CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:07

TP.HCM: Đầu mùa dịch, bệnh nhân nhập viện đã tăng gấp 5 lần

 

Do lượng bệnh nhân cao gấp 5 lần so với ngày bình thường nên phải nằm ghép từ 2 đến 4 trẻ/giường, nhất là vào các ngày cuối tuần, khi số bệnh nhi nội trú tăng cao nhất, và dự tính số bệnh nhân nhập viện sẽ còn tăng mạnh vì bệnh dịch tay chân miệng đang lây lan mạnh. Số mắc bệnh dịch chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 99,5%), trong đó hay gặp ở nhóm từ 1-5 tuổi, độ tuổi trẻ đi nhà trẻ và mẫu giáo (chiếm 79%) và dưới 1 tuổi (chiếm 17%).

Bệnh nhân nhí nhập viện quá tải nên bệnh viện tận dụng cả hành lang để đặt giường bệnh.

Có mặt tại Khoa Nhiễm – Thần Kinh (Bệnh viện Nhi Đồng 1. TP.HCM) chúng tôi mới chứng kiến được việc quá tải bệnh nhân rất nghiêm trọng.

Mới 8h sáng nhưng đã có hàng trăm ông bố bà mẹ đứng xếp hàng chật kín trước cửa phòng để làm thủ tục chờ được đến lượt con mình vào khám, điều trị. Kèm theo đó là tiếng khóc của trẻ vang khắp từ các phòng bệnh đến các dãy hành lang của dãy nhà bệnh viện.

Một giường bệnh nhỏ nhưng có từ 2 đến 4 bệnh nhân nằm chung.

 

Đến 11h trưa lượng trẻ nhập viện trong tình trạng sốt, co giật vẫn tiếp tục tăng lên, các bác sĩ trong kíp trực phải luôn làm việc không ngừng nghỉ. Bữa trưa của các bác sĩ, y tá chỉ có ổ bánh mì, họp cơm và lần lượt thay phiên nhau mỗi người 5 phút để ăn trưa.

Với số lượng bệnh nhân tăng mạnh, và tình trạng này dự kiến sẽ còn kéo dài đến cuối tháng 11 nhưng nhân lực còn mỏng nên việc điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân gặp nhiều khó khăn, trung bình mỗi ca trực chỉ có 2 đến 3 bác sĩ, 5 điều dưỡng và 1, 2 hộ lý nhưng phải điều trị, theo dõi, chăm sóc cho gần 250 bệnh nhân.

Ngồi ôm con nhỏ ở một góc cuối hành lang gần phòng cấp cứu, anh Nguyễn Văn Hòa (ngụ tỉnh Đồng Nai) đượm buồn chia sẻ: “Con tôi bị lây bệnh dịch tay chân miệng từ bạn khi gửi ở nhà trẻ, mới đầu thấy bé khóc vợ chồng tôi không biết bé bị bệnh gì, nhưng đến khi bé sốt có triệu chứng co giật nên hai vợ chồng tức tốc bắt xe đưa bé lên đây nhập viện điều trị. Từ khi vào đây bé thường khó ngủ vì đông người ồn ào, nhưng cứ chợp mắt được một lúc khi tỉnh dậy là bé lại khóc ré lên”.

Cảnh người nhà bệnh nhân trải chiếu nằm vật vờ khắp nơi trong bệnh viện.

 

Cùng hoàn cảnh với gia đình anh Hòa, là chị Nguyễn Thị Hà (42 tuổi, ở Cần Thơ) than vãn: “Bé nhà chị đã vào điều trị đây lâu rồi, hai vợ chồng làm công nhân nhưng đều nghỉ việc, vay mượn thêm tiền từ người thân lên đây điều trị cho con, mong con sớm khỏi bệnh để xuất viện nhưng đến giờ bé vẫn chưa khỏe lại”.

Đợt dịch này lượng bệnh nhân nhập viện điều trị tăng gấp 5 lần so với tháng trước nên bệnh viện không lường kịp sự quá tải, nhiều bác sĩ trở tay không kịp và luôn nổ lực làm việc hết năng suất không kể ngày đêm.

Với số bệnh nhân tăng ngoài dự tính và chưa có dấu hiệu dừng lại, bệnh viện phải tận dụng tối đa diện tích phòng bệnh, phòng chứa đồ, hành lang để đặt thêm giường bệnh cho bệnh nhân nằm điều trị. Bên cạnh những giường bệnh từ trong phòng ra dọc các hành lang, cầu thang đều chật kín người nhà bệnh nhân trải chiếu nằm vật vờ để chăm sóc con nhỏ, mọi chỗ trống đều được tận dụng tