Trách nhiệm bồi thường của nhà nước: Thiệt hại đến đâu, bồi thường đến đó
- Tây Y
- 13:25 - 01/06/2017
Người bị oan không cần phải “có hoá đơn” mới được bồi thường
Báo cáo giải trình tiếp thu, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Đồng thời, đề nghị rà soát, bổ sung các trường hợp khác thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong từng lĩnh vực đã được pháp luật quy định để bảo đảm tính bao quát.
Một số ý kiến cho rằng, quy định tại điểm C khoản 2 về nghĩa vụ của người bị thiệt hại phải chứng minh những thiệt hại thực tế xảy ra là rất khó khăn; một số ý kiến đề nghị bỏ quy định ở điểm này hoặc cần quy định cụ thể trong Luật hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trong giải quyết bồi thường nói chung và bồi thường nhà nước nói riêng thì người yêu cầu bồi thường phải có nghĩa vụ chứng minh thiệt hại. Vì vậy, quy định của dự thảo Luật là cần thiết.
Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho người yêu cầu bồi thường, đồng thời giải quyết những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn công tác giải quyết bồi thường đối với các trường hợp khó chứng minh được thiệt hại do thời gian diễn ra quá lâu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định cụ thể về các thiệt hại, chi phí được bồi thường và việc xác định thiệt hại, chi phí, trong đó quy định rõ để xác định mức bồi thường ngay trong Luật này trường hợp người yêu cầu bồi thường không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp đối với một số chi phí được bồi thường.
Một điểm mới của dự thảo luật là quy định về tạm ứng kinh phí bồi thường. Theo ông Nguyễn Khắc Định, việc bổ sung quy định về tạm ứng kinh phí bồi thường là cần thiết để góp phần giảm bớt khó khăn trước mắt cho người bị thiệt hại. Quy định như vậy cũng không trái với quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm quyền của người bị thiệt hại, đồng thời bảo đảm tính chặt chẽ, tránh gây thất thoát ngân sách nhà nước, dự thảo Luật đã bổ sung quy định cụ thể những thiệt hại được tạm ứng, theo đó chỉ tạm ứng đối với những thiệt hại về tinh thần và những thiệt hại có thể xác định được ngay mà không cần xác minh, đồng thời chỉnh lý quy định về mức tạm ứng không quá 50% thành không dưới 50% giá trị các thiệt hại như quy định tại Điều 44 của dự thảo Luật.
Phải công khai xin lỗi, phục hồi danh dự cho người bị oan
ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) nhấn mạnh, việc bồi thường phải được thực hiện theo nguyên tắc thiệt hại đến đâu, bồi thường đến đó
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đặc biệt quan tâm đến nguyên tắc bồi thường cho người oan sai. Đại biểu nhấn mạnh, việc bồi thường phải được thực hiện theo nguyên tắc thiệt hại đến đâu, bồi thường đến đó. Hoạt động thương lượng bồi thường cũng phải được thực hiện một cách nhân văn chứ không phải để làm giảm bớt nghĩa vụ và mức bồi thường. Đồng thời cần có quy định và giải trình rõ ràng thời gian, quyền trách nhiệm của bên bồi thường trong quá trình bồi thường để hài hòa lợi ích của người bồi thường và người được bồi thường.
Về việc tổ chức công khai xin lỗi người bị oan và phục hồi danh dự cho người bị oan, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng Dự thảo Luật vẫn tiếp cận theo hướng chỉ khi người bị oan có đơn yêu cầu, Nhà nước mới tổ chức công khai xin lỗi và phục hồi danh dự cho họ. Trong trường hợp người bị oan không có đơn yêu cầu thì việc xin lỗi công khai và phục hồi danh dự không diễn ra. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị chỉnh lý nội dung này trong dự thảo Luật theo hướng sau khi có văn bản xác định là bị oan thì cơ quan tố tụng chủ động tổ chức xin lỗi công khai người bị oan và phục hồi danh dự cho họ, trừ trường hợp người bị oan đề nghị không tổ chức xin lỗi công khai.
Đồng quan điểm, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cũng cho rằng, bất cứ ai phạm lỗi thì phải xin lỗi trước, chưa cần được yêu cầu phải xin lỗi. Bên cạnh đó, , không phải tất cả mọi người dân đều hiểu được quyền của mình, đặc biệt là người có trình độ văn hóa thấp, người sống ở vùng sâu, vùng xa nên cần hết sức công bằng với người dân.