TP.HCM điều chỉnh lại quy hoạch tổng thể theo quy mô dân số
- Tây Y
- 02:34 - 24/02/2020
Chia sẻ tại Hội nghị gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo chính quyền Thành phố với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, diễn ra vào ngày 22/2, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, do quy hoạch hiện tại đã lạc hậu, TP đang thực hiện chiến lược điều chỉnh lại quy hoạch tổng thể cả hạ tầng và kinh tế - xã hội.
Lãnh đạo thành phố đã giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc thực hiện quy hoạch tổng thể ven sông Sài Gòn để phát huy tài nguyên sông; quy hoạch tổng thể không gian ngầm.
Lĩnh vực đô thị, huyện Cần Giờ cũng được quy hoạch lại, và quy hoạch Khu đô thị sáng tạo phía Đông. Hiện nay, ý tưởng quy hoạch huyện Cần Giờ đã lựa chọn một nhà tư vấn thiết kế nước ngoài, thành phố đang chỉ đạo để cụ thể hoá và bổ sung vào quy hoạch chung.
Bên cạnh đó, chủ trương của Thành phố cũng sẽ quy hoạch lại phân khu của Bình Quới - Thanh Đa và điều chỉnh khu tây bắc Thành phố để cập nhật vào bản đồ chung.
Dự kiến, Ban chỉ đạo xây dựng phát triển khu đô thị sáng tạo phía đông sẽ đi vào hoạt động từ II/2020.
TP.HCM cũng đang thực hiện đề án để báo cáo Bộ Chính trị và Quốc hội để xây dựng mô hình chính quyền đô thị, trong tương lai sẽ xây dựng phía Đông trở thành "thành phố trong thành phố" theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Ngoài ra, khu Tây Bắc và khu Bình Quới - Thanh Đa cũng được điều chỉnh quy hoạch, trên cơ sở đó cập nhật vào quy hoạch chung của thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, theo lộ trình sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020.
Tuy nhiên, những khó khăn trong việc điều chỉnh quy hoạch, ông Nguyễn Thành Phong cho biết theo con số thống kê của chính quyền, TP.HCM hiện có khoảng 8,9 triêu dân, tuy nhiên con số thực tế là hơn 13 triệu người. Việc ngân sách Trung ương chỉ tính mức chi để phục vụ 8,9 triệu dân sẽ là trở ngại cho TP.HCM cho việc đầu tư phát triển. Mỗi năm TP tăng 200.000 người dân, hầu hết là từ các địa phương khác tới.
Vì vậy, TP.HCM khuyến khích áp dụng công nghệ thông minh, kỹ thuật tiên tiến để giảm lao động tại các khu công nghiệp, đồng thời phát triển hệ thống giao thông thuận tiện, nhanh chóng dẫn tới các khu vực lân cận.
Theo ông Phong nếu có thể tổ chức hệ thống giao thông tới các khu vực lân cận, người lao động có thể đi về trong ngày, giảm thiểu gánh nặng về dân số cho TP.HCM.
Nếu có những tuyến đường sắt, đường cao tốc từ đây đến Cần Thơ hay Tiền Giang, thời gian đi lại chỉ còn mất khoảng 30 phút. Sau thời gian làm việc, họ có thể về nhà, ông Nguyễn Thành Phong nhận định.