CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:49

Tránh 'mật hoá' văn bản để bưng bít thông tin

Lạm dụng bảo mật để không thực hiện công khai, minh bạch

Theo báo cáo của cơ quan soạn thảo, từ năm 2001 đến nay, đã phát hiện hơn 840 vụ lộ, mất BMNN, trong đó có nhiều tài liệu thuộc danh mục tuyệt mật, tối mật liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; chủ trương giải quyết các tranh chấp về biên giới, biển đảo. 

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về dự án Luật Bảo vệ BMNN.

 

Những nguyên nhân của việc lộ, mất BMNN là do hệ thống pháp luật về bảo vệ BMNN còn chưa đồng bộ, các chế tài xử lý còn thiếu và yếu, chưa bảo đảm tính răn đe; việc xử lý vi phạm còn nể nang, thiếu chủ động.

Tại Dự thảo Luật Bảo vệ BMNN, Bộ Công an đã làm rõ khái niệm BMNN là thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác chưa công khai. Nếu bị lộ, mất BMNN có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. 

Trên cơ sở đó, Bộ Công an đề xuất quy định cụ thể thời hạn bảo vệ BMNN theo 3 cấp độ: tuyệt mật là 30 năm, tối mật là 20 năm, mật là 10 năm. 

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) băn khoăn về điểm này đã dẫn chứng: "Thực tế có những thư mời họp, lễ lạt, lịch công tác của các cơ quan Đảng, chính quyền; lịch đón tiếp các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đến các địa phương được đóng dấu mật. Nhưng khi sự kiện diễn ra thì báo đài đều đưa tin cụ thể".

Còn Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) bày tỏ sự băn khoăn về quy định về thẩm quyền cấp chính quyền địa phương trong việc xác định độ mật và công bố độ mật của một số tài liệu, đặc biệt là tài liệu liên quan phát triển kinh tế, an sinh xã hội như trong dự thảo luật.

Đồng quan điểm, đại biểu Vũ Xuân Hùng (Thanh Hoá) cho rằng thực tiễn lộ, lọt BMNN, quốc gia, quốc phòng an ninh diễn ra khá phổ biến, do đó, việc xây dựng luật là cần thiết. 

Tuy nhiên, ông cũng đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng quy định danh mục BMNN cần bảo vệ để tránh tình trạng lợi dụng quy định để gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, tăng thêm thủ tục hành chính hay “mật hoá” văn bản để bưng bít thông tin. 

Ông Hùng băn khoăn khi dự thảo giao Chủ tịch UBND tỉnh, thành lập danh mục BMNN. Bởi, với 63 tỉnh, thành thì có thể xảy ra tình trạng cùng một danh mục nhưng độ mật lại khác nhau tuỳ thuộc đánh giá của mỗi địa phương, như nơi này “Mật” nhưng nơi kia lại “Tối mật” gây nên sự không thống nhất.

“Nếu quy định như thế thì dễ lợi dụng bưng bít thông tin, không phổ biến thông tin vì mục đích riêng. Đặc biệt với những vấn đề nhạy cảm như đất đai, tài nguyên, khoáng sản có khi gây bất lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân. Do đó, để đảm bảo danh mục thống nhất thì nên quy định theo ngành dọc, tức các bộ ngành trung ương đến địa phương để đồng nhất hơn” - ông Hùng nói.

Đại biểu QH Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên)

 

Theo đại biểu Lê Thị Nga (Đoàn Thái Nguyên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH), thực tế có việc lạm dụng bảo mật để không thực hiện công khai, minh bạch ở nhiều bộ, ngành, địa phương. 

“Có địa phương còn đóng dấu mật cả vào biên bản chất vấn của đại biểu QH khiến cho đại biểu không thể giải quyết các kiến nghị của nhân dân”, bà Nga cho biết.

