THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:12

Trầm cảm – Căn bệnh của nhịp sống hiện đại

 

 

Áp lực cuộc sống

Đang là sinh viên năm thứ 2 của một trường đại học danh tiếng ở Thủ đô, cánh cửa tương lai đang rộng mở nhưng cô sinh viên có tên M.A ở Hai Bà Trưng (Hà Nội) với gương mặt xinh xắn lại tìm đến cái chết. Rất may, hành động dại dột của M.A đã được gia đình phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Hiện em đang được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương.

Theo lời kể của mẹ M.A, trước đây em là một cô gái luôn có thành tích cao trong học tập. Từ năm cấp 1 đến lớp 12, năm nào M.A cũng là học sinh giỏi suất sắc của trường. Nhưng từ khi bước vào năm thứ nhất của đại học M.A có biểu hiện học hành sa sút. Thời gian gần đây, em có những biểu hiện sinh hoạt thất thường. Có những đêm em chong đèn tận 4-5 giờ sáng vẫn chưa đi ngủ, bởi hễ nằm xuống là gặp ác mộng, em la hét, người vã mô hôi. Em thường khóc lóc, nói một mình. Ngày gần đây nhất M.A dùng dao cứa cổ tay tự tử. Rất may hành động dại dột em thực hiện đúng hôm bố mẹ em có nhà, phát hiện kịp thời. M.A  nhập viện, được xác định bị rối loạn tâm thần (một dạng trầm cảm nặng).

Tốt nghiệp Học viện Ngân hàng với tấm bằng khá, V.A ở Thanh Xuân, Hà Nội đã nhanh chóng xin được việc làm nhân viên tín dụng tại một ngân hàng thương mại. Những ngày đầu mới ra trường, năm nào V.A cũng đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Tuy nhiên vài năm gần đây, việc kinh doanh của các ngân hàng ngày càng khó khăn, càng ngày, lượng khách càng ít dần. V.A phải làm việc quên ăn, quên ngủ mà vẫn không thể hoàn thành được công việc sếp giao. Hai tháng gần đây cuộc họp bình bầu thi đua lần nào đưa ra danh sách những người không hoàn thành nhiệm vụ đều có tên em. Chính vì thế, V.A luôn tỏ ra mặc cảm, tự ti và ngại tiếp xúc với mọi người xung quanh.

V.A  chia sẻ cho biết, trước đây bản thân em là người rất hiếu thắng trong công việc, luôn cho rằng mình có năng lực, có trình độ nên làm bất cứ thứ gì cũng phải nhất. Nhưng rồi hiệu quả công việc không như ý khiến em rất căng thẳng, đuối sức. Em buồn chán, mất ngủ triền miên và thường xuyên nghĩ đến cái chết.

“ Em đã gom được một số lượng thuốc ngủ khá lớn để kết thúc cuộc đời mình, tuy nhiên, mọi người phát hiện đã ngăn cản và đưa em đến bệnh viện điều trị. Giờ đây tinh thần em đã cải thiện hơn nhiều” – V.A chia sẻ.

Thượng tá, phó giáo sư, bác sĩ chuyên khoa II (PGS.BSCKII) Bùi Quang Huy, Chủ nhiệm khoa tâm thần, Bệnh viện 103 (Hà Nội) cho rằng, không thể phủ nhận cuộc sống hiện đại đem đến con người tác phong làm việc công nghiệp, nhanh nhẹn. Thế nhưng cùng với đó, nhịp sống hiện đại cũng khiến con người phải chịu nhiều sức ép trong lao động và sinh hoạt, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn. Chỉ tiêu doanh số, đe dọa sa thải, cắt giảm thu nhập, sự căng thẳng... luôn đè nặng mỗi ngày, khiến bệnh trầm cảm ngày một gia tăng, với những biểu hiện ban đầu như mệt mỏi, đau đầu hoặc đau bụng âm ỉ, chán nản, bi quan, trí nhớ giảm sút, cáu gắt vô cớ... Nhiều người còn mất hứng thú trong quan hệ vợ chồng. Nguy hiểm nhất là khi người bệnh có ý nghĩ tự sát, tự gây thương tích cho bản thân.

 

 

 

Kẻ giết người thầm lặng

Theo một số chuyên gia, ở Việt Nam rối loạn trầm cảm chiếm từ 2,8 đến 6,5% dân số. Đa số bệnh nhân trầm cảm nặng phải vào viện điều trị thuộc lứa tuổi từ 18-44. Hậu quả mà căn bệnh này để lại hết sức nặng nề, đó là mất khả năng lao động, học tập và sáng tạo, nguy hiểm nhất là tỷ lệ người mắc tìm cách tự sát cao.

