TP.HCM lý giải về số liệu tiêm chủng không trùng với số liệu được Bộ Y tế công bố
- Y học 360
- 00:21 - 09/09/2021
Chiều 7/9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tiêm chủng vắc xin trên địa bàn TP. Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh, nếu như trước đây xét nghiệm là mục tiêu ưu tiên thì hiện nay tiêm vaccine là công tác được ưu tiên hàng đầu của TP để toàn bộ người dân đều có kháng thể với virut SARS-CoV-2, từ đó TP có thể mở cửa dần các hoạt động và sớm trở lại trạng thái bình thường mới.
Với mục tiêu đó, ngày 28/8/2021, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP đã ban hành Kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho người dân trên 18 tuổi trên địa bàn TPHCM, trong đó ưu tiên cho người cao tuổi, người có bệnh nền, lực lượng tuyến đầu, các nhóm cung cấp dịch vụ… Lộ trình gồm 4 giai đoạn (28/8 – 15/9, 16/9 – 30/9, 1/10 – 15/10, 16/10 đến cuối năm 2021).
Tính đến ngày 6/9/2021, tại TPHCM, tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm cho người dân trên 18 tuổi là 6.725.192 người (tăng 171.644 mũi vaccine so với ngày 05/09/2021); trong đó tổng số mũi 1 là 6.132.354 (đạt tỷ lệ 88,9%), mũi 2 là 592.838 (đạt tỷ lệ 8,6%); số người trên 65 tuổi, người có bệnh nền được tiêm là 720.190 người.
4 loại vắc xin được triển khai tiêm trên địa bàn TP gồm: AstraZeneca, Morderna, Pfizer và Vero Cell. Hiện nay, các đội tiêm vẫn đang duy trì tốc độ tiêm 200. 000 - 250.000 người/ngày, phấn đấu đạt kế hoạch tiêm chủng của TP.
Để đạt mục tiêu đề ra, theo Phó Giám đốc Sở Y tế, việc phân phối, cấp phát vaccine từ Bộ Y tế rất quan trọng. Trong tuần này, Bộ Y tế đã cấp cho TPHCM 1 triệu liều vaccine để tiêm mũi 2 cho người dân.
Sở Y tế TP cũng đang phối hợp với lực lượng y tế quận – huyện để tổ chức đợt cao điểm tiêm chủng từ nay đến 15/9, nhằm hoàn thành lộ trình giai đoạn 1 của Kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 nêu trên.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm thông tin thêm, TP tiếp nhận tổng cộng trên 5.625.860 liều vaccine qua 24 đợt phân bổ gồm Astrazeneca, Morderna, Pfizer và 5 triệu liều Vero Cell do doanh nghiệp tài trợ. Thành phố đã triên khai 5 đợt tiêm chủng từ trước đến nay. Trong đó, đợt 1, 2, 3, 4 từ ngày 8/3– 30/6/2021, TP thực hiện được hơn 1 triệu mũi tiêm và đợt 5 (tính đến 6/9) là 6.132.354 liều mũi 1 và 592.838 liều mũi 2.
Lý giải về số liệu tiêm chủng của TPHCM khác so với số liệu được Bộ Y tế công bố, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho hay, theo số liệu rà soát, thống kê của tất cả các phường – xã – thị trấn trên địa bàn TP, số người trên 18 tuổi đang có mặt tại TPHCM chỉ có khoảng 6,4 triệu người, do đó tỷ lệ tiêm chủng vaccine được tính trên tổng số người này.
Trong khi đó, Bộ Y tế tính tỷ lệ trên tổng số người dân tại TPHCM đến ngày 30/6/2021 (Cục Dân số thống kê khoảng 7,2 triệu người), hiện có một bộ phận người dân đã về quê.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế phân bổ vaccine cho TPHCM riêng và các đơn vị trực thuộc Trung ương đóng trên địa bàn TP riêng, nhưng khi tính tỷ lệ tiêm chủng lại tính chung trên tổng số vaccine phân bổ. Vì vậy mới có sự chênh lệch số liệu giữa TP và Bộ Y tế.
Có nên tiêm trộn vaccine Pfizer và Moderna
Trong khi các loại vaccine AstraZeneca, Pfizer, Vero-cell về khá nhiều đợt thì vaccine Moderna hiện mới chỉ về vài đợt với 571.200 liều. Số vaccine này đã được phân bổ cho các địa phương và các bệnh viện tiêm mũi 1, một số người may mắn đủ điều kiện đã được tiêm mũi 2.
Cụ thể, riêng với vaccine Moderna, toàn TP đã tiêm 518.821 liều mũi 1 và 53.990 liều mũi 2. Như vậy, số người chưa tiêm mũi 2 vaccine Moderna lên đến hơn 45.000 người.
Vì sự thiếu hụt này mà những ngày gần đây, nhiều người dân tại TP Hồ Chí Minh khá lo lắng khi các cơ sở tiêm chủng liên tục báo hết vaccine Moderna dù họ đã đến hạn tiêm mũi 2.
Trong khi ngành y tế TP đang tìm các phương án giải quyết thì các chuyên gia y tế cho rằng có thể thực hiện ngay việc thay thế vaccine khác để tiêm mũi 2 cho người dân nhằm tăng độ bao phủ vaccine, sớm đạt hiệu quả bảo vệ tốt nhất.
Một số chuyên gia đề xuất có thể tiêm trộn vaccine Pfizer và Moderna. Đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), Cục Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đều chưa đưa ra khuyến nghị liên quan đến việc tiêm trộn hai vaccine này.
Do nhu cầu không cấp bách, hiện có ít nghiên cứu về tính hiệu quả và an toàn khi tiêm chung vaccine Pfizer và Moderna. Song nhiều quốc gia coi đây như giải pháp tình thế nếu nguồn cung bị thiếu hụt.
Theo hướng dẫn tiêm chủng của CDC Mỹ, "chưa đủ dữ liệu để kết luận về tính an toàn và hiệu quả của việc tiêm trộn vaccine mRNA". Cơ quan này cho rằng người dùng nên được tiêm cùng loại vaccine theo đúng thời gian khuyến nghị của nhà sản xuất.
Tuy nhiên, CDC Mỹ cũng hướng dẫn: "Trong các tình huống ngoại lệ mà vaccine mRNA tiêm liều đầu không có sẵn hoặc không còn sử dụng được, có thể sử dụng bất cứ loại vaccine mRNA nào khác, miễn là các liều cách nhau tối thiểu 28 ngày. Trong các tình huống tạm thời không có cùng loại vaccine mRNA, tốt nhất là nên trì hoãn liều hai để nhận cùng một sản phẩm, hơn là tiêm trộn sản phẩm khác".
CDC Mỹ cũng khuyến nghị người dùng có thể chuyển đổi linh hoạt giữa hai vaccine mRNA trong liều tăng cường (liều thứ ba).
"Đối với người đã tiêm vaccine Pfizer hoặc Moderna (cho hai liều đầu), nên sử dụng cùng loại trong liều thứ ba. Một người không nên nhận quá ba liều vaccine mRNA. Nếu loại vaccine cho hai liều đầu không có sẵn, có thể sử dụng vaccine mRNA khá để thay thế", theo hướng dẫn của CDC Mỹ.
Trước đó, nhiều quốc gia và các nhà khoa học công bố bằng chứng về việc tiêm trộn vaccine AstraZeneca và Pfizer.
Việt Nam cũng cho phép tiêm mũi hai là vaccine Pfizer cho người đã tiêm mũi một là vaccine AstraZeneca nếu thiếu nguồn cung và người được tiêm đồng ý. Trong bối cảnh thiếu vaccine, hiện TP HCM định áp dụng tiêm trộn vaccine Pfizer cho người đã tiêm mũi một là vaccine Moderna. Bộ Y tế chưa có khuyến cáo nào về việc này.