THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:22

TPHCM: Giãn cách xã hội triệt để, “ai ở đâu thì ở đó”

TPHCM: Giãn cách xã hội triệt để, “ai ở đâu thì ở đó” - Ảnh 1.

Chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid 19 tại Tp HCM.

Theo đó, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện và các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM tổ chức thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Trong đó thực hiện "xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng, chống dịch", người dân là "chiến sĩ trong phòng, chống dịch để kêu gọi, vận động, giải thích, thuyết phục, hướng dẫn, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, "ai ở đâu thì ở đó"; trong đó lấy người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch. Đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng.

Chỉ thị nêu rõ, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện ra Quyết định về việc thực hiện giãn cách xã hội triệt để, nghiêm ngặt, tăng cường, nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn 312 phường, xã, thị trấn.

Cùng với đó là thành lập Tổ công tác đặc biệt tại các phường, xã, thị trấn, để thực hiện công tác kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt giãn cách xã hội; đi chợ thay cho người dân, thực hiện an sinh xã hội... theo hướng dẫn tại Công văn số 3549/SNV - TCBC & TCPCP ngày 22/8/2021 của Sở Nội vụ. Tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo hướng dẫn tại Công văn số 2796/UBND-VX ngày 21/8/2021 và Công văn số 2800/UBND-VX ngày 22/8/2021 của UBND TP.

UBND TP yêu cầu, thực hiện tốt công tác chăm lo an sinh xã hội. Trong đó hỗ trợ bổ sung đầy đủ cho các đối tượng còn thiếu trong gói hỗ trợ an sinh số 2, thực hiện các biện pháp hỗ trợ chủ nhà trọ (miễn, giảm tiền điện nước); chuẩn bị 2 triệu túi an sinh, đảm bảo nguyên tắc không bỏ sót những trường hợp khó khăn; chuẩn bị các suất ăn dinh dưỡng cung cấp cho các trường hợp F0 có hoàn cảnh khó khăn. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố tổ chức thực hiện.

Một trong những nội dung quan trọng là tăng cường các biện pháp để kiểm soát, khống chế dịch bệnh, hạn chế tối đa tử vong. Theo đó, thực hiện thần tốc xét nghiệm diện rộng toàn TP trong thời gian giãn cách xã hội để phát hiện sớm nhất các trường hợp F0 kịp thời ngăn chặn lây lan dịch bệnh. Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, tổ chức các hình thức tiêm vaccine phù hợp với các khu phong tỏa, chung cư với thời gian linh hoạt. Các đội tiêm chủng vaccine phải được trang bị đầy đủ trang thiết bị, quần áo bảo hộ. Thành lập thêm 400 trạm y tế lưu động, được trang bị các túi thuốc, 3-5 bình oxy, máy đo SpO2, dụng cụ xét nghiệm nhanh theo Công văn số 2818/UBND-VX ngày 22/8/2021 của UBND TP, đảm bảo hoàn tất trước ngày 27/8/2021.

Đồng thời, đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân trong giai đoạn TP thực hiện giãn cách với tinh thần không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc theo Kế hoạch số 2798/KH-UBND ngày 21/8/2021 của UBND TP. Tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp, chỉ được tiếp tục hoạt động nếu đảm bảo các yêu cầu tại Kế hoạch 2715/KH-BCĐ ngày 15/8/2021 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP. Đẩy mạnh công tác truyền thông, đảm bảo thống nhất, kịp thời, chính xác; hướng dẫn, động viên người dân để dân biết, dân hiểu, dân tin tưởng, chia sẻ và tự giác thực hiện tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch. Kiên quyết đấu tranh, phản bác, xử lý kịp thời các thông tin sai trái, xấu độc.

Cũng trong ngày 22/8, TP.HCM đã ký công văn số 2800/UBND-VX điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được lưu thông trong thời gian giãn cách xã hội. Theo quy định mới, 16 nhóm đối tượng được phép ra đường bao gồm:

Nhóm 1A: Cán bộ, công chức viên chức, người lao động thuộc các cơ quan Đảng, Chính quyền, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc.

Nhóm 1B: Người làm việc tại các lĩnh vực thiết yếu về tài chính: Ngân hàng, chứng khoán.

Nhóm 2A: Người lao động tại các đơn vị thuộc ngành giao thông vận tải trên địa bàn Thành phố;

Nhóm 2B: Người lao động thuộc các đơn vị hoạt động tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (mới bổ sung).

Nhóm 2C: Người lao động thuộc các đơn vị hoạt động tại Cảng Tân Cảng Cát Lái (mới bổ sung).

Nhóm 3A: Nhân viên giao hàng của hệ thống phân phối hoạt động trong địa bàn 01 quận/huyện từ 06 - 18 giờ.

Nhóm 3C: Nhân viên phục vụ hệ thống phân phối, nhân viên điện lực (không giới hạn phạm vi và thời gian hoạt động).

Nhóm 3D: Nhân viên làm việc liên quan xuất, nhập khẩu (thời gian hoạt động 6 - 18 giờ, Sở Công Thương quyết định số lượng và phạm vi hoạt động).

Nhóm 4A: Người lao động tại các đơn vị thuộc ngành xây dựng trên địa bàn Thành phố (cấp thoát nước, công viên, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật….).

Nhóm 4B: Các công ty bảo trì, sửa chữa, ứng cứu hệ thống hạ tầng trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư.

Nhóm 5: Nhân viên y tế và lực lượng hỗ trợ y tế tham gia chống dịch bệnh COVID-19, người cung ứng thuốc, vật tư y tế, bảo trì trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế.

Nhóm 7A: Nhân viên làm nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động ngoại giao;

Nhóm 7B: Nhân viên các cơ quan lãnh sự, ngoại giao đi thi hành nhiệm vụ đột xuất (có thời gian và đề xuất cụ thể).

Nhóm 8A: Lực lượng hỗ trợ, cứu trợ trực thuộc điều phối của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP HCM (bếp ăn, từ thiện, lực lượng thiện nguyện…).

Nhóm 8B: Lực lượng hỗ trợ, cứu trực thuộc Thành Đoàn (mới).

Nhóm 8C: Lực lượng hỗ trợ, cứu trực thuộc hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố (mới).

Nhóm 9A: Lực lượng cung ứng dịch vụ viễn thông, lực lượng báo chí.

Nhóm 9B: Lực lượng cung ứng dịch vụ bưu chính Nhà nước.

Nhóm 10: Dịch vụ công chứng.

Nhóm 11: Nhân viên vệ sinh môi trường, hoạt động tang lễ…

Nhóm 12: Các công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ; Nhân viên khách sạn, nhà nghỉ phục vụ cách ly y tế và các lực lượng phòng chống dịch do cấp huyện, xã trưng dụng; Nhân viên giao hàng của đơn vị cung ứng lương thực, thực phẩm, xuất ăn, thiết bị y tế; Nhân viên các ngành phục vụ xăng dầu, gas; Nhân viên các cơ sở sản xuất thực phẩm (bánh mì, tàu hũ, bún, hủ tiếu…), cơ sở xuất ăn công nghiệp; Lực lượng cung ứng dịch vụ công ích; xây dụng, bảo trì công trình, trang thiết bị; Lực lượng hỗ trợ, cứu trợ phòng, chống COVID-19 bao gồm tiểu thương chợ truyền thống hỗ trợ cung ứng hàng hoá (mới); Các lực lượng khác của ngành y tế.

Nhóm 13: Người dân đi tiêm ngừa vaccine COVID-19 (cần có phiếu tiêm ngừa vắc xin); Tổ COVID-19 cộng đồng; Cấp cứu, khám, chữa bệnh định kỳ, người dân về quê theo kế hoạch: Không cấp giấy; Các lực lượng thu gom rác dân lập (mới).

Nhóm 14B: Người đi chợ thay.

Nhóm 15: Công tác kiểm dịch động, thực vật (mới).

Nhóm 16: Các công ty bảo hiểm (chỉ thực hiện các hoạt động liên quan công tác giám định, lập hồ sơ bồi thường và giải quyết các quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng)

Nhóm 17: Nhân viên cơ sở lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ) phục vụ cách ly người nước ngoài, nhân viên y tế… do Sở Du lịch quản lý.

P.V

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh