THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:03

TP.HCM: Giải pháp chống ngập nước chưa như mong đợi của người dân

 

Người dân đang mong đợi hiệu quả chống ngập nước của TP.HCM

Giải quyết vấn đề ngập nước là một trong những thách thức lớn của TP.HCM. Thời gian qua, chính quyền TP.HCM có nhiều nỗ lực, thực hiện đồng loạt các dự án với khối lượng lớn công việc.

Ông Nguyễn Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, để từng bước giảm ngập, TP.HCM đang tập trung triển khai các dự án thuộc 2 quy hoạch.

Công trình chống ngập tại quận 1

Thứ nhất, quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020, với vùng nghiên cứu rộng 581km², được chia thành 6 vùng thoát nước. Nội dung chính là đầu tư xây dựng hệ thống cống và cải tạo, nạo vét kênh rạch thoát nước.

Thứ hai là quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM, với tổng diện tích vùng nghiên cứu gần 970.000ha. Trong đó, tập trung xây dựng tuyến đê bao dọc sông Sài Gòn (dài khoảng 192km), xây dựng các cống kiểm soát triều (gồm 13 cống lớn, 11 cống nhỏ) và nạo vét cải tạo các trục tiêu thoát nước chính.

Công trình chống ngập tại cống Nhà Bè

Về tình hình triển khai với nhóm dự án thuộc quy hoạch thủy lợi chống ngập úng, ngoài dự án giải quyết ngập do triều, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1, dự kiến hoàn thành năm 2020).

Tổng mức đầu tư 5 dự án này gần 3.860 tỷ đồng. Đối với nhóm dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước, từ năm 2011 đến nay, đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 19 dự án với tổng mức đầu tư 2.150 tỷ đồng.

 Ngoài ra, TP.HCM đang thực hiện 65 dự án với tổng mức đầu tư hơn 10.840 tỷ đồng.

Ông Trương Trung Kiên - Trưởng ban Đô thị TP.HCM đánh giá: “Chương trình giảm ngập nước ở Thành phố đã xử lý được các điểm ngập ở khu vực vòng xoay Cây Gõ và các tuyến đường; 3 Tháng 2, Lê Hồng Phong, Lý Thường Kiệt, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Văn Cừ, Kinh Dương Vương… Tuy nhiên, nhìn chung công tác này vẫn chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Một số mục tiêu như giải quyết ngập do mưa, do triều; xây dựng cải tạo các nhà máy xử lý nước thải và các hạng mục dự án khác khó có thể đảm bảo theo kế hoạch đề ra là hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2020. Trong khi đó, ý thức của cộng đồng chưa cao, vẫn còn tình trạng lấn chiếm, xả rác ra kênh rạch, làm thu hẹp dòng chảy, ảnh hưởng đến hiệu quả thoát nước của hệ thống hiện hữu”.

Tham gia chương trình, lãnh đạo các quận 6, Gò Vấp, huyện Nhà Bè cho biết, trên địa bàn các quận, huyện, người dân đã tích cực tham gia chống ngập. Nổi lên là việc hiến đất làm đường, nâng hẻm. “Có con hẻm ở phường 9, quận Gò Vấp trời mưa ngập tới 80cm, người dân đã góp trên 2 tỷ đồng (chiếm 95% tổng vốn) để làm lại hẻm khang trang, không ngập nước. Trên toàn địa bàn quận có 183 tuyến hẻm được cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp với sự tham gia tích cực của người dân, góp hơn 23/37,6 tỷ đồng làm hẻm”, ông Đỗ Anh Khang, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp dẫn chứng.

Các đại biểu tham gia chương trình cùng nhìn nhận, bên cạnh nỗ lực của Thành phố, để chương trình giảm ngập nước thành công, rất cần sự tham gia của người dân.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị chính quyền cần có sự kết nối thông tin để giúp người dân xác định cao độ nền khi xây dựng. Việc này nhằm tránh tình trạng nâng nền nhà thì đường, hẻm ngập; nâng hẻm, đường thì nhà ngập, khiến người dân cứ phải làm đi làm lại nền nhà nhiều lần, lãng phí tiền của, công sức.

Nỗi khổ của nguòi dân khi triều cường lên

Qua đó, trong quản lý đô thị, phải hướng dẫn người dân xác định cao độ nền khi xây dựng để đảm bảo đồng bộ với cao độ quy hoạch, cao độ đường. Người dân cũng phải tuân thủ các quy định về mật độ, cao độ xây dựng của cơ quan quản lý đô thị.

Triều cường kết hợp với mưa làm ngập các tuyến đường

Các đồ án quy hoạch cũng cần bảo đảm kết nối đồng bộ. Khi thực hiện các dự án, các chủ đầu tư phải phối hợp với chính quyền địa phương để lấy ý kiến người dân, công bố rộng rãi các thông tin về quy hoạch, dự án sẽ thực hiện.

Ô tô, xe máy khó khăn di chuyển trong biển nước

Trong công tác dự báo, ông Nguyễn Bá Thành cho biết. TP.HCM đang xây dựng bản đồ số hóa hệ thống thoát nước; xây dựng hệ thống dự báo mưa, triều. Nhằm nâng cao hiệu quả điều hành trong lĩnh vực thoát nước, tăng sự tương tác giữa người dân và chính quyền.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng TP.HCM đang hoàn thiện cổng thông tin hệ thống thoát nước. Qua cổng thông tin, người dân có thể tương tác, tiếp nhận thông tin về thời tiết, mưa, triều, dữ liệu camera, thông tin về hạ tầng thoát nước, về tình hình ngập, từ đó xác định lộ trình giao thông phù hợp.

HẢI LINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh