THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:44

TP.HCM: Triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 ở các khu chế xuất, khu công nghiệp

Thông tin trên Hà Nội mới, nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19, TP.HCM đã ban hành bộ Chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm COVID-19 trong doanh nghiệp (bộ Chỉ số). Trên cơ sở này, UBND TP.HCM đã thành lập 6 đội kiểm tra, giám sát, đánh giá bộ Chỉ số tại các khu chế xuất, khu công nghiệp... Kết quả, trong hai ngày 14 và 15/4, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân) đã phải tạm ngưng hoạt động vì chỉ số rủi ro lây nhiễm đến 81%. Đến ngày 16-4, kết quả đánh giá lại theo bộ Chỉ số đạt mức 42%, Công ty đã được phép hoạt động trở lại. "Công ty đã sắp xếp 70% công nhân làm việc bình thường, còn 30% tạm nghỉ việc đến ngày 30-4 để cách ly xã hội. Đồng thời thực hiện các phương án khắc phục theo hướng dẫn của Sở Y tế..", ông Cù Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam cho biết.

Căn cứ vào bộ Chỉ số, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã phối hợp với các trung tâm y tế quận, huyện, các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá rủi ro lây nhiễm COVID-19 tại 1.687 doanh nghiệp, xí nghiệp, nhà máy. Kết quả, 44,9% doanh nghiệp có mức rất ít rủi ro lây nhiễm, 53,1% có mức rủi ro thấp và 2% có mức rủi ro trung bình. HCDC còn kiểm tra, thẩm định riêng đối với 22 doanh nghiệp có trên 3.000 lao động, kết quả có 45,5% đơn vị có mức rủi ro lây nhiễm thấp, số còn lại có mức rủi ro trung bình.

Bác sĩ Huỳnh Ngọc Thành, Phó Giám đốc HCDC cho biết, doanh nghiệp cần có sự điều chỉnh các chỉ số, nếu không đạt sẽ phải đóng cửa, mục tiêu cuối cùng là không để dịch bệnh xảy ra. "Đối với các đơn vị có mức rủi ro cao, phải sắp xếp lại nhà ăn cho công nhân; không được xếp bàn ngồi ăn đối diện mà phải ngồi ăn cùng hướng, thậm chí có vách ngăn nhằm giảm rủi ro", bác sĩ Huỳnh Ngọc Thành nói.

Mỗi buổi sáng đến Công ty TNHH Furukawa Automotive Parts Vietnam (FAPV; Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7) làm việc, chị H.T.H. được đo thân nhiệt bằng camera hồng ngoại ngay từ cổng vào. Chị H. cho biết, nếu không đeo khẩu trang, sẽ không được vào làm việc. Nếu đeo không đúng cách, sẽ được hướng dẫn lại. Lúc ra về phải xếp hàng để đợi xe đưa đón, giữ khoảng cách theo vạch sơn 2m.

TP.HCM: Triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 ở các khu chế xuất, khu công nghiệp - Ảnh 1.

TP.HCM chỉ đạo các khu chế xuất, khu công nghiệp tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Công ty FAPV có hơn 7.000 công nhân làm việc trong 5 nhà máy khác nhau. Căng tin ở mỗi nhà máy đều bố trí lệch giờ ăn theo từng phòng, ban, không để công nhân ngồi đối diện nhau và sử dụng tấm ngăn ở bàn ăn để ngăn tiếp xúc. Ngay cả việc xếp hàng chờ ăn cơm cũng phải tuân thủ khoảng cách 2m được quy định bằng vạch sơn, công nhân không được nói chuyện và vẫn phải đeo khẩu trang. Tại căng tin, thường xuyên có phát thanh, chiếu clip tuyên truyền về cách thức phòng tránh dịch Covid-19, trang bị nước rửa tay diệt khuẩn...

Liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, Cổng thông tin điện tử TP.HCM đăng thông tin Thành phố đề nghị các chủ đầu tư, nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng tại các công trình đang hoạt động chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại công trình xây dựng.

Cụ thể, thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, khử trùng, diệt khuẩn, rửa tay; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư phòng, chống dịch theo quy định, khuyến cáo của cơ quan y tế.

Yêu cầu người lao động khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp hạn chế di chuyển; thực hiện việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi tiếp xúc, giao tiếp.

Hạn chế số lượng công nhân tập trung tại các sàn công tác; giảm mức độ tập trung người lao động; hạn chế thi công ca đêm, tạm dừng các hoạt động không cấp bách.

Tiến hành khử khuẩn bề mặt, thiết bị máy móc tiếp xúc trực tiếp với nhân công; vệ sinh công trình xây dựng sau mỗi ca.

Tổ chức, quản lý chặt chẽ việc đưa đón người lao động (nếu có) đến nơi làm việc bảo đảm ngăn ngừa rủi ro lây nhiễm dịch bệnh; đo thân nhiệt cho người ra, vào công trình; đo thân nhiệt cho nhân công tại công trình vào đầu và cuối mỗi ca; trường hợp nhiệt độ cơ thể từ 37,5oC trở lên, đề nghị báo ngay cho cơ quan y tế tại địa phương.

Rà soát nhân công lao động, chuyên gia nước ngoài đến từ các vùng dịch trở lại làm việc để thông báo Ủy ban nhân dân quận, huyện tại nơi công trình xây dựng tổ chức cách ly theo quy định.

Thực hiện đúng các quy định về vấn đề tập trung công nhân trước và sau giờ làm việc; vấn đề luồng lưu thông, di chuyển của công nhân; vấn đề sinh hoạt, vệ sinh lao động, vệ sinh công trình, đảm bảo công tác giám sát sức khỏe và phòng hộ cá nhân cho người lao động.

Trường hợp chủ đầu tư, nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng không bảo đảm các yêu cầu nêu trên thì phải dừng hoạt động để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

PV (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh