CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:52

Trang bị kỹ năng an toàn ở môi trường nước cho trẻ em

 

Mỗi năm khoảng 2.800 trẻ bị tử vong do đuối nước

Mấy ngày qua, dư luận chưa khỏi bàng hoàng với vụ 9 trẻ em tại Quảng Ngãi tử vong vì đuối nước. Bà đánh giá như thế nào về tình trạng đuối nước trẻ em hiện nay?

- Có thể nói, hiện nay tử vong do tai nạn thương tích trẻ em đã giảm so với năm 2010, nhưng vẫn đang ở mức cao, đặc biệt là tai nạn đuối nước. Theo số liệu thống kê, mỗi năm có khoảng 2.800 trẻ bị tử vong do đuối nước. Tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước ở Việt Nam hiện cao nhất khu vực Đông Nam Á và cao gấp 8 lần so với các nước thu nhập cao. Tai nạn đuối nước tăng cao vào mùa hè và mùa mưa lũ là một vấn đề gây nhiều bức xúc trong cộng đồng, gây đau thương cho nhiều gia đình. Đuối nước là 1 trong số 20 nguyên nhân gây tử vong đối với trẻ em.

Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em Vũ Thị Kim Hoa.

 

Theo bà đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đuối nước trẻ em vẫn cao như hiện nay?

 - Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng phần lớn chủ yếu vẫn là do thiếu nhận thức gia đình, cộng đồng về phát hiện và loại bỏ những nguy cơ đuối nước trẻ em. Sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc thiếu người trông coi, chăm sóc, để trẻ tự do đi lại cũng là nguyên nhân dẫn đến trẻ tử vong vì đuối nước. Bên cạnh đó, với điều kiện tự nhiên nhiều sông, suối, ao, hồ, hệ thống kênh rạch chằng chịt, là môi trường không an toàn cho trẻ nhỏ. Ngay cả những dụng cụ chứa nước trong gia đình như lu, vại, bể chứa nước… không có nắp đậy cũng là nguyên nhân gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Chỉ một vài giây lơi lỏng của người lớn là trẻ em có thể rơi xuống ao, hồ, sông, suối, giếng nước, thậm chí đối với trẻ nhỏ chỉ vì sự bất cẩn của người lớn có thể tử vong vì một xô, chậu nước trong nhà. Đây cũng chính là mối hiểm họa tiềm tàng gây tai nạn đuối nước ở trẻ em.

Bản thân trẻ cũng đang thiếu những kỹ năng để phóng tránh tai nạn đuối nước. Rất nhiều trẻ em vẫn chưa biết bơi. Đối với cả những em đã biết bơi cũng chưa biết bơi an toàn, thiếu kỹ năng an toàn về môi trường nước. Nguyên nhân nữa dẫn đến đuối nước trẻ em chính là việc chấp hành quy định an toàn giao thông đường thủy tại một số thuyền ở bến ngang sông còn hạn chế.

Trẻ em cần trạng bị những kỹ năng an toàn sông nước.

 

Những kỹ năng trong môi trường nước

Theo bà, trẻ cần trang bị những kỹ năng gì để phòng tránh tai nạn đuối nước?

- Như những nguyên nhân dẫn đến đuối nước trẻ em được phân tích ở trên, chúng ta có thể đưa ra một số giải pháp giải quyết tình trạng đuối nước trẻ em. Đó là cần quan tâm đến vấn đề nhận thức, kỹ năng của người lớn về nhận diện và loại bỏ những nguy cơ có thể dẫn đến đuối nước trẻ em. Vấn đề dạy bơi cho trẻ em rất quan trọng, là kỹ năng giúp cả người lớn và trẻ em trong môi trường chẳng may xảy ra những vụ tai nạn đuối nước có thể tồn tại đến lúc chờ người đến giải cứu. Tuy nhiên, cần phải khẳng định, trẻ em chỉ biết bơi thôi chưa đủ để phòng tránh đuối nước mà quan trọng nhất các em phải biết kỹ năng an toàn ở môi trường nước. Khi rơi vào hố nước sâu, nước xoáy thì các em xử lý tình huống như thế nào? Trước khi bơi cần khởi động cơ thể ra sao? Không nên bơi khi ăn no.

Trường hợp không may có bạn bị đuối nước các em xử lý như thế nào? Việc đầu tiên là các em phải hô hoán thật to lên để mọi người xung quanh biết và đến giải cứu. Nếu trường hợp lao xuống cứu bạn phải tùy điều kiện khả năng mình có thế cứu bạn được không: Có biết bơi không, có đủ sức để kéo bạn lên, hay có thể dùng sào thả xuống để bạn bám vào và kéo bạn lên bờ. Các em lớn học thêm 1 số thao tác sơ cứu ban đầu cho bạn vừa bị đuối nước: Đặt bạn nằm đúng tư thế, hà hơi thổi ngạt, cách đẩy nước trong bụng ra....

Cần phải theo dõi giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn giao thông đường thủy. Chủ phương tiện giao thông đường thủy cũng như người dân cần nâng cao nhận thức về quy định đảm bảo an toàn khi lưu thông bằng đường thủy để hạn chế những tan nạn đuối nước có thể xảy ra. Gia đình, nhà trường và cộng đồng cùng chung tay xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ. Gia đình xây dựng Ngôi nhà an toàn, nhà trường xây dựng Nhà trường an toàn, cộng đồng xây dựng cộng đồng an toàn. Đặc biệt, trẻ nhỏ cần có người lớn giám sát, theo dõi. Ngay cả các em đi bơi cũng phải có người lớn giám sát. Có thể nói, trẻ em được học bơi rất quan trọng nhưng cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ để phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em.

Dạy bơi cho trẻ em.

 

 Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 – 2020, trong đó có mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong trẻ em do đuối nước. Theo bà, làm thế nào để triển khai hiệu quả Chương trình và đạt mục tiêu đề ra?

- Ngày 5/2/ 2016, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 – 2020 đặt mục tiêu giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích xuống còn 17/100.000 trẻ em; Giảm 6% số trẻ em bị tử vong do đuối nước so với năm 2015; 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 90% trẻ em sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy.... Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ LĐ-TB&XH có nhiều văn bản chỉ đạo UBND các tỉnh, TP chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH các tỉnh xây dựng Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 – 2020 tại địa phương phù hợp để thực hiện. Tăng cường công tác truyền thông vận động để cung cấp kiến thức phòng chống đuối nước trẻ em.

Phối hợp với các bộ ngành xây dựng mô hình Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn, Cộng đồng an toàn và triển khai mô hình an toàn giao thông đường thủy.

Sắp tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các bộ, ngành xây dựng kế hoạch liên tịch về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em. Xây dựng cơ chế phối hợp để dạy bơi an toàn cho trẻ em. Trẻ em có cơ hội được tiếp cận các kỹ năng an toàn môi trường nước, loại bỏ các nguy cơ đuối nước trẻ em. Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với Bộ VH-TT&DL hướng dẫn chương trình dạy bơi an toàn cho trẻ, kiểm tra an toàn tại các bể bơi, khu vui chơi dưới nước. Phối hợp Bộ Công an giám sát thực hiện luật pháp về an toàn giao thông đường thủy.

Vân Khánh/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh