Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An và Thanh hóa là 4 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số lượng ĐBQH đông, có 2  ĐBQH chuyên trách nên bố trí 2 phó văn phòng. 

Dự kiến, Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ làm việc đến chiều 11/12.

 

Theo chương trình trong phiên họp này, nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và văn bản pháp luật quan trọng khác cũng sẽ được cơ quan thường trực của Quốc hội xem xét, thảo luận; gồm dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 (về việc ban hành biểu thuế suất thuế tài nguyên); dự thảo Pháp lệnh quản lý thị trường; Tờ trình của Chính phủ về việc ban hành cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với tổ chức thuế, tổ chức hải quan giai đoạn 2016-2020; chi phí quản lý của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và việc ngân sách nhà nước chuyển kinh phí vào Quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc cũng nằm trong chương trình được UBTVQH cho ý kiến.

Nguyễn Thanh/ Lao động & Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh