THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:02

Tranh thủ thời cơ, thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2023

 

Quyết tâm cao nhất thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

Năm 2023, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế - xã hội. Những khó khăn, thách thức, yếu tố bất lợi kép từ bên ngoài và bên trong cùng những vấn đề mới phát sinh khó lường, chưa dự báo được tiếp tục tác động, ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân, an ninh, quốc phòng của đất nước ta.

Tại cuộc họp Chính phủ với địa phương mới đây, người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần “đã nói là làm; đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả, sản phẩm lượng hoá được cụ thể, rõ ràng, cân, đong, đo, đếm được. Tranh thủ thời cơ, vận hội, "biến nguy thành cơ"; vừa tập trung xử lý hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, đòi hỏi ngày càng cao; vừa giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập, tồn đọng kéo dài; vừa kịp thời ứng phó những vấn đề mới phát sinh, đồng thời tạo nền tảng mang tính căn cơ, lâu dài cho phát triển bền vững”.

Nền kinh tế đang từng bước phục hồi dù tốc độ chậm

Nền kinh tế đang từng bước phục hồi dù tốc độ chậm

Những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trên tất cả các lĩnh vực trong năm 2023 cũng được Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục nhấn mạnh. Cụ thể:

Bảo đảm chất lượng, tiến độ các đề án, nội dung trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội nghị Trung ương, các kỳ họp Quốc hội để xử lý các vấn đề đặt ra, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn. Trong đó, quyết liệt triển khai các nghị quyết của Bộ Chính trị, chương trình hành động của Chính phủ về phương hướng phát triển phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng kinh tế - xã hội và quy hoạch 6 vùng.

Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.

Thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, đẩy nhanh lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.

Tập trung thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; khẩn trương hoàn thành công tác quy hoạch theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả theo phương châm quy hoạch phải đi trước một bước, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược và mở ra cơ hội, không gian phát triển mới.

Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng; đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn, tiếp tục nghiên cứu xây dựng các tuyến đường sắt và các hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa; phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo…

Thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, tạo việc làm, phục hồi thị trường lao động. Đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Tập trung thúc đẩy chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn. Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; tăng cường quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường.

Đồng thời, phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội; gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại để gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

Hướng tới hệ thống an sinh toàn diện

Những năm gần đây, Việt Nam đã đạt những bước tiến quan trọng nhằm tạo cơ sở cho việc từng bước mở rộng mức độ bao phủ an sinh xã hội, với mục tiêu cuối cùng là để mọi công dân được bảo đảm an sinh xã hội trong suốt vòng đời. Cụ thể như: Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách BHXH và Đề án đổi mới và phát triển trợ giúp xã hội; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam 2021 - 2030; Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 về việc quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Nghị định số 108/2021/NĐ-CP ngày 7/12/2021 điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022), với mức điều chỉnh tăng thêm 7,4% mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng cho người hưởng lương hưu thấp, người về hưu trước năm 1995; mở rộng hợp tác quốc tế về an sinh xã hội, BHXH…

Đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao thu nhập cho người lao động là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ đặt ra trong năm 2023

Đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao thu nhập cho người lao động là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ đặt ra trong năm 2023

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống xã hội của người dân, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách phù hợp, kịp thời, nhân văn; trong đó có những chính sách chưa có tiền lệ, như Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp; thực hiện nhiều giải pháp, ban hành nhiều gói hỗ trợ kịp thời tới người dân, người lao động, người sử dụng lao động, giúp họ vượt qua khó khăn, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch…

Với những chính sách đã được ban hành, đến nay, hệ thống an sinh xã hội tại Việt Nam cơ bản được xây dựng một cách đồng bộ và triển khai áp dụng rộng khắp cả nước. Mô hình an sinh xã hội của Việt Nam đã đem lại những thành quả an sinh xã hội đáng khích lệ, được thế giới công nhận, như thành tích xóa đói giảm nghèo, giáo dục, y tế...

Theo TS Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020  công tác chăm lo chính sách xã hội ở nước ta có bước tiến bộ, đạt nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, chúng ta hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu thiên niên kỷ; cải thiện Chỉ số phát triển con người Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao phúc lợi xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Hệ thống chính sách xã hội cơ bản đồng bộ, toàn diện, bảo đảm quyền an sinh xã hội của người dân. Thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế được Nhà nước và xã hội trợ giúp thường xuyên, kịp thời, hiệu quả. BHXH và BHYT ngày càng mở rộng và trở thành trụ cột quan trọng của an sinh xã hội. Hệ thống dịch vụ xã hội được cải thiện, cơ bản bảo đảm quyền học tập, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin truyền thông của nhân dân…

Trong kế hoạch của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã nêu ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó việc bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt lên hàng đầu.

Chỉ đạo tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  nhấn mạnh, cần quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hoá, xã hội, hài hoà và ngang tầm với phát triển kinh tế; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn. Chăm lo đời sống người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hoá nông thôn, đô thị, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững; ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các chương trình, đề án, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…

Châu Giang

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh