CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:18

TP.HCM: Triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Huy động mọi nguồn lục chăm lo cho trẻ em 

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn ra trên địa bàn TP.HCM khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Đến nay, 381 người cao tuổi neo đơn, 227 trẻ em là con của sản phụ mắc Covid-19 và 1.853 trẻ mồ côi vì Covid-19. 

Ông Tấn chia sẻ thêm, nhằm chăm lo cho chu đáo, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã kịp thời tham mưu trình UBND TP.HCM tổ chức “Chương trình huy động nguồn lực chăm lo, hỗ trợ cho người cao tuổi neo đơn và trẻ em mồ côi do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM”.  

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM trao hỗ trợ cho các em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM trao hỗ trợ cho các em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trong đó, tập trung đỡ đầu cho trẻ em học tập đến 18 tuổi học xong phổ thông trung học, định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ học đại học. Thành phố thực hiện trợ cấp xã hội với mức từ 720.000 - 1.200.000 đồng/trẻ em/tháng. 

“Sở LĐ-TB&XH TP.HCM mới đây đã đề nghị các quận, huyện, TP. Thủ Đức, Ban Tôn giáo Thành phố, Hiệp hội Doanh nghiệp tham mưu chính sách chăm lo cho trẻ mồ côi vì Covid-19. Theo đó, việc nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng trẻ đến khi hoàn thành chương trình phổ thông trung học, đại học, cao đẳng hoặc trao học bổng hằng năm, học bổng dài hạn… đang là những giải pháp chính được tham mưu nhằm kịp thời hỗ trợ cho trẻ em thuộc trường hợp này”, ông Tấn thông tin thêm. 

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết trao hỗ trợ tới trẻ em mồ côi.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết trao hỗ trợ tới trẻ em mồ côi.

Cũng theo ông Lê Minh Tấn, để hỗ trợ các em đến trường, trên cơ sở đề xuất của Sở GD&ĐT TP.HCM, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương hỗ trợ 100% học phí học kỳ 1 năm học 2021-2022 đối với toàn bộ trẻ mầm non, học sinh các trường phổ thông công lập và ngoài công lập trên địa bàn TP.HCM do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trừ các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài. 

Trường hợp trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ em diện bảo trợ xã hội (mồ côi cả cha mẹ, trẻ mồ một phía và người còn lại không khả năng lao động, không nguồn nuôi dưỡng, trẻ khuyết tật…) được miễn giảm các khoản phụ phí khác.

“Các hội, đoàn thể MTTQ, Hội LHPN, Đoàn thanh niên… cũng có nhiều chương trình học bổng hỗ trợ cho các trẻ có hoàn cảnh khó khăn vượt khó, vươn lên học tập thông qua Quỹ học bổng Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Thị Minh Khai, Tài Năng trẻ…”, ông Lê Minh Tấn nói. 

Triển khai những chính sách toàn diện, lâu dài 

Trong bối cảnh có số lượng lớn trẻ em mồ côi cha, mẹ do Covid-19, chính quyền TP.HCM đã xác định cần phải có những chính sách chăm lo chu đáo, lâu dài cho các em có hoàn cảnh đặc biệt này. UBND TP.HCM đã có văn bản gửi các sở, ngành, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức về hoạt động hỗ trợ, chăm lo cho trẻ mồ côi cha mẹ do dịch Covid-19.

Theo đó, toàn bộ hoạt động hỗ trợ của tổ chức, cá nhân chăm lo cho nhóm đối tượng này phải thông qua sự quản lý và điều phối của UBND phường, xã, thị trấn để đảm bảo tính chu đáo, kịp thời, công bằng, công khai, minh bạch và đúng pháp luật. 

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu thăm hỏi và trao quà cho các em nhỏ mồ côi do dịch bệnh gây ra trên địa bàn TP.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu thăm hỏi và trao quà cho các em nhỏ mồ côi do dịch bệnh gây ra trên địa bàn TP.

Các địa phương được giao xây dựng kế hoạch tổ chức quản lý, chăm sóc chu đáo đời sống vật chất và tinh thần cho các em, đồng thời chủ trì vận động các tổ chức, cá nhân có tâm nguyện tham gia tùy khả năng. 

Để có biện pháp trợ giúp kịp thời, phù hợp với nhu cầu của trẻ em mồ côi do dịch Covid-19, Bộ LĐ-TB&XH đã đề nghị các tỉnh, thành phố cập nhật số lượng, danh sách, hoàn cảnh cụ thể, điều kiện chăm sóc từng trường hợp trẻ em có cha, mẹ mất do đại dịch Covid-19, nguyện vọng của trẻ và người giám hộ của trẻ để có biện pháp trợ giúp phù hợp. Bộ cũng đề nghị các tỉnh, thành phố ưu tiên bố trí, hỗ trợ để trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19 được chăm sóc thay thế bởi người thân, cá nhân, gia đình nhận chăm sóc, giúp trẻ được sống trong môi trường gia đình, bảo đảm lợi ích tốt nhất.

Việc trẻ em được chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội chỉ là biện pháp sau cùng. Hướng dẫn này của Bộ LĐ-TB&XH đã nhận được sự đồng tình của nhiều đơn vị, tổ chức hoạt động vì trẻ em, trong đó có Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam.

Triển khai “ATM Yêu thương” hỗ trợ trẻ mồ côi đến khi trưởng thành.

Triển khai “ATM Yêu thương” hỗ trợ trẻ mồ côi đến khi trưởng thành.

Triển khai "Chương trình ATM Yêu thương"

Tiếp nối các hoạt động chung tay phòng chống Covid-19, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phát động triển khai “Chương trình ATM Yêu thương” kêu gọi các doanh nhân, doanh nghiệp, Mặt trận Tổ quốc đăng ký nhận bảo trợ cho các trẻ em mồ côi cha mẹ tại TP.HCM do đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua gây ra. Mức hỗ trợ là 1.000.000 đồng/cháu/tháng cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi.

Về phía Trung ương Hội sẽ phối hợp với Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM lập danh sách các cháu nhỏ mồ côi cha, mẹ tại thành phố do dịch bệnh Covid-19, có hoàn cảnh khó khăn và liên tục cập nhật để các doanh nhân, doanh nghiệp... biết và đăng ký nhận bảo trợ các cháu.

Anh Đặng Hồng Anh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết: Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam triển khai chương trình này với mong muốn chung tay với cộng đồng chia sẻ một phần mất mát với những em nhỏ mồ côi vì dịch bệnh Covid-19, đồng hành cùng các em trên con đường vượt qua nghịch cảnh. Trung bình một em sẽ nhận bảo trợ với chi phí 120 - 216 triệu đồng trong thời gian là 10 - 18 năm.

 

XUÂN TRƯỜNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh