TP.HCM: Giải pháp số hóa phục vụ cải cách hành chính và chính quyền điện tử
- Công nghệ mới
- 13:28 - 08/05/2017
Tham gia hội chợ, triển lãm, khoảng 50 gian hàng sẽ trưng bày các công nghệ, ứng dụng, phần mềm mới nhất với 3 nội dung chính: Sản phẩm tiềm năng – Khởi nghiệp sáng tạo; Vi mạch – Điện tử - Viễn thông và Sản phẩm CNTT xây dựng Chính phủ điện tử và Thành phố.
Trong khuôn khổ hội chợ cũng sẽ diễn ra 4 phiên hội thảo, Công ty CP Đầu tư Thương mại và Phát triển công nghệ FSI sẽ chủ trì một hội thảo với chủ đề “Giải pháp số hóa phục vụ cải cách hành chính và chính quyền điện tử”. Hội thảo diễn ra vào chiều 11/5 và sẽ mở cửa đón tất cả những cá nhân, tổ chức quan tâm.
Họp báo về triển lãm
Hội thảo xoay quanh các nội dung chính như: Số hóa hồ sơ tài liệu trong xây dựng chính phủ điện tử và thành phố thông minh; Giải pháp số hóa hồ sơ tài liệu xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành (Tư pháp, Tài nguyên môi trường, Đăng ký kinh doanh, Quy hoạch xây dựng, Quy hoạch kiến trúc, Văn thư lưu trữ …); công nghệ nhận dạng IONE của FSI ứng dụng trọng số hóa văn bản hành chính nhà nước; Cổng thông tin đối thoại giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp.
Tại họp báo ông Nhữ Mạnh Hùng – Phó Tổng Giám đốc Công ty Công ty CP Đầu tư Thương mại và Phát triển công nghệ FSI cho biết: Có đến 90% thông tin quan trọng tại các cơ quan nhà nước vẫn được thể hiện trên giấy và chủ yếu được lưu trữ theo phương pháp truyền thống, trên các giá kệ, kho lưu trữ... Cùng đó, với khối doanh nghiệp, có đến 67% dữ liệu bị thất thoát do quá trình tìm kiếm, sử dụng tài liệu bản "cứng".
“Việc quản lý, lưu trữ và tìm kiếm tài liệu theo hình thức truyền thống không chỉ tiêu phí nguồn lực của các cơ quan, doanh nghiệp từ địa điểm tập kết, nhân sự quản lý... cho đến thời gian tìm kiếm thông tin, mà còn gây ra những hệ lụy như ảnh hưởng tới kết quả công việc, không hỗ trợ việc ra quyết định tức thời cho lãnh đạo, thậm chí tài liệu còn hư hỏng thất thoát do các yếu tố khách quan (nhiệt độ và độ ẩm, côn trùng, nấm mốc…)”, ông Hùng khẳng định.
Theo đánh giá từ các chuyên gia, trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử, việc xây dựng cơ sở dữ liệu số thay thế cho cơ sở dữ liệu truyền thống (dữ liệu lưu trữ bản cứng) là một phần vô cùng quan trọng. Hiện tại, việc xây dựng cơ sở dữ liệu còn thiếu đồng bộ, thiếu các giải pháp tích hợp, bảo mật và khai thác hiệu quả.
Đặc biệt, với khối với các cơ quan nhà nước, đây là yêu cầu cấp bách được đặt ra, nhằm thực hiện Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử, Quyết định số 714 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung (như về dân cư, bảo hiểm, đăng ký kinh doanh…) và cơ sở dữ liệu chuyên ngành (cơ sở dữ liệu về tài nguyên môi trường, người có công…).