Trả lại tên cho Bưu điện Hà Nội: Kết hợp 'đại tu' đồng hồ 4 mặt
- Tây Y
- 19:26 - 30/12/2018
Tòa nhà Bưu điện Hà Nội tại số 75 phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội được xây dựng, đưa vào sử dụng năm 1978 và từ lâu đã trở thành hình ảnh gắn bó với hồ Hoàn Kiếm rất quen thuộc với người dân thủ đô. Đến nay, công trình đã trải qua 40 năm sử dụng, biểu tượng Bưu điện Hà Nội đã trở thành điểm di tích của người dân thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.
Tuy nhiên vừa qua, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định đổi tên Bưu điện Hà Nội thành VNPT Hà Nội. Việc thay đổi tên trên đã làm mất đi hình ảnh quen thuộc đối với người dân thủ đô. Dư luận, báo chí đã phản ánh rất nhiều về tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của người dân Thủ đô mong muốn được giữ lại tên Bưu điện Hà Nội.
Về việc này “trả lại tên cho em” cho Bưu điện Hà Nội hiện đang được doanh nghiệp thay thế bằng dòng chữ VNPT Ha Noi, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị giữ tên “Bưu điện Hà Nội”. Ông Ngô Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng từng ký văn bản gửi VNPT Hà Nội với nội dung đồng ý với đề xuất của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, trong đó đề cập đến vấn đề phục dựng lại biển tên tòa nhà “Bưu điện Hà Nội”.
Tuy nhiên, đến nay người dân vẫn không thấy sự thay đổi nào liên quan đến dòng chữ trên. Đại diện VNPT Hà Nội (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam) thông tin ngày 30/12, về việc này đơn vị đã có báo cáo trực tiếp cho đồng chí Chủ tịch UBND thành phố và đồng chí Bí thư Thành ủy.
Nói thêm về lịch sử tòa nhà, đại diện VNPT Hà Nội cho biết, giá trị di tích lịch sử văn hóa chính là Tháp đồng hồ 4 mặt chứ không phải là tòa nhà.
Tháp đồng hồ có lịch sử 40 năm chính là điểm nhấn kiến trúc, cảnh quan khu vực Hồ Gươm, là hình ảnh gắn bó với hồ Gươm như một biểu tượng của Thủ đô. Dù được bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên nhưng đã xuống cấp và cần được “đại tu”. Do đó, chúng tôi đang xây dựng một đề án tổng thể để sửa chữa, trong đó thay thế, trả lại tên “Bưu điện Hà Nội” cũng là một phần hạng mục chỉnh trang trong đề án đó.
Đại diện VNPT Hà Nội khẳng định: “Sau khi đề án được UBND thành phố chấp thuận, chúng tôi sẽ tiến hành thực hiện ngay”. Tuy nhiên, vẫn chưa có thời gian hoàn thành đề án để gửi lên UBND và Thành ủy Hà Nội.