TP.HCM: Điều chỉnh hướng tuyến Vành đai 4, tiết kiệm hơn 4.000 tỉ đồng
- Y học 360
- 15:18 - 26/09/2023
UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi Sở Giao thông Vận tải, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND huyện Củ Chi về phương án hướng tuyến đường Vành đai 4 qua địa bàn thành phố.
Theo đó, UBND TP.HCM chấp thuận về mặt chủ trương đề xuất điều chỉnh hướng tuyến đường Vành đai 4, đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn) thuộc dự án Vành đai 4.
Cụ thể, Vành đai 4 sẽ điều chỉnh hướng tuyến đoạn từ điểm đầu tuyến đến đoạn giao với quốc lộ 22 (phạm vi dự án nằm ngoài ranh khu quy hoạch khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, giai đoạn 2); đoạn từ vị trí cách nút giao Vành đai 4 với quốc lộ 22 khoảng 1,6km đến cuối tuyến, hướng tuyến theo quy hoạch được duyệt. Tổng chiều dài tuyến hơn 17km.
Với phương án này, đoạn tuyến xây dựng hạn chế tối đa qua các tuyến đường hiện hữu, các khu dân cư hiện hữu nên khối lượng thực hiện công tác bồi thường giải phóng bằng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng thấp.
Từ đó, giúp chi phí đầu tư dự án thấp hơn 4.000 tỷ đồng so với quy hoạch được duyệt, rút ngắn thời gian thực hiện đầu tư. Ngoài ra, hướng tuyến mới giúp TP.HCM có điều kiện khai thác các quỹ đất dọc tuyến tạo nguồn thu cho ngân sách (dự kiến khoảng 590ha).
Qua đó, góp phần mở rộng, phát triển khu công nghiệp, dịch vụ, khu đô thị mới dọc hai bên tuyến.
Về vốn đầu tư, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM nghiên cứu hai phương án đi trên cao và đi thấp. Với phương án đi thấp, giai đoạn 1 có mức vốn khoảng 13.892 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là 7.156 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 6.736 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư giai đoạn hoàn thiện là 20.894 tỷ đồng.
Phương án đi trên cao giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư khoảng 25.951 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là 19.540 tỷ đồng, mặt bằng 6.411 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư giai đoạn hoàn thiện là 35.306 tỷ đồng.
Vành đai 4 đoạn qua TP.HCM được đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn cao tốc, rộng 19,75m, vận tốc thiết kế 100km/h và đường song hành hai bên rộng từ 7 - 9m tại một số vị trí đi qua khu dân cư hiện hữu.
Dự án thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô hoàn chỉnh với phạm vi giải phóng mặt bằng là 74,5m. Giai đoạn hoàn thiện sẽ đầu tư thêm 4 làn xe cao tốc, nâng lên 8 làn toàn tuyến và đường song hành hai bên.
UBND TP.HCM giao Sở Giao thông Vận tải khẩn trương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc khẩn trương chủ trì, phối hợp UBND huyện Củ Chi và các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện điều chỉnh cục bộ các đồ án quy hoạch theo quy định và cơ chế chính sách đặc thù quy định tại Nghị quyết số 98 của Quốc hội.
Dự án Vành đai 4 TP.HCM dài gần 200km, đi qua 5 tỉnh thành, gồm: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu.
TP.HCM dự kiến khởi công Vành đai 4 qua địa bàn dịp 30/4/2025 để chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Dự kiến, công trình cơ bản hoàn thành năm 2027, khai thác năm 2028.