THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:37

TP.HCM tìm hướng xây dựng Đô thị sáng tạo

Hội thảo có sự góp mặt của Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cùng đại diện các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại TP.HCM; các tổ chức tài chính quốc tế; doanh nghiệp trong nước và quốc tế…

Khu công nghệ cao ở quận 9 là một trong những hạt nhân để phát triển đô thị sáng tạo

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, đây là lần đầu tiên TP.HCM tổ chức diễn đàn nhằm thảo luận vai trò của doanh nghiệp trong việc xây dựng khu đô thị sáng tạo, đồng thời lắng nghe các sáng kiến đóng góp để kết nối giữa “4 nhà” - nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính trong việc nâng cao năng lực sáng tạo và hiệu quả đổi mới. Đây cũng là sự kiện nhằm góp phần huy động mọi nguồn lực trong xã hội đặc biệt là nguồn lực từ doanh nghiệp để cùng chung tay góp sức phát triển TP.HCM theo mô hình văn minh, hiện đại, đáp ứng các yêu cầu của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Việc xây dựng khu đô thị sáng tạo tại khu Đông (gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức) được xác định dựa trên nền tảng phát triển kinh tế số và kinh tế tri thức. “Doanh nghiệp vừa đóng vai trò trung tâm, là động lực cho hoạt động đổi mới sáng tạo, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, hàm lượng chất xám cao. Đồng thời, còn là nơi đặt hàng, cung cấp nguồn nhân lực, tài chính, và quan trọng hơn là nơi xuất phát cho một đô thị sáng tạo”, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định.

Hệ thống các trường đại học sẽ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đô thị sáng tạo

Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM giới thiệu: khu vực phía Đông thành phố hiện có khu Đại học Quốc gia với 18 đại học thành viên và Viện nghiên cứu; Khu công nghệ cao giai đoạn 1 và 2 khoảng 1.066 ha với 13 tập đoàn, công ty lĩnh vực công nghệ cao; Trung tâm thương mại dịch vụ tài chính tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với diện tích 657 ha và các Khu công nghiệp và Khu chế xuất Linh Trung 1, Linh Trung 2, Cát Lái và Bình Chiểu.

Sau khi được hình thành, khu đô thị sáng tạo của thành phố sẽ kết nối chặt chẽ và hiệu quả ba chức năng: trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, trung tâm giáo dục - đào tạo nhân lực có trình độ, chất lượng cao và trung tâm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ công nghệ cao.

Từ đây, chuỗi giá trị gia tăng (từ các khâu nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, đào tạo nguồn nhân lực, thiết kế sản phẩm, sản xuất sản phẩm phụ trợ, sản xuất sản phẩm công nghiệp, tiêu thụ sản phẩm và cung ứng dịch vụ) trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế và sự hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp.

Một trong những ý tưởng xây dựng đô thị sáng tạo trong tương lai

Tại Hội thảo, nhiều tham luận của các diễn giả trong và ngoài nước đã phân tích những cơ hội, thách thức cho TP. HCM khi xây dựng Khu đô thị sáng tạo.

Theo TS San Andres, Trưởng dự án Nghiên cứu thành phố bền vững và phát triển đô thị, Cơ quan hỗ trợ Chính sách thuộc APEC, GDP phù hợp để đo lường các sản phẩm hữu hình nhưng không phù hợp với các dịch vụ số; công nghệ số sẽ nâng cao năng suất lao động nhưng cũng tạo ra sự cạnh tranh rất gắt gao về nguồn lực lao động.

Trong khi đó, GS Nagata đến từ Đại học Tsukuba (Nhật Bản) dẫn mô hình “Thành phố khoa học Tsukuba” để chứng minh rằng, một đô thị khoa học, sáng tạo cần được thiết kế và phát triển tổng thể kết hợp các tổ chức nghiên cứu và giáo dục với khu nhà ở và cơ sở cộng cộng nói chung, biến nơi đó trở thành nhân tố có vai trò cực kỳ quan trọng đối với việc thúc đẩy khoa học và công nghệ của cả đất nước.

Các doanh nghiệp, nhà khoa học trong nước rất hoan nghênh TP.HCM đã có chủ trương xây dựng khu đô thị sáng tạo và đề xuất cần có cơ chế chính sách để huy động nguồn lực, chất xám trong nước tạo nên những dấu ấn của trí tuệ Việt trong quá trình phát triển thành phố theo hướng hiện đại, thông minh.

VH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh