THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:32

Tránh nóng vội, chủ quan, chuyển từ cực này sang cực khác quá nhanh

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Nhân dân đang mong đợi những quyết sách của Quốc hội tại Kỳ họp này. Trong đó, có hai quyết sách quan trọng nhất là tới đây phòng, chống dịch Covid-19 thế nào và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội ra sao.

Nhấn mạnh điều này tại phiên thảo luận tổ sáng nay 21/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho biết, trước Kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước ở nhiều cấp độ để tìm lời giải tốt nhất cho hai vấn đề này. Quốc hội cũng sẽ ban hành Nghị quyết nêu rõ hai vấn đề này.

Không để lỡ nhịp phục hồi của kinh tế

Về chương trình phục hồi kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch, Trung ương đã bàn và Chính phủ, Quốc hội đã triển khai nghiên cứu, xây dựng. Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, một Chiến lược tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải kèm theo điều chỉnh về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, việc phối hợp hai chính sách, tính toán nguồn lực cụ thể...

Trung ương thống nhất điều chỉnh chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ theo nguyên tắc: Quy mô thì phù hợp, lộ trình hợp lý và trên nền tảng phải bảo đảm được ổn định kinh tế, vĩ mô. Để thiết kế được gói chính sách đáp ứng được các nguyên tắc này không đơn giản.

“Ngay sau Hội nghị Trung ương, lãnh đạo Quốc hội đã làm việc với các cơ quan của Chính phủ, các chuyên gia ở cả diện rộng và diện hẹp để thảo luận, xem xét các vấn đề liên quan; các cơ quan của Quốc hội cũng đang chủ động nghiên cứu, chuẩn bị để khi Chính phủ trình thì có thể thống nhất được ngay. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tính đến việc báo cáo Quốc hội tổ chức Kỳ họp chuyên đề bất thường để quyết định sớm vấn đề này, không chờ đến Kỳ họp thứ 3 vì sẽ lỡ nhịp phục hồi của kinh tế thế giới”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn)

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn)

Liên quan đến gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch Covid - 19, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tổng gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ của nước ta hiện nay là khoảng 4% GDP, chưa kể phần chi cho y tế, giảm tiền điện, nước, viễn thông…

Cần tính tổng thể gói chính sách đang được thực hiện để xác định dư địa còn lại cho điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ như thế nào? Phải làm sao khơi thông, huy động được nguồn lực, có nguồn lực rồi thì xác định được sẽ phân bổ vào đâu.

Qua các cuộc làm việc với các nhà khoa học, các cơ quan của Chính phủ về gói chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội cho biết một số nguyên tắc, quan điểm đã cơ bản thống nhất như: Chú trọng tăng cường đồng thời cả tổng cầu và tổng cung bởi cả hai vấn đề này đều đang yếu, để phục hồi được ngay là rất khó; phải sử dụng tổng thể cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; phục hồi cả về kinh tế và xã hội.

Các chuyên gia và các cơ quan cũng thống nhất gói hỗ trợ phải đủ lớn, lộ trình hợp lý, trong đó, nhiều ý kiến đề nghị thực hiện gói hỗ trợ trong 2 năm 2022-2023. Cụ thể, năm 2022 tập trung vào giải quyết giảm thiểu thiệt hại, an sinh xã hội, điều kiện phục hồi, tăng tổng cầu, chuẩn bị năng lực đầu tư để năm 2023 có thể đưa ra gói kích thích kinh tế lớn hơn hướng đến các ngành, lĩnh vực có khả năng tăng trưởng cao như kết cấu hạ tầng, logistic, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh...

Đồng thời đề nghị xác định đúng, trúng mục tiêu của gói chính sách này, đưa vào các ngành nào để tạo tác động lan tỏa, kích thích khôi phục nền kinh tế. Bảo đảm hiệu quả, tránh tình trạng bị trục lợi, bị lợi ích nhóm thao túng.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị, trước khi có gói chính sách mới thì phải tập trung làm thật tốt các gói chính sách hỗ trợ hiện có, chuẩn bị thật tốt để giải ngân đầu tư công nhanh hơn, hiệu quả hơn. Tổng các gói chính sách hỗ trợ hiện nay cũng đã hơn 100.000 tỷ đồng và đang phát huy hiệu quả.

_TAN9760 copy

Nâng cao hơn nữa năng lực phân tích, dự báo tình hình

Tại phiên họp, các ĐBQH cũng thống nhất cho rằng, để có quyết đáp chính xác về phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế - xã hội thì phải đánh giá đúng thực trạng kinh tế - xã hội hiện nay cũng như tác động của đại dịch trong từng lĩnh vực.

Nhất trí với đề xuất của các ĐBQH, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong Nghị quyết của Quốc hội có lẽ cũng phải yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành đánh giá kỹ lưỡng tác động của đại dịch không chỉ về kinh tế mà cả vấn đề xã hội, văn hóa... không chỉ tác động tích cực, tiêu cực mà còn cả những cơ hội mở ra thế nào. 

Vừa qua, Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng đã có báo cáo rất chi tiết, rất sâu sắc về tác động của đại dịch đối với xã hội, văn hóa, giáo dục và được Bộ Chính trị, Ban Bí thư rất hoan nghênh. Các báo cáo liên quan đến quốc phòng, an ninh, khoa học, công nghệ, chiến lược vaccine đều đã được các cơ quan của Quốc hội chuẩn bị, có báo cáo.

Tổ Công tác Covid-19 đã có một tập tài liệu rất chi tiết về nhiều lĩnh vực gửi đại biểu Quốc hội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống dịch Covid-19.

Chủ tịch Quốc hội cũng đồng ý với quan điểm của các ĐBQH về việc phải nâng cao hơn nữa năng lực phân tích, dự báo tình hình. Dự báo đúng thì mới có biện pháp đúng, không bị lúng túng, bất ngờ. Tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Tình hình kinh tế - xã hội của thế giới có phục hồi, tăng trưởng nhưng lại có sự phân hóa do độ bao phủ về vaccine.

Các chuyên gia nhận định nền kinh tế đang tăng trưởng hai tốc độ. Một số nước tăng trưởng nhanh như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu nhưng một số nước rất chậm do bao phủ vaccine còn hạn chế. Tuy nhiên, nếu sang năm các nước lớn lại thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ thì chúng ta sẽ bị ảnh hưởng, nguy cơ lỡ nhịp phục hồi kinh tế của thế giới… 

Cùng với đó, các ĐBQH đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải rút ra bài học kinh nghiệm trong điều hành, thực thi các chính sách phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế vừa qua. Theo ĐBQH Quàng Văn Hương (Sơn La), tinh thần, chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ rất rõ ràng nhưng xuống đến địa phương thì việc triển khai thực hiện rất khác nhau.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cũng cho rằng, một số địa phương đã áp dụng các biện pháp quá rộng, quá dài, quá mức cần thiết trong phòng, chống dịch. Bà cho rằng, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta đang phải trả giá bằng sự đi xuống của nền kinh tế.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Các biện pháp điều hành đều phải trên cơ sở dữ liệu khoa học, dữ liệu dịch tễ học. Phải nghiên cứu rất căn cơ, khi quyết định rồi thì phải thực hiện nhất quán. Cần xác định rõ đây là “cuộc kháng chiến trường kỳ” nên phải có giải pháp tổng thể mang tính chiến lược, dài hơi hơn.

Thành Công

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh