TP.HCM lên phương án 1.600 ca mắc/ngày trong 5 ngày tới
- Tây Y
- 20:17 - 11/07/2021
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, với dự báo số ca mắc COVID-19 tăng cao (trên 1.000 ca/ngày) nên Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh đã lên kịch bản trong trường hợp có 1.600 ca mắc/ngày. Trong 5 ngày tới, số ca mắc tại thành phố có thể lên tới 10.000 người. Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu nỗ lực “bóc ngay” ca F0 ra khỏi cộng đồng.
“Ngành y tế đã đánh giá lại năng suất của 17 phòng xét nghiệm trên địa bàn thành phố (xét nghiệm được khoảng 7.000 mẫu/ngày). Nếu có sự hỗ trợ của các đơn vị, bộ ngành, có thể tăng công suất lên 30.000 mẫu/ngày. Công suất này chỉ đáp ứng được cho xét nghiệm các trường hợp F1 đang ở trong khu cách ly tập trung." Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết.
Theo kịch bản, ước tính trong 15 ngày tới, với 1.600 ca mắc/ngày (trung bình 1 ca F0 có khoảng 30 trường hợp F1), thành phố cần sử dụng khoảng 2 triệu test nhanh và gần 3 triệu xét nghiệm Realtime RT-PCR. Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế sẽ rà soát lại Trung tâm Xét nghiệm Realtime RT-PRC do Tập đoàn VinGroup tài trợ, với 30 máy, công suất có thể đạt được 20.000-25.000 mẫu/ngày.
Nhóm ở khu vực nguy cơ rất cao sẽ được thực hiện mẫu gộp toàn bộ gia đình, dự kiến cần sử dụng 1,6 triệu xét nghiệm Realtime RT-PCR và 1,3 triệu test nhanh.
Tuy nhiên, do những gia đình trong khu vực này đã hoàn toàn được giãn cách, do vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng chỉ cần xét nghiệm đại diện hộ gia đình để tiết kiệm test nhanh.
“Bộ phận thường trực sẽ cân nhắc và điều chỉnh hợp lý để giảm bớt số lượng test nhanh; thực hiện 2 mũi xét nghiệm ‘giáp công’ (từ các vùng nóng ra và xét nghiệm sàng lọc tại các khu vực an toàn) để mở rộng ‘vùng xanh’ cho thành phố."
Về nguồn nhân lực y tế, Bộ Y tế đã có 4 phương án và kế hoạch sẵn sàng nguồn nhân lực cho Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, bộ sẽ điều khoảng 200 bác sĩ chuyên ngành hồi sức và truyền nhiễm cho bệnh viện chuyên hồi sức với công suất 1.000 giường; điều khoảng 800 điều dưỡng theo yêu cầu của thành phố.
Với các bệnh viện dã chiến thu dung các F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ, Bộ Y tế dự kiến huy động 472 bác sĩ và 875 điều dưỡng; điều động 500 người truy vết, lấy mẫu theo thành phố yêu cầu. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Y tế đã điều 25 lãnh đạo các cục, vụ vào trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch tại các quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh.
Tính từ 18 giờ ngày 10/7 đến 6 giờ ngày 11/7, Thành phố ghi nhận thêm 443 trường hợp nhiễm mới đã được Bộ Y tế công bố vào sáng ngày 11/7 (BN27997-BN28439). Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, Thành phố đã có hơn 12.000 trường hợp mắc COVID-19.
Trong 443 trường hợp nhiễm mới được công bố gồm 285 trường hợp là các tiếp xúc đã được truy vết, được cách ly hoặc ở trong khu vực phong tỏa, 158 trường hợp đang điều tra dịch tễ. Thành phố đang hoàn tất hồ sơ chi tiết của các trường hợp này.
Thành phố hiện đã chuẩn bị được 28.500 giường thu dung bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng và 6.500 giường tại các bệnh viện chuyên điều trị COVID-19, trong đó có 1.000 giường hồi sức cho bệnh nhân nặng và nguy kịch. Cùng với việc áp dụng Chỉ thị 16, Thành phố đã thiết lập 12 trạm, chốt kiểm soát tại các cửa ngõ Thành phố và 266 chốt phụ tại quận huyện, thành phố Thủ Đức.
Khi đi qua các trạm, chốt cửa ngõ Thành phố, người dân cần phải có giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính và thực hiện khai báo y tế điện tử. Riêng người dân Thành phố có việc ra khỏi nhà phải mang theo các loại giấy tờ theo luật giao thông đường bộ (bằng lái, giấy đăng ký xe), CCCD/CMND, thẻ cán bộ, nhân viên, giấy công tác.
Tận dụng 15 ngày cách ly xã hội, Thành phố đẩy mạnh công tác lấy mẫu và xét nghiệm để sớm phát hiện và “bóc ngay” ca F0 ra khỏi cộng đồng, giữ vững “vùng xanh", đưa “vùng đỏ” dần xuống thành “vùng cam", tiếp tục xuống “vùng vàng” và nhanh chóng trở về trạng thái an toàn.
Để làm được điều này, Thành phố cần sự đồng lòng, chung sức của người dân trong việc tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm tầm soát của ngành y tế. Phát huy tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài chống dịch” và thực hiện tốt nhất tất cả các biện pháp có thể!