“TP.HCM sẽ "mở cửa" chậm và chắc”
- Tây Y
- 14:35 - 07/09/2021
Nhìn lại gần 2 tuần qua, điều mà lãnh đạo TP.HCM nhắc đến nhiều lần đó là sự nỗ lực, quyết tâm của hệ thống chính trị, sự hỗ trợ của Trung ương và các tỉnh thành bạn, sự đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, việc giãn cách được thực hiện triệt để, nghiêm ngặt.
Việc siết chặt giãn cách đã mang lại một số hiệu quả nhất định, như số lượng người ra đường giảm rõ rệt.
Chiến dịch xét nghiệm diện rộng toàn thành phố cũng là điểm nhấn trong 2 tuần siết chặt giãn cách của TP.HCM. Nhân cơ hội người dân "ai ở đâu ở đó", ngành y tế thần tốc xét nghiệm để sớm phát hiện F0, bóc tách ra khỏi cộng đồng. Đến 5/9, 22 địa phương đã đạt tỷ lệ xét nghiệm trên 80% của đợt 2 và dự kiến xong vào 6/9. Kết quả đến nay cho thấy tỷ lệ dương tính vùng xanh và cận xanh là 0,8%; vùng vàng là 1,5%. Với vùng cam, đỏ, tỷ lệ đợt 1 là 3,6% và đợt 2 giảm xuống còn 2,7%.
Đây là cơ sở để thành phố vẽ lại bản đồ tình hình dịch trên toàn thành phố và đưa ra những quyết sách cụ thể.
Từ việc chỉ được đi chợ 2 lần/tuần, toàn bộ người dân TP.HCM đều phải nhờ đi chợ hộ từ ngày 23/8. Bên cạnh đi chợ hộ, thành phố đã trao 1,6 triệu túi an sinh cho người dân. Đồng thời, các địa phương cũng đã trao hơn 3,5 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19…
Đây là những tiền đề quan trọng để TP.HCM trả lời câu hỏi có nên mở cửa lại nền kinh tế sau 15/9 hay không. Trong cuộc tiếp xúc với báo chí gần đây, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho biết: Chúng ta không thể giãn cách nghiêm ngặt mãi được vì không thể chịu nổi, chúng ta cũng không thể quét sạch F0. Muốn mở dần ra, chúng ta tập thói quen sống trong trạng thái bình thường mới".
"Bình thường mới trong điều kiện có dịch" trước hết là tâm thế, thói quen sống của người dân là cực kỳ quan trọng. Thứ hai là củng cố hệ thống y tế đủ mạnh, khi có đủ những điều đó thì mới có thể yên tâm sản xuất. "Chúng ta sẽ mở chậm nhưng chắc", ông Nên khẳng định và cho rằng, việc quản lý khi mở cửa trở lại là cực kỳ quan trọng, phải được tính và quản lý bằng công nghệ, chứ không thể quản lý bằng cách kiểm soát nhau được. Lúc đó mọi người sẽ phải thay đổi cách sống, quen với dịch bệnh. Ý thức từng người dân là điều kiện tiên quyết.
Phải chấp nhận sống chung với dịch, cuộc sống sẽ phải dần trở về trạng thái bình thường, nhưng để có thể sống an toàn trong điều kiện dịch bệnh vẫn đang tồn tại, cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng mọi điều kiện trước khi quyết định "mở cửa" trở lại.