TP.Hồ Chí Minh: “Siết” hạn chế xe cá nhân vào trung tâm bằng giải pháp kinh tế
- Tây Y
- 18:50 - 22/10/2018
TPHCM áp dụng tăng cao mức thu phí đậu xe ôtô để hạn chế xe cá nhân vào trung tâm. Ảnh: MINH QUÂN
Dự kiến từ đây đến năm 2020, TPHCM cũng sẽ có một số giải pháp kinh tế khác hạn chế xe cá nhân như thu phí xe vào trung tâm giờ cao điểm…
Tăng giá giữ xe khu trung tâm và tính tiền theo giờ
Sau động thái tăng mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ôtô (tăng 4-8 lần so với trước đây) áp dụng từ ngày 1.8 (mức phí này thu nộp ngân sách nhà nước), mới đây, TPHCM lại có quy định về giá tối đa dịch vụ trông giữ xe bằng nguồn vốn ngoài ngân sách (hay gọi bãi xe tư nhân) cũng theo hướng cho phép áp mức giá giữ xe tăng cao hơn nhiều lần so với trước đây.
Nếu trước đây, đối với các bãi xe tư nhân khu vực thuộc các quận 1, 3, 5, giá giữ xe được UBND TPHCM quy định với xe ôtô 9 chỗ trở xuống và xe tải dưới 1,5 tấn có mức giá 20.000 đồng/lượt ban ngày, 40.000 đồng/lượt ban đêm thì từ 1.10 mức giá được tăng lên và tính theo giờ (2 giờ đầu 35.000 đồng/xe, giờ tiếp theo 20.000 đồng/xe, giá tháng 5 triệu đồng/xe)...
Theo nhận định của một cán bộ Sở GTVT, qua một thời gian áp dụng tăng mức thu phí đậu xe dưới lòng đường tại 23 tuyến đường khu vực trung tâm cho thấy, tình trạng số lượng xe ôtô chiếm dụng lòng đường đậu suốt cả ngày như trước đây đã giảm đáng kể.
“Với mức phí quá thấp như trước đây 5.000 đồng/lượt, nhiều lái xe lợi dụng biến lòng đường thành bãi tạm đỗ xe suốt cả ngày (thay vì chỉ sử dụng tạm thời), gây cản trở giao thông. Trong khi từ 1.8 đến nay, với mức thu phí cao và tính theo giờ (20.000 - 40.000 đồng/xe/giờ), đã khiến cho người đi xe ôtô cân nhắc việc sử dụng ôtô vào khu trung tâm hoặc chuyển sang đi phương tiện khác, từ đó góp phần giúp giao thông thông thoáng hơn so với trước” - cán bộ Sở GTVT nhận định.
Hạn chế xe vào trung tâm và khuyến khích đầu tư bãi xe ngầm
Việc tăng mức thu phí đậu xe dưới lòng đường song song với việc cho phép các bãi xe tư nhân được áp dụng giá dịch vụ tối đa vừa qua của TPHCM được cho là một mũi tên nhắm 2 đích. Mục đích thứ nhất, việc tăng mức phí giữ xe sẽ góp phần hạn chế lượng xe cá nhân đi vào khu vực trung tâm hiện quá lớn làm gia tăng ùn ứ giao thông.
Mục đích thứ hai, việc tăng mức phí giữ xe lên cao cũng nhằm hướng đến thu hút các nhà đầu tư xây dựng các bãi đậu xe công cộng ở khu trung tâm bằng nguồn vốn xã hội hóa. Bởi lâu nay, dù thành phố đã kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng các bãi xe công cộng tại khu trung tâm Q.1, 3, song gần như rất ít nhà đầu tư mặn mà.
Một trong những lý do khiến nhà đầu tư ngần ngại, đó là giá giữ xe theo quy định của thành phố lâu nay còn quá thấp nên khó đảm bảo khả năng thu hồi vốn.
Khu vực trung tâm TPHCM được xem là nơi có nhiều hoạt động dịch vụ mua sắm, giải trí, văn hóa nghệ thuật, du lịch, cơ quan hành chính… nhưng hiện lại thiếu trầm trọng các bãi đậu xe công cộng. Do thiếu các bãi đậu xe nên thời gian qua, thành phố đành chấp nhận giải pháp tạm thời cho phép sử dụng vỉa hè, lòng đường để tổ chức giữ xe gắn máy và đậu xe ôtô có thu phí nhằm giải quyết một phần nhu cầu của người dân khi đến khu trung tâm.
Tuy nhiên, sòng phẳng mà nói việc sử dụng vỉa hè, lòng đường làm nơi đậu xe hiện nay càng khiến cho diện tích dành cho giao thông bị thu hẹp, từ đó xảy ra hệ lụy cản trở giao thông, bát nháo và gây ùn ứ kẹt xe.
“Về lâu dài, thành phố nên chấm dứt cho phép giữ xe, đậu xe ôtô có thu phí trên vỉa hè, lòng đường nhằm trả lại đúng chức năng chính là phục vụ giao thông. Và để làm được việc này, thành phố cần thu hút đầu tư xây dựng các bãi đậu xe công cộng phục vụ nhu cầu của người dân” - luật sư Trần Quốc Minh (Đoàn Luật sư TPHCM) nói.