THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:54

TP.HCM: Khẩn trương ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

 

Theo đó, Sở NN&PTNT công khai số điện thoại đường dây nóng để nhân dân cung cấp thông tin liên quan các hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ heo và sản phẩm heo nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi đàn heo, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi.

Đối với Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, UBND TP chỉ đạo tăng cường giám sát đàn heo trên địa bàn và thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc, cập nhật tình hình, diễn biến dịch tả heo châu Phi trên địa bàn TP.HCM.

Chi cục Quản lý thị trường TP tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình vận chuyển, kinh doanh heo và các sản phẩm heo nhập lậu, không rõ nguồn gốc, đặc biệt tại các địa bàn cửa ngõ giao thông ra vào TP.

Đối với Sở Giao thông vận tải TP.HCM, UBND TP yêu cầu tổ chức kiểm soát các phương tiện giao thông đường bộ, đặc biệt các phương tiện vận chuyển heo và sản phẩm heo không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch.

 

 

TP.HCM khẩn trương ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi  lan tràn vào TP


Bên cạnh đó, UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông TP tăng cường tuyên truyền tác hại bệnh dịch tả heo châu Phi, khuyến cáo người dân không sử dụng sản phẩm heo thịt không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch.

UBND TP.HCM cũng chỉ đạo UBND các quận/huyện có trách nhiệm giám sát tình hình chăn nuôi, dịch tễ trên địa bàn, nhất là khu vực giáp ranh với các tỉnh; khuyến cáo cơ sở, trại chăn nuôi thực hiện biện pháp an toàn sinh học, tăng khả năng đề kháng của gia súc. Đồng thời, quận/huyện vận động người chăn nuôi chỉ mua con giống từ các cơ sở có uy tín trong nước, có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch thú y.

UBND TP.HCM còn chỉ đạo UBND quận/huyện giám sát tình hình vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia súc trên địa bàn, nhất là khu vực giáp ranh giữa các địa phương, các tuyến đường thông với các trục đường chính ra vào TP.

Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), đến ngày 25/8, Trung Quốc báo cáo có 4 ổ dịch tả lợn châu Phi và hơn 10.000 con lợn bệnh đã bị tiêu hủy.

Được biết, bệnh dịch tả lợn châu Phi có thời gian ủ bệnh từ 3 - 15 ngày, ở thể cấp tính thời gian ủ bệnh chỉ từ 3-4 ngày. Loại virus này lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm virus như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm vi rút và ăn thức ăn thừa chứa thịt lợn nhiễm bệnh hoặc bị ve mềm cắn.

Đáng lo ngại là hiện nay, chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh dịch tả châu Phi. Do đó, giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan. Các biện pháp chủ yếu như kiểm dịch nhập khẩu, kiểm soát vận chuyển lợn và chăn nuôi an toàn sinh học được nhiều nước đã và đang áp dụng.

PHA LÊ (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh