Trầm cảm sau sinh và những câu chuyện đau lòng
- Sức khỏe
- 13:35 - 15/06/2017
Ảnh minh họa
Nỗi đau khi mẹ giết con vì trầm cảm
Đến thời điểm này, cơ quan Công an TP Hà Nội đã xác định được nghi phạm gây ra cái chết của cháu V.V.A (35 ngày tuổi, ở thôn Đình, xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội) là P.T.T. (19 tuổi), mẹ đẻ của cháu bé.
Một lãnh đạo Công an TP Hà Nội cũng thông tin, nghi phạm P.T.T. có dấu hiệu mắc bệnh lý sau sinh.
Trầm cảm sau sinh cũng là nguyên nhân gây ra nhiều sự vụ mẹ giết con, khiến nhiều người bàng hoàng.
Gần đây nhất, một sự việc tương tự xảy ra vào khoảng 1h sáng ngày 23/4/2017. Khi con (gần 1 tuổi) đang ngủ với chồng, chị Ksor Pxưl, sinh năm 1984 (làng Kom 1-xã IaO, huyện Ia Grai, Gia Lai) đã bế con, thả xuống giếng.
Khi chồng tỉnh giấc không thấy con ở đâu nên hỏi vợ, chị trả lời với chồng là không biết. Thấy vợ mình cứ đi xung quanh giếng, chồng hỏi thêm thì chị lại trả lời là chị vừa vứt gói thuốc xuống.
Nghi ngờ sự việc chẳng lành, người chồng liền gọi cha mẹ dậy, rồi kêu bà con hàng xóm qua tìm kiếm. Ngay sau đó, thi thể cháu bé được tìm thấy dưới giếng.
Được biết, sau khi sinh con vào năm 2016, chị Ksor Pxưl có biểu hiện tâm thần hoang tưởng. Gia đình đã đưa chị đi chữa trị nhưng mãi vẫn không khỏi. Với căn bệnh đang mắc phải, hằng ngày, chị ít ăn cơm ở nhà vì sợ trong cơm có độc mà thay vào đó chị luôn đi đến các nhà hàng xóm, các tiệm tạp hóa để ăn bánh kẹo của người ta cho. Chính vì bệnh trầm cảm đã dẫn đến câu chuyện đau lòng trên.
Một câu chuyện đau lòng khác cũng xảy ra ở huyện Thạch Thất, Hà Nội vào cuối tháng 11/2009. Người thân trong gia đình chị Nguyễn Thị Nụ phát hiện xác cháu Nguyễn Đức Việt (con trai vừa hai tháng tuổi của Nụ) nổi lập lờ dưới giếng trước sân nhà.
Người vừa biết chuyện ai cũng suy đoán theo hướng, có khả năng gia đình của cháu bé có mâu thuẫn với ai đó, nên đối tượng hiềm khích đã tìm cách sát hại đứa trẻ. Những công an viên của xã là những người đầu tiên có mặt tại hiện trường, đã phát hiện điều bất thường.
Trưởng công an xã kể lại, sau phút đầu hỏi han những người trong gia đình, ông băn khoăn, tại sao Nguyễn Thị Nụ - người mẹ dứt ruột đẻ ra đứa trẻ - khi đó lại không gào khóc điên cuồng như những bà mẹ mất con khác mà chỉ thỉnh thoảng lặng lẽ đưa tay áo quệt nước mắt, không dám liếc mắt nhìn xác con.
Người ta không thể lý giải nổi vì sao một người mẹ lại có thể có hành động nhẫn tâm như thế, cho đến khi Nụ xuất hiện phiên tòa, khai ra những ẩn ức của một cô gái nông thôn, ít học, sống khổ sở vì nghèo và mắc chứng trầm cảm sau sinh.
TS Tô Thanh Phương
Bệnh trầm cảm sau sinh đang bị lãng quên
TS Tô Thanh Phương – Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I và là chuyên gia về trầm cảm cho biết, số bệnh nhân bị trầm cảm, trong đó có trầm cảm sau sinh, ngày càng tăng. Nhưng ít người coi đó là bệnh để quan tâm tới nó.
TS Phương cho biết, bệnh trầm cảm thực sự là bệnh cần quan tâm bởi người bị trầm cảm có thể bị ảo thanh xui khiến. Bệnh thực sự nguy hiểm khi bệnh nhân luôn cảm thấy đau khổ và muốn tìm đến cái chết.
Trầm cảm sau sinh đã được xác định là hội chứng cần quan tâm. Hội phụ khoa quốc tế đã thống kê, sản phụ mắc hội chứng trầm cảm sau sinh chiếm khoảng 0,15% trong số những sản phụ sinh con.
Nguyên nhân của trầm cảm sau sinh là do trong quá trình mang thai, hormone estrogen và chất dưỡng thai trong cơ thể thai phụ rất cao. Sau khi sinh, chúng giảm nhanh chóng, sinh ra rối loạn tâm thần. Vì vậy, nhiều thai phụ đã mắc hội chứng trầm cảm sau sinh.
Bác sĩ Trần Hồng Thu – Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương cho biết, Bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị trầm cảm sau sinh.
Điều đáng tiếc là rất nhiều gia đình chưa hiểu rõ về căn bệnh này và thường bỏ qua, vì coi đó là sự thay đổi tâm lý thông thường. Nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra khi người mẹ tự sát, thậm chí, có trường hợp sát hại cả con nhỏ… chỉ đến khi hồi cứu lại mới phát hiện nguyên nhân chính là do người mẹ mắc bệnh trầm cảm sau sinh không được phát hiện, điều trị kịp thời.
Có vài yếu tố kết hợp làm tăng bệnh trầm cảm sau sinh như: sinh con ở tuổi thành niên (dưới 20 tuổi); bà mẹ đơn thân hoặc sinh con ngoài ý muốn; mẹ hút thuốc lá hoặc có sử dụng thuốc gây nghiện trong thai kỳ.
Trầm cảm sau sinh còn thường xuất hiện trên những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn về tài chính, thất nghiệp, không hài lòng với công việc, cô độc, không được giúp đỡ, có mối quan hệ không tốt với cha đứa trẻ hoặc người thân, hoặc gặp phải biến cố tâm lý lớn trong thời gian mang thai (như mất người thân).
Với những bà mẹ sau sinh, ngoài quan tâm về mặt thể chất, các chuyên gia tâm thần đều cho rằng nên quan tâm về mặt tinh thần để tránh dẫn đến những câu chuyện đau lòng xảy ra do trầm cảm.
TS Tô Thanh Phương chia sẻ có 3 dấu hiệu cơ bản cần quan tâm đến trầm cảm sau sinh đó là:
Thứ nhất: Bà mẹ giảm khí sắc, buồn rầu, tình trạng buồn chán này kéo dài trên 2 tuần.
Thứ hai: Giảm nhiệt tình, giảm hứng thú, không còn ham muốn với những sở thích trước kia.
Thứ ba: Giảm năng lượng: Người mệt mỏi, làm bất cứ việc gì nhỏ nhẹ cũng thấy mệt. Mệt mỏi tăng về buổi sáng.
Ngoài ra, các triệu chứng đi kèm như cảm thấy bi quan, chán nản về tương lai, giảm lòng tự trọng, sự tự tin; Có những ý tưởng và hành vi tự sát, chán ăn, không muốn ăn, có những người từ chối ăn; Rối loạn giấc ngủ có tính chất tăng dần...