Đồng thời, bà Nga cũng quan ngại, việc lạm dụng bảo vệ BMNN có thể dẫn đến hậu quả ảnh hưởng đến nhà nước, công dân và ảnh hưởng đến công tác phòng, chống tham nhũng; người dân có thể vào tình trạng dễ bị quy chụp. Một số cá nhân, báo chí, thậm chí cán bộ nhà nước... có thể vướng vào vòng lao lý trong các trường hợp các văn bản nhà nước quy định không rõ ràng.

Quy định trách nhiệm tiếp cận BMNN khi đã nghỉ hưu

Đại biểu Bùi Đặng Dũng (Kiên Giang) cho rằng, vấn đề lộ BMNN và bị hạn chế thông tin BMNN là 2 góc độ hiện nay phải hết sức lưu ý. Ông Dũng dẫn chứng việc làm lộ thông tin bí mật có thể từ các thư ký, lái xe, các quán trà vỉa hè.

“Mỗi một kỳ đại hội, muốn nắm thông tin ra quán trà vỉa hè ngồi hỏi một lúc là người ta nói, người này sẽ làm vị trí này, người kia sẽ làm vị trí kia, mà nói lại trúng. Rõ ràng về mặt tổ chức nhân sự là có chuyện lộ BMNN, lộ ở đâu ra? Tự chúng ta làm lộ bí mật của chúng ta ra. Luật này có điều chỉnh những cái đó hay không?” - ông Dũng nói.

 Đại biểu Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa)

 

Bày tỏ đồng thuận, đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa- Vũng Tàu) khẳng định, BMNN là tài sản quốc gia. Để nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ BMNN, đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm, điều kiện với người được giao nhiệm vụ biên soạn dự thảo luật và người được tiếp cận BMNN trong thời gian làm nhiệm vụ cũng như khi thôi làm nhiệm vụ và đã nghỉ hưu. Đồng thời phải có biện pháp xử lý người làm lộ BMNN.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa) thì cho rằng dù là mật đến mức nào thì theo thời gian đều phải được giải mật, công khai cho phép cộng đồng sử dụng. "Đó là lẽ tất yếu của thế hệ đi trước với thế hệ đi sau, là trách nhiệm của nhà nước đối với lịch sử dân tộc", bà Thủy nói.

Tuy nhiên, cùng với quy định thời gian giải mật cho từng mức độ mật, dự thảo cũng quy định thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước - với lý do nếu giải mật gây nguy hại cho lợi ích quốc gia thì có thể gia hạn vô số lần. 

“Tôi đồng tình cao với sự cần thiết xây dựng và ban hành luật, việc bảo vệ BMNN cũng là bảo vệ quốc gia, bảo vệ Tổ quốc”, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) bày tỏ.

Tiếp thu trước QH, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, trong những năm qua khi hội nhập mở rộng quan hệ đối ngoại, Đảng, Nhà nước luôn xác định bảo vệ BMNN là đặc biệt quan trọng, có nghĩa lớn, đặc biệt với quốc phòng an ninh. Có thể những vấn đề hôm nay là bí mật quốc gia nhưng ngày mai không còn là bí mật nữa vì đã được xử lý. 

“Quan trọng là mọi người dân đều hiểu ranh giới đó để vận dụng vào thực tiễn, tránh trường hợp không biết đâu là bí mật cần phải bảo vệ, đâu là vi phạm cần phải tránh”, ông Tô Lâm nói.

Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, Việt Nam đang trong quá trình công khai, minh bạch, mọi người dân phải được biết, được làm chủ, tiếp cận thông tin. Vì vậy phải làm sao hài hoà, đưa ra thông tin Nhà nước phục vụ sự phát triển và phục vụ cuộc sống của người dân, hoạt động của Nhà nước phải được nhân dân giám sát.

“Nếu tất cả đưa vào BMNN hết thì không có tác dụng gì để minh bạch thông tin, quản lý và huy động được sự đóng góp của người dân đối với quản lý xã hội” - Bộ trưởng Công an nói.

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh