Trăm dâu đổ đầu… người tiêu dùng
- Tây Y
- 15:52 - 10/12/2020
Trước đây, họ chỉ phải nộp 20% phí sử dụng ứng dụng và nhận về 80% doanh thu mỗi chuyến xe. Còn tài xế có doanh thu cả năm trên 100 triệu đồng phải nộp thêm 1,5% thuế thu nhập cá nhân và 3% thuế giá trị gia tăng (VAT). Nhưng hiện giờ, Grab đã nâng tỷ lệ khấu trừ trên mỗi chuyến xe lên 27,2%, bao gồm phí sử dụng ứng dụng 20% cộng với VAT.
Động thái này được Grab đưa ra sau khi Nghị định 126 về thay đổi cách tính VAT với dịch vụ gọi xe công nghệ có hiệu lực. Theo đó, Grab phải kê khai và nộp 10% VAT trên tổng doanh thu mà khách hàng thanh toán cho mỗi chuyến xe, thay vì tài xế đóng 3% VAT trên doanh thu thực nhận và doanh nghiệp đóng 10% VAT trên phần chiết khấu thu về như trước.
Để đối phó với khoản chi phí phát sinh này, Grab đã quyết định tăng giá dịch vụ. Có nghĩa, người đi xe sẽ phải trả khoản tiền nhiều hơn trước. Như vậy cuối cùng, người tiêu dùng là đối tượng phải chịu thiệt khi phải chi nhiều tiền hơn để "bù" vào khoản thuế tăng thêm mà lẽ ra nhà cung cấp dịch vụ (Grab) phải chịu. Một đối tượng nữa cũng phải chịu thiệt hại là các tài xế của Grab (với danh nghĩa là các "đối tác"), khi phải chịu mức khấu trừ nhiều hơn hẳn so với trước. Đó là chưa nói đến việc khi áp dụng mức giá cao hơn thì người tiêu dùng sẽ "quay lưng" với Grab để chuyển sang lựa chọn những dịch vụ vận chuyển khác có mức giá hợp lý và chất lượng tốt hơn.
Grab ban đầu là một dịch vụ được "khai sinh" từ "kinh tế chia sẻ" – với việc tận dụng những phương tiện vận chuyển trong thời gian "nhàn rỗi" để kiếm thêm thu nhập. Vì thế mà trong thời gian đầu, loại hình dịch vụ vận chuyển này được hưởng các chính sách quản lý và thuế khác với dịch vụ vận chuyển truyền thống. Thế nhưng chỉ sau một thời ngắn, tính chất "kinh tế chia sẻ" của Grab (cũng như nhiều thương hiệu gọi xe công nghệ khác) bị "biến tướng", trở thành một dịch vụ vận chuyển chuyên nghiệp, không khác mấy so với dịch vụ vận chuyển truyền thống.
Vì thế, việc thay đổi cách tính thuế cùng các biện pháp quản lý đối với loại hình dịch vụ này cho phù hợp với thực tế là điều cần thiết, nhằm đảm bảo công bằng giữa các loại hình dịch vụ vận chuyển. Thế nhưng, một vấn đề nảy sinh là khác với dịch vụ vận chuyển truyền thống – khi các hãng taxi sở hữu tài sản lớn (là phương tiện vận chuyển), đồng thời có giao kết với lực lượng người lao động (chủ yếu là tài xế) bằng Hợp đồng lao động, thì Grab hay các hãng gọi xe công nghệ trên danh nghĩa chỉ là những nhà cung cấp và vận hành ứng dụng (app), còn lực lượng lao động làm việc cho họ chỉ là các "đối tác", không có giao kết Hợp đồng lao động. Nên cơ sở pháp lý để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp giữa nhà cung cấp dịch vụ với lực lượng lao động nói trên là rất lỏng lẻo, nhiều kẽ hở. Ở đây, NLĐ chỉ có 2 lựa chọn: Hoặc tiếp tục làm việc, chấp nhận các điều kiện mà nhà cung cấp dịch vụ đưa ra - kể cả các điều kiện gây bất lợi cho họ; hoặc tự nghỉ việc và không được hưởng bất cứ quyền lợi gì.
Với người tiêu dùng cũng vậy, nếu chấp nhận được các điều kiện mà nhà cung cấp dịch vụ đưa ra thì sử dụng dịch vụ của họ, còn nếu không thì chuyển sang sử dụng các dịch vụ khác.
Việc điều chỉnh thuế đối với dịch vụ gọi xe công nghệ là phù hợp với tình hình thực tế, nhưng thiết nghĩ, cơ quan quản lý cần có thêm các quy định khác nhằm ngăn chặn việc các nhà cung cấp, vận hành ứng dụng công nghệ gọi xe đẩy phần thiệt thòi cho người lao động và người tiêu dùng. Có vậy mới thực sự đảm bảo công bằng trong kinh doanh.