THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 09:09

TPHCM sẽ cấm nhập xe máy, hạn chế ô tô, tăng xe đạp điện?

Trong kỳ họp thứ 3 HĐND TPHCM khóa IX sáng nay (7-12), các đại biểu thảo luận tại hội trường về nội dung phát triển kinh tế-xã hội của thành phố năm 2016 và mục tiêu năm 2017.

Cấm nhập xe máy, thêm xe đạp điện

Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Quang Thắng cho rằng, vấn đề nổi trội đang được nhiều người dân thành phố quan tâm là hạ tầng giao thông phát triển không đồng bộ với sự phát triển phương tiện. Hiện số lượng xe gắn máy ở thành phố đã lên đến 8,5 triệu chiếc, xe ô tô khoảng 660.000 chiếc, gây ách tắc giao thông trầm trọng, chưa kể phân bố dân cư của thành phố cũng không đều.

Do vậy, thành phố cần có giải pháp từ xa chứ không xử lý theo kiểu "chạy theo đuôi" để có thể phát triển bền vững trong tương lại, nâng cao chất lượng sống của người dân.

“Trong khi phát triển hạ tầng chưa đủ nhanh, có thể chúng ta cấm nhập xe gắn máy, hạn chế số lượng xe ô tô. Có thể đưa ra ngưỡng phát triển xe taxi, xe gắn máy, ô tô là bao nhiêu bởi trong xu hướng thuế nhập khẩu ô tô giảm thì có thể ai cũng muốn sắm ô tô để tránh mưa tránh nắng, tiện trong lưu thông”, ông Thắng đề xuất.

Ông Thắng cũng đề nghị thành phố phát triển xe ô tô điện, lưu ý phát triển xe đạp điện, xe đạp sử dụng động cơ khí nén, quy hoạch những trạm đậu xe ô tô.

Trong lúc đó, đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy thì nêu thách thức của thành phố năm 2017 và những năm tới là làm sao  nuôi dưỡng nguồn thu và giảm chi. Một giải pháp ngắn hạn để giảm chi là xem lại cách trợ giá đối với xe buýt bởi cách làm hiện nay làm tăng chi khá lớn nhưng không tạo động lực cho các đơn vị kinh doanh xe buýt giảm chi phí, tăng doanh thu.

Bà Thúy cho rằng việc trợ giá một số tuyến xe buýt tạo ra môi trường cạnh tranh không làm mạnh khiến khác đơn vị nhận trợ giá không cải tiến chất lượng dịch vụ, còn doanh nghiệp bên ngoài thì không dám nhảy vào và kết quả là số lượng người đi xe buýt không tăng qua các năm.

Do đó, bà Thúy đề nghị cần tính lại cách trợ giá dựa trên kết quả đầu ra, trợ giá trực tiếp cho người sử dụng xe buýt, tức là trợ giá dựa trên tổng lượng hành khách vận chuyển, số hành khách được trợ giá và tỷ lệ trợ giá sẽ giúp số lượng hành khách tăng vì doanh nghiệp xe buýt sẽ cạnh tranh bằng chất lượng, đầu tư mạnh hơn vào quảng cáo và nhà chờ.

Mổ sẻ giải pháp cho tăng trưởng kinh tế

Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM, thành phố cần dự báo tình hình thực tiễn để các mục tiêu kinh tế cho năm 2017 không bị “vênh”.  Bà Tâm đặt vấn đề thuận lợi và thời cơ trong năm tới có nhiều nhưng đan xen không ít khó khăn, thách thức nên phải tìm giải pháp để thành phố đạt chỉ tiêu 100% thu ngân sách với chỉ tiêu 347.882 tỉ đồng, tăng cao so với con số thu được năm 2016 là khoảng 303.000 tỉ đồng.

Theo đại biểu Phạm Quốc Bảo, chỉ tiêu GDP được tính theo tổng giá trị tăng các ngành cộng với thuế nhập khẩu với 4 khối dịch vụ, công nghiệp xây dựng, nông nghiệp và thuế. Nếu kế hoạch GDP năm 2017 của thành phố tính theo 4 khối này, theo báo cáo của UBND thành phố cho thấy công nghiệp giảm, nông nghiệp tăng không đáng kể, thuế tăng không cao thì để GDP tăng 8,4-8,7% thì khối dịch vụ phải tăng tối thiểu 10% nên để tăng GDP, áp lực dồn lên khối dịch vụ là rất lớn.

Về khả năng thu ngân sách năm 2017 của thành phố, qua thực hiện năm 2016 cho thấy khả năng thu lớn nhất cho ngân sách thành phố là phần thu nội địa, dầu thô và thuế xuất nhập khẩu. Đi vào phần thu nội địa thì UBND thành phố cho biết tăng thu từ doanh nghiệp FDI năm 2017 sẽ tăng hơn 35% so với năm 2016, khối kinh tế ngoài quốc doanh và thu nhập cá nhân cũng tăng cao so với năm 2016. Như vậy, năm 2017 thành phố cần tập trung vào 3 khối này để đẩy mạnh thu ngân sách.

Cũng qua số liệu năm 2016, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thành phố tập trung nhiều vào lĩnh vực bất động sản và bán lẻ, trong khi đầu tư vào công nghiệp chế tạo còn thấp. Điều này cho thấy định hướng đầu tư chưa phù hợp lắm bởi một khi thị trường bất động sản có biến động thì sẽ ảnh hưởng chung đến nền kinh tế thành phố, đại biểu Phạm Quốc Bảo phân tích.

Theo đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang, GDP của thành phố năm 2016 tăng 8,05% và kế hoạch năm 2017 là 8,4-8,7%. Với tốc độ tăng trưởng này thì thành phố cần tập trung những lĩnh vực nào? Chẳng hạn với các dự án lớn đang làm nếu đẩy mạnh khối lượng thực hiện giúp GDP tăng thêm bao nhiêu, tăng xuất nhập khẩu, tăng thuế thì sẽ giúp tăng được bao nhiêu GDP cho thành phố.

“Trong điều kiện ‘con tàu’ TPHCM ra khơi trong thời tiết không ổn định, có sóng gió và lượng dầu được cấp phát hạn chế nên phải chọn những ngư trường đánh bắt trọng điểm, không thể đánh bắt dàn trải vì như thế sẽ khó đạt mục tiêu chung”, ông Quang so sánh.

Về đầu tư công phục vụ phát triển kinh tế lâu dài, theo các đại biểu HĐND thành phố, trong điều kiện kinh tế rất khó khăn hiện nay và nhu cầu vốn đầu tư phát triển của thành phố giai đoạn 2016-2020 lên đến 364.000 tỉ đồng nhưng ngân sách thành phố chỉ cân đối được 135.000 tỉ đồng, thiếu gần 250.000 tỉ đồng; do vậy, để chi đầu tư công hiệu quả, đại biểu HĐND cho rằng thành phố cần rà soát thật kỹ các dự án, các công trình, phải đầu tư có trọng tâm bởi thời gian qua còn có chuyện đầu tư chưa sát thực tế.

Thành phố cần tập trung vốn PPP, vốn mồi, vốn đối ứng, quản lý vốn phân cấp cần tính toán lại bởi hiện nay có những đơn vị sử dụng vốn phân cấp chưa hiệu quả, còn dàn trải, cần có chính sách thúc đẩy xã hội hóa, tạo động lực mời gọi nhà đầu tư tham gia dự án y tế, không phân biệt công – tư. 

Băn khoăn mục tiêu 50.000 doanh nghiệp

Về chỉ tiêu phát triển thêm 50.000 doanh nghiệp trong năm 2017, đại biểu Cao Anh Minh cho rằng, nhìn vào cơ cấu thành lập doanh nghiệp năm 2016 mới thấy nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, bán buôn bán lẻ; còn lại doanh nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ thì có tỷ lệ rất thấp (chiếm chưa tới 6%). Điều đó chứng tỏ chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp có hàm lượng ứng dụng khoa học công nghệ cao, chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Ông Mnh nói thêm thành phố đặt mục tiêu phát triển 50.000 doanh nghiệp năm 2017 là cần thiết nhưng cần tính kỹ tổng thể số doanh nghiệp còn hoạt động và cả số doanh nghiệp ngưng nghỉ thì mới phản ánh đúng thực trạng. Thành phố cũng nên định hướng tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới tập trung vào những lĩnh vực cần khuyến khích như công nghiệp phụ trợ, sản phẩm có hàm lượng giá trị tri thức cao, công nghiệp mũi nhọn...

Phân tích thêm chỉ tiêu thành lập thêm 50.000 doanh nghiệp năm 2017, đại biểu Cao Thanh Bình cho rằng qua khảo sát, riêng quận 1 có 15.266 hộ kinh doanh cá thể nhưng chỉ có thể vận động 10 hộ lên công ty; quận Tân Bình có 17.340 hộ kinh doanh cá thể nhưng trước mắt cũng chỉ có thể vận động 40 hộ lên công ty, quận 9 có 10.005 hộ thì chỉ có thể 12 hộ lên công ty …

“Do vậy tôi thấy chỉ tiêu thành lập 50.000 doanh nghiệp có vận động hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp là rất khó thực hiện. Trên địa bàn thành phố có tổng cộng 300.000 doanh nghiệp đăng ký nhưng chỉ có 175.516 doanh nghiệp hoạt động và con số có sử dụng hóa đơn chỉ đạt 110.000 doanh nghiệp và 45% trong số đó có thuế thu nhập doanh nghiệp”, ông Bình nêu số liệu chứng minh.

Ngoài ra, ông Bình cũng nói thêm thành phố có 250.000 hộ kinh doanh cá thể nhưng chỉ có 160.000 hộ hoạt động có doanh thu. Do vậy, để đạt chỉ tiêu 50.000 doanh nghiệp mới năm 2017 thì thành phố cần có giải pháp quyết tâm, tập trung rà soát tính hiệu quả trong hoạt động các doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phải thực sự phát huy hiệu quả...

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh