CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 12:02

Trăm mưu nghìn kế của nàng dâu né về quê chồng dịp 30/4

 

Biết lịch nghỉ đã lo nơm nớp

Trước đây khi mới lấy chồng, lúc nào Hạnh (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng tự hào nói với mọi người rằng mình là cô con dâu may mắn vì không phải sống cùng nhà chồng. Bố mẹ chồng ở quê nên lúc nào vợ chồng cô thích về thì về, thích đi là đi. Vậy mà sau cái Tết đầu tiên ở quê chồng lên, ai nấy đều không nhận ra cô nàng bởi gương mặt bơ phờ hốc hác.

 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Hễ ai hỏi đến là Hạnh như chết đuối vớ được cọc, khóc lóc kể lể chuyện về quê chồng phải “lao lực” ra sao. Mình hạc xương mai có 42kg mà ngày nào cũng thức khuya dậy sớm, cơm nước dọn dẹp hùng hục phục vụ cả nhà chồng. Chưa kể ăn chẳng dám ăn, mặc không dám mặc theo ý mình mà lúc nào cũng phải khom khom giữ ý tứ.

Tết qua được 2 tháng, vừa tút tát lại nhan sắc và tinh thần thì cơ quan thông báo lịch nghỉ lễ 30/4. Nhìn số ngày nghỉ ngang ngửa với nghỉ Tết, cô nàng tái mặt nghĩ tới lời nói của chồng “nghỉ ít thì thôi, chứ nghỉ nhiều không thể không về với bố mẹ”.

Cũng hoàn cảnh với Hạnh là Linh (Long Biên, Hà Nội), Linh chia sẻ rằng trước còn là sinh viên lúc nào cũng mong được nghỉ dài ngày để đi du lịch hoặc về quê với bố mẹ. Từ ngày lấy chồng thì cô chỉ ước không có kì nghỉ nào quá 2 đến 3 ngày, bởi cứ nghỉ nhiều là kiểu gì cũng phải theo chồng về quê.

“Nói thì bảo nói ngoa, nhưng cứ nghĩ đến mấy ngày nghỉ ở quê chồng là tôi lại sợ đến rùng mình. Từ hồi mới cưới chồng đã bảo rằng mình xa quê cả năm, được nghỉ là phải tranh thủ về sum vầy với các cụ. Điều đó không phải không có lý, nhưng nghĩ cho cùng thì mình cũng phải nghĩ cho bản thân mình chứ. Làm quần quật được nghỉ mấy ngày lại phải về nhà chồng, có khác nào lao động dưới hình thức khác đâu".

 Vắt óc bàn nhau cách trốn tránh

Theo lời kể của Linh, về quê chồng không ngày nào cô được nghỉ ngơi. Sáng dậy từ 5 giờ giờ lo ăn sáng sau đó dọn dẹp, trưa lại lo cơm trưa rồi cơm tối. Quanh quẩn một ngày chỉ có ăn uống và dọn dẹp đến oải cả người mà nhà chồng Linh coi đó như việc đương nhiên của con dâu và không ai giúp đỡ.

“Đó chỉ là kì nghỉ bình thường, còn kinh khủng nhất phải kể đến Tết. Nói thật sau mấy ngày Tết hành xác ở quê chồng, đến giờ mình vẫn còn hoảng. Vậy nên từ trong tết mình đã ra điều kiện trước với chồng, dịp nghỉ 30/4 phải cho mình về nhà ngoại. Mặc dù đã đồng ý trước đó, nhưng khi có lịch nghỉ dài ngày, chồng mình lại đổi ý bắt về quê nội”, Linh ấm ức chia sẻ.

Linh nói thẳng với chồng quan điểm của mình rằng quê nào cũng là quê, tại sao lúc nào cũng chỉ quê nội là nhất. Sau trận cãi vã om xòm, chồng Linh vẫn không thay đổi quyết định với lí do mình là con một. Cực chẳng đã, Linh đành giả vờ xuống nước: “Mình biết cố so găng với lão ấy cũng chẳng giải quyết gì nên đành giả vờ như đã nghe lời để tới gần ngày về nghĩ ra lí do gì đó thật đột xuất, cho lão ấy không kịp trở tay”.

Nghĩ là làm, chỉ còn vài ngày nữa là phải lên xe về quê nên Linh giả vờ kém ăn kém ngủ trước mặt chồng. Thấy vợ thường xuyên kêu mệt, chồng Linh giục vợ đi khám thì được vợ mang về tờ kết quả siêu âm mang thai ngoài tử cung. “Lão ấy nhìn tờ kết quả mà mặt tái lại. Mình lúc ấy tỏ ra bình tĩnh an ủi chồng rằng bây giờ chỉ cần tiêm thuốc là ổn chứ không cần phải phẫu thuật như trước kia, lúc ấy lão mới hoàn hồn và nghe lời mình về quê một hai ngày với bố mẹ rồi lên với mình cũng chưa muộn. Mình sẽ nhờ cô bạn thân đưa đi tiêm thuốc nên không phải lo, chồng mình đâu biết cô bạn ấy cũng chính là người đã giúp mình làm giả tờ giấy siêu âm đó”, Linh cười đắc chí.

Còn Hạnh, vốn khôn ngoan nên cô nàng chẳng cần ai “quân sư”. Ngay từ đầu khi chồng kiên quyết “nghỉ lễ này cả nhà về quê nội”, cô không phản ứng gay gắt với chồng như Linh. Một mặt cô vẫn hào hứng lên kế hoạch về quê với chồng, mặt khác ủ mưu tính kế để thoát trách nhiệm phút cuối.

 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Hạnh hào hứng kể: “Mình có cô bạn thân làm dược nên nhờ nàng ấy đưa cho mấy liều thuốc xổ thật nhạy, mục đích đúng ngày về quê sẽ bị “tào tháo đuổi”. Nếu thành công thì cả nhà sẽ hoãn về quê, còn ít nhất thành công một nửa thì mình ở lại cho hai bố con nhà lão ấy về”.

Hỏi về việc có sợ chồng nghi ngờ, Hạnh quả quyết “Chắc chắn là không, vì mấy ngày nay mình toàn nói chuyện về quê với thái độ hào hứng và rủ chồng đi mua sắm rất nhiều quà cáp mang về cho bố mẹ. Không những thế còn thông báo rằng mình đã học được vài món mới đảm bảo nhà chồng thích mê”.

 “Giá mà chồng hay nhà chồng tâm lý”

Trường hợp tính kế “né” quê chồng vào dịp 30/4 như Hạnh hay Linh không phải ít. Mặc vẻ mặt nhăn nhó thắc mắc “sao mọi người nghỉ em lại phải trực” của chồng, Thúy (Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn nhất định xin cơ quan được trực dịp nghỉ lễ để không phải theo chồng về quê. Thúy chia sẻ, “thật ra mới đầu mình cũng thích về quê chồng lắm. Nhưng sau một vài kì nghỉ mình xin phép đi du lịch hoặc về nhà ngoại thì bị cả chồng lẫn bố mẹ chồng phản đối, bắt phải về quê nội khiến mình dần thấy việc về quê như một áp lực. Mà đã áp lực thì trốn tránh là việc đương nhiên”.

Khi được hỏi, nhiều chị em chung quan điểm: giá mà chồng hay nhà chồng tâm lý hơn một chút. Kì nghỉ trước về quê nội thì kỉ nghỉ sau sẽ về quê ngoại hoặc đi du lịch, như thế sẽ chẳng nàng dâu nào phải tìm cách né tránh. Và “dẫu biết chẳng trốn được mãi, nhưng được lần nào hay lần ấy”, Thanh (Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ.

theo vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh