Trái đất nóng lên 1 độ C thì năng suất nông sản giảm 10 - 25%
- Y học 360
- 18:03 - 09/11/2019
Theo các thống kê tại Hội thảo, đất nông nghiệp trên thế giới đang ngày càng bị thu hẹp, kéo theo là sản lượng nông nghiệp cũng dần giảm sút. Nguyên nhân của tình trạng này không chỉ do dân số toàn cầu ngày một tăng nhanh, mà còn bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên cây trồng...
Các nhà khoa học dẫn số liệu chỉ ra rằng, mỗi khi trái đất nóng lên 1 độ C, các loại nông sản chính như gạo, ngô, lúa mỳ sẽ mất khoảng 10-25% năng suất. Trong khi đó, tình hình hạn hán đang ngày càng diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, gây ra tổn thất về nông sản trên toàn cầu ước tính gần 30 tỷ USD.
Do đó, dự kiến đến năm 2050, để chống chọi với những áp lực nêu trên, sản lượng của các loại nông sản chính buộc phải tăng lên 119% so với hiện nay. Giải pháp tối ưu để bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm, ổn định kinh tế và môi trường bền vững là áp dụng các công nghệ sinh học vào gieo trồng, chăm sóc nông sản.
Năm 2018, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các loại nông sản ứng dụng công nghệ sinh học đang ngày càng trở nên phổ biến. Ấn Độ hiện là nước có tỷ lệ trồng bông biến đổi gien cao nhất khu vực này, cụ thể là 11,6 triệu ha (chiếm 95% tổng sản lượng bông).
Ở Việt Nam trong khoảng mười năm trở lại đây, cây trồng biến đổi gien nói chung, thực phẩm biến đổi gien nói riêng đang ngày càng phổ biến. Năm 2018 vừa qua, các giống ngô biến đổi gien trồng ở nước ta ước tính đạt 49 nghìn ha (chiếm 5% tổng sản lượng ngô).
Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã thống nhất nhiều quan điểm về áp dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp tại nước ta. Trong đó, đặc biệt chú ý các biện pháp đánh giá, quản lý nguy cơ và rủi ro của cây trồng áp dụng công nghệ sinh học với môi trường, con người. Đồng thời, xây dựng hệ thống quản lý, sản xuất cây trồng biến đổi gien an toàn, hiệu quả và bền vững, phù hợp với điều kiện thực tiễn.