 Đã có nhiều giả thuyết về nguyên nhân phát sinh bệnh trầm cảm, nhưng cho đến nay giới y học vẫn chưa khẳng định được đâu là nguyên nhân chính. Song người ta phát hiện các yếu tố thuận lợi phát sinh bệnh trầm cảm, đó là bệnh xuất hiện sau các sự kiện phức tạp của cuộc sống như: học tập quá căng thẳng không có thời gian nghỉ ngơi, thi trượt, thất bại trong tình yêu, hoặc phải sống trong môi trường căng thẳng về tâm lý như bạo lực gia đình, bố mẹ ly hôn, không hề quan tâm đến tâm sự của con cái. Ở một số bộ phận người trẻ tuổi có cuộc sống thiếu lành mạnh như: ngày đêm vùi đầu vào các trò chơi điện tử (game online), dùng chất kích thích, cũng là nguyên nhân phát bệnh trầm cảm. Ở những người đã trưởng thành hơn về mặt tâm lí như một số doanh nhân, công chức do đặt ra cho mình những nấc thang danh vọng quá cao, khi không đạt tới thì buồn chán, sinh bệnh trầm cảm…

Theo PGS Huy, một năm tỉ lệ tử vong ở nước ta do tai nạn giao thông khoảng 10-13 nghìn người, trong khi số lượng tự tử lên đến 36-40 nghìn người. Trong đó, đại đa số các trường hợp tự tử đều do rối loạn tâm thần, trong đó có tới 75% xuất phát từ nguyên nhân trầm cảm. Có tới 85% bệnh nhân ung thư hiện nay bị trầm cảm. Với bệnh nhân đái tháo đường cũng tương tự. Bệnh nhân đang được điều trị ổn định về đường huyết tỷ lệ trầm cảm điển hình là 25%, trong khi ở người bình thường chỉ là 6%.  

“Đây là những con số không hề nhỏ, tuy nhiên vấn đề sức khỏe tâm thần chưa thực sự được xã hội quan tâm đúng mức, gây ra những hệ lụy cho xã hội” – PGS Huy cảnh báo.

Theo PGS Huy, cách phòng bệnh tốt nhất là cần sự tách bạch giữa công việc và thời gian nghỉ ngơi, để cơ thể không bị kiệt sức, thần kinh không bị quá tải. Ngủ đủ giấc, chơi thể thao, tham gia sinh hoạt cùng gia đình, bạn bè là một cách để xả tress tốt, lấy lại niềm hứng khởi trong công việc là những biện pháp cần áp dụng.

 

Dấu hiệu của bệnh trầm cảm:

1 - Mất ngủ: khó vào giấc ngủ, hay thức giấc giữa đêm không ngủ được nữa, hoặc thức dậy từ 2 - 3 giờ sáng kèm theo bồn chồn khó chịu (có khi ngủ nhiều quá mức).

2 - Chán ăn : ăn ít, ăn không ngon, không thích ăn, sợ ăn (có khi ăn nhiều quá mức), không ăn, sút cân.

3 - Ngại giao tiếp với người khác, trở nên ít nói bất thường, lười vận động.

4 - Cảm thấy bốn chồn lo âu, đứng ngồi không yên, đau đầu, đau mỏi toàn thân, đau ngực, táo bón, sợ lạnh.

5 - Cảm thấy mệt mỏi, suy nghĩ chậm chạp, buồn rầu, mất hứng thú làm việc, mất hứng thú giải trí hàng ngày (thể thao, xem tivi, sách báo, phim...). Cảm thấy xung quanh buồn rầu ảm đạm, thời gian kéo dài lê thê.

6 - Bi quan lo lắng về tương lai cho bản thân và gia đình, sợ điều xấu xảy ra cho bản thân và gia đình.

7 - Nghĩ rằng mình không xứng đáng với bản thân và xung quanh. Cho rằng mình phạm nhiều khuyết điểm, tội lỗi, không muốn tiếp xúc với ai.

8 - Nghĩ rằng mình không xứng đáng được ăn, không xứng đáng được sống, cho rằng mình là gánh nặng cho mọi người.

9 - Có ý nghĩ chết chóc, muốn tự sát bằng thuốc ngủ, treo cổ, nhảy lầu, đâm vào xe... hay đã có lần tự sát.

10 - Giảm khả năng tập trung, do dự và giảm hay rất thèm muốn quan hệ tình dục.

MINH CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh