TP.HCM kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn và khơi thông nguồn lực để phát triển
- Tây Y
- 06:52 - 18/08/2022
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức đạt được nhiều kết quả, thành tựu toàn diện trong quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau hậu quả của đại dịch COVID-19; tiếp tục khẳng định vai trò là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục và y tế của đất nước.
Tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2022 ước tăng 3,82%, trong đó, tốc độ tăng trưởng Quý II tăng hơn 3 lần so với Quý I. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 24,9 tỷ đô la Mỹ, tăng 13,8% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 34,2 tỷ đô la Mỹ, tăng 13,7% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,7% so với cùng kỳ, trong đó, 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 12,2% so với cùng kỳ. Ngành du lịch có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, tổng doanh thu du lịch ước đạt trên 49,6 nghìn tỷ đồng, tăng 29,9%. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 2,18 tỷ đô la Mỹ, tăng 60,07% so với cùng kỳ. Các hoạt động văn hóa - xã hội sôi động trở lại;...
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gửi lời tri ân, biết ơn sâu sắc nhất đến các gia đình có công với cách mạng tại TP.HCM; ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố thời gian qua trong kiểm soát dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân, góp phần vào kết quả chung của đất nước trong giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Để đạt được kết quả này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố đã thực hiện nghiêm túc và vận dụng có sáng tạo các chủ trương, chính sách, giải pháp của Trung ương.
Bên cạnh những kết quả tích cực đó, 7 tháng đầu năm vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn: Tốc độ tăng trưởng của 3/4 khu vực tuy có tăng nhưng tốc độ tăng chưa cao, chưa tận dụng hết dư địa để phát triển; triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm; tốc độ giải ngân vốn đầu tư công thấp, chưa thực sự tạo động lực dẫn dắt, thúc đẩy kích cầu đầu tư xã hội; phát triển văn hóa chưa tương xứng với vai trò, vị trí là trung tâm văn hóa lớn của vùng và cả nước; một số vấn đề bức xúc chậm được khắc phục; cơ sở vật chất giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao còn bất cập, tình trạng quá tải ở các bệnh viện chậm được cải tiến.
Tiếp tục tập trung triển khai các khâu đột phá chiến lược về hạ tầng, thể chế, nhân lực
Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, TP.HCM tiếp tục tập trung triển khai các khâu đột phá chiến lược về hạ tầng, thể chế, nhân lực và 6 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, các Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2022 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ; thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18/6/2022.
Tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, nhất là các biến chủng mới (BA.4, BA.5), lưu ý không để xảy ra “dịch chồng dịch” khi các dịch bệnh khác như dịch đậu mùa khỉ, dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp. Tập trung đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine cho các đối tượng theo quy định, mục tiêu chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt các lực lượng tuyến đầu, công nhân, người cao tuổi, người có bệnh nền, hoàn thành việc tiêm mũi 3, mũi 4 cho các đối tượng chỉ định trên 18 tuổi và mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 8/2022; quyết liệt triển khai các giải pháp mua sắm, đấu thầu để bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm, vật tư y tế cho phòng, chống dịch bệnh nói chung và phòng, chống dịch COVID-19 nói riêng, bảo đảm nhân lực y tế phục vụ công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Tập trung rà soát các quy định của pháp luật liên quan trong triển khai các chương trình, dự án để cùng Chính phủ, các bộ, ngành giải quyết, xử lý các vấn đề vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung đối với những vấn đề vượt thẩm quyền. Tập trung thực hiện, xử lý dứt điểm các vướng mắc liên quan đến các dự án đã có kết luận thanh tra, kiểm tra với tinh thần không hợp thức hóa các sai phạm, phải tìm cơ chế, chính sách với cách tiếp cận mới, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn và khơi thông nguồn lực để phát triển. Ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn, thận trọng và chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, hiệu quả, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, chống suy thoái.
Thí điểm lập Tổ công tác của Thủ tướng tháo gỡ vướng mắc tại TP.HCM
TPHCM triển khai quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Tập trung, đẩy nhanh hơn nữa để hoàn thành việc lập Quy hoạch Thành phố trước ngày 31/12/2022.
Thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cần nỗ lực, quyết tâm vượt lên chính mình để thực hiện nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn với các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, doanh nghiệp.
Tiếp tục làm tốt công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Rà soát, thúc đẩy nhanh việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà cho người lao động. Quan tâm phát triển văn hóa gắn với du lịch và phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Làm tốt công tác quản lý thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán.
Thí điểm thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Tổ trưởng, thành viên là lãnh đạo các bộ, cơ quan liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM để đôn đốc, kiểm tra, kịp thời tháo gỡ các vấn đề vướng mắc tại TP.HCM.