TP.HCM: Xây dựng các mô hình hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm
- Y học 360
- 06:21 - 13/09/2023
Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống mại dâm
Công tác phòng, chống mại dâm luôn được Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố, các sở, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện liên tục, quyết liệt và được cụ thể hóa bằng các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch triển khai thực hiện của các cấp chính quyền từ Thành phố đến cơ sở nên đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và người dân, góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Lấy phòng ngừa là trọng tâm trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm; kết hợp phòng, chống tệ nạn mại dâm với phòng, chống tệ nạn ma túy và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS. Bên cạnh đó, phát huy tính chủ động, trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở trong công tác phòng, chống mại dâm…
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, tệ nạn mại dâm nơi công cộng trên địa bàn Thành phố đã giảm ở hầu hết các địa phương. Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mại dâm được duy trì và tổ chức thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú, phù hợp với từng nhóm, từng đối tượng tại địa bàn khu dân cư, gắn với các biện pháp xử lý hành chính để răn đe giáo dục, phòng ngừa qua đó tạo sự chuyển biến về nhận thức đối với cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, người dân và nhóm người có nguy cơ cao góp phần ngăn chặn, hạn chế không để phát sinh tệ nạn mại dâm nơi công cộng và cơ sở kinh doanh dịch vụ.
Đồng thời, tổ chức tuyên truyền vận động chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với người lao động đang làm việc tại cơ sở và thực hiện việc ký bản cam kết với Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn không để tệ nạn mại dâm và các hành vi khiêu dâm, kích dục xảy ra tại cơ sở kinh doanh.
Thời gian tới, TP.HCM tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện truyền thông về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với công tác phòng, chống mại dâm; giảm kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng với người bán dâm.
Tăng cường tuyên truyền phòng, ngừa đến toàn xã hội, chú trọng đến các đối tượng như học sinh, sinh viên các trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, lao động chưa có việc làm, lao động nhập cư, nhân viên tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm, các khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố và các địa phương để hạn chế phát sinh mới số người tham gia hoạt động mại dâm.
Xây dựng bộ công cụ truyền thông, các chuyên trang, chuyên mục phòng, chống mại dâm, nếp sống văn minh, hành vi tình dục lành mạnh, an toàn cho các đối tượng trong xã hội, chuyên mục, các tiểu phẩm, ký sự, bài viết và tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về tình hình tệ nạn mại dâm, lây nhiễm HIV/AIDS trên các phương tiện truyền thông, báo chí, mạng xã hội, internet.
Đổi mới cách thức, nội dung công tác truyền thông theo hướng sinh động để thu hút giới trẻ, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, qua mạng internet và mạng xã hội; các hình thức truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, có tính tương tác cao tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học, các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm,... Tổ chức biểu dương, tôn vinh, khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác phòng, chống mại dâm theo quy định hiện hành.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm thông qua lồng ghép các chương trình có liên quan tại địa bàn cơ sở .Tổ chức khảo sát nhu cầu tiếp cận các dịch vụ xã hội của nhóm người bán dâm, người lao động đang làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm để làm cơ sở tham mưu, đề xuất các chính sách và giải pháp hỗ trợ họ tiếp cận với các dịch vụ xã hội, từng bước thay đổi hành vi hòa nhập cộng đồng.
Xây dựng các hoạt động lồng ghép cho nhóm người có nhu cầu tìm kiếm việc làm trong các chương trình về dạy nghề, tìm việc làm, hỗ trợ vay vốn, giảm nghèo nhằm cung cấp cho họ các cơ hội lựa chọn công việc phù hợp.
Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về phòng, chống mại dâm; huy động mọi nguồn lực và sự tham gia của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân và cộng đồng vào các hoạt động phòng, chống mại dâm; lồng ghép các hoạt động phòng, chống mại dâm với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, dạy nghề, giới thiệu việc làm, tạo sinh kế, hỗ trợ giảm tác hại và các hỗ trợ khác cho người bán dâm hòa nhập cộng đồng.
Xây dựng các mô hình hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm
Xây dựng triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại, phòng ngừa lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm và xây dựng các mô hình thi điểm hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm tiếp cận các dịch vụ xã hội từng bước chuyển đổi hành vi hòa nhập cộng đồng.
Từ năm 2021 đến nay các hoạt động của mô hình chỉ duy trì với hình thức truyền thông các văn bản pháp luật có liên đến công tác phòng, chống mại dâm và hướng dẫn phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, chuyển gửi người bán dâm, người có nguy cơ hoạt động bán dâm đến các dịch vụ can thiệp giảm hại theo nhu cầu. Các hoạt động tư vấn, hỗ trợ của Câu lạc bộ hỗ trợ người bán dâm, người có nguy cơ hoạt động bán dâm chủ yếu duy trì thông qua kênh Zalo, Messenger.
Với chương trình truyền thông, can thiệp giảm hại cho nhóm người bán dâm; trong 6 tháng đầu năm 2023, các nhân viên tiếp cận cộng đồng, cộng tác viên, các tổ chức dựa vào cộng đồng,... của Trung tâm Công tác xã hội Ánh Dương (thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố) và các Câu lạc bộ hỗ trợ người bán dâm, người có nguy cơ hoạt động bán dâm tiếp cận với các đơn vị cung cấp dịch vụ can thiệp giảm hại đã tiếp cận và hỗ trợ 774 người bán dâm, tiếp viên tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ “Nhạy cảm” tiếp cận với các dịch vụ can thiệp giảm hại.
Thời gian tới, TP.HCM phấn đấu 100% số người bán dâm có nhu cầu được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội phù hợp; duy trì và nâng cao hiệu quả họat động của các mô hình thí điểm về công tác hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm hòa nhập cộng đồng, người bán dâm tham gia mô hình được giới thiệu, chuyển gửi, tiếp cận với các dịch vụ về tư vấn pháp lý-tâm lý, chăm sóc sức khoẻ, dạy văn hóa, dạy nghề, giải quyết việc làm và hỗ trợ vay vốn gắn với các chương trình an sinh xã hội của địa phương, giúp cho họ ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng bền vững.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phòng, chống mại dâm cho các tầng lớp nhân dân trong xã hội, tập trung vào các đối tượng có nguy cơ cao như: học sinh, sinh viên, người lao động chưa có việc làm, người lao động nhập cư, nhóm lao động di cư và nhân viên tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, phù hợp với từng đối tượng để nâng cao nhận thức về tác hại của tệ nạn mại dâm, giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng và việc lây nhiễm HIV/AIDS.