TP.HCM lý giải việc nhiều người chưa tiêm vaccine Covid-19 nhưng báo cáo đạt 100%
- Y học 360
- 13:41 - 14/12/2021
Đối với công tác tiêm vaccine cho người lao động quay lại TP.HCM, theo lãnh đạo HCDC, tình hình di biến động của TP lớn và phức tạp, vì vậy TP đang thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, kết hợp với chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ để rà soát lại thông tin tiêm chủng. Về phía người dân, những ai chưa tiêm vaccine (hoặc tiêm chưa đủ mũi) cần báo với chính quyền địa phương (hoặc doanh nghiệp nơi làm việc) để được tổ chức tiêm chủng sớm nhất. Riêng các trường hợp bị hoãn tiêm, khi đến thời hạn có thể liên hệ với địa phương, tổ dân phố và trạm y tế.
Theo báo cáo của ngành y tế TP.HCM, tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 cho người trên 18 tuổi đã đạt trên 100%. Đến ngày 12/12, TP đạt 14.815.867 mũi, trong đó, 7.943.198 mũi 1, 6.872.669 mũi 2.
Thông tin tại buổi họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM , ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết theo thống kê có hơn 60.000 người tại TP Thủ Đức thuộc nhóm nguy cơ cao và đang được tiêm mũi nhắc lại, mũi tăng cường. “Trên 60% ca tử vong ở TP Thủ Đức đều chưa tiêm vaccine, trong đó có cả trường hợp không có bệnh nền” - ông Tùng nói.
Lý giải tình trạng này, ông Hùng cho biết, hiện có 2 nhóm chưa được chủng ngừa đủ vaccine Covid-19. Thứ nhất, nhóm có bệnh nền không ổn định, bị trì hoãn.
“Không phải họ không muốn tiêm mà chưa được tiêm thời điểm đó. Ví dụ người bệnh ung thư phải hóa xạ trị, giảm miễn dịch rất nhiều do sử dụng các loại thuốc. Khi đó, hệ thống miễn dịch đang bị ức chế, chích vaccine chích cũng không tạo ra được kháng thể nên phải tạm hoãn ”, ông Hùng lý giải.
Nhóm thứ 2 vẫn chưa tiêm vaccine Covid-19 là người có quan điểm Anti-vaccine. Theo ông Hùng, điều này không bất ngờ, xuất hiện ngay cả ở những quốc gia phát triển.
Vì vậy, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức khẳng định, thời gian tới y tế cơ sở xuống tận nhà tiêm cho người dân, nhiều người sẵn sàng ký vào giấy từ chối tiêm chủng.
Phóng viên đặt câu hỏi tại sao có sự chênh lệch giữa số liệu công bố và thực tế của các địa phương, vẫn còn người chưa tiêm chủng. Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc HCDC cho rằng, TP.HCM có tình trạng di biến động dân cư phức tạp, người dân từ các địa phương khác vẫn đang về TP.HCM trong thời gian tới.
Tỷ lệ tiêm chủng dựa trên mẫu số dân cư ở một mốc thời gian nhất định, trước dịch và sau dịch khác nhau, do đó tỷ lệ thống kê khác nhau.
“Ngay cả bây giờ nếu 100% rồi nhưng vài ngày tới sẽ thay đổi khi người từ nơi khác đến, vẫn sẽ có những người chưa được tiêm vaccine. Việc này hết sức bình thường với TP.HCM. Không có sự mâu thuẫn của các số liệu báo cáo”, ông Tâm cho biết.
Ngoài ra, ông Tâm cho biết Bộ Y tế quy định rõ các trường hợp đang diễn tiến bệnh cấp tính, dị ứng, nhiễm trùng cấp, phụ nữ mang thai sẽ hoãn tiêm. Sau khi qua giai đoạn đó thì tổ chức tiêm bình thường bằng cách đăng ký với trạm y tế xã phường.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, trong các chiến dịch tiêm vaccine trước đây, phần lớn chủ yếu tổ chức tiêm ở cộng đồng. Khi tiêm ngoài cộng đồng, việc chăm sóc y tế sau tiêm rất khó khăn. Những người có bệnh nền, huyết áp tăng cao đều bị hoãn tiêm. Sau đợt đó, những người này tìm đến các bệnh viện để tiêm vaccine nhưng không được, vì bệnh viện không được phân bổ vaccine cho việc này.
“Do đó, người bị hoãn tiêm, chưa tiêm, người có bệnh nền nên tranh thủ trong đợt tiêm này để được chủng ngừa”, bà Mai cho hay.
Theo HCDC, chiến dịch tiêm vaccine mũi nhắc lại và bổ sung của TP.HCM bắt đầu từ ngày 10/12 đến nay, đã thực hiện được 4.448 mũi bổ sung, 7.370 mũi nhắc lại. Đối tượng là người bệnh suy giảm miễn dịch, lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Trước đó, kết thúc 2 đợt tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi, TP có 709.645 trẻ đã tiêm chủng, tăng hơn 7.481 em so với dự kiến ban đầu. Tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 mũi 1 đạt 96,6%, mũi 2 đạt 85,5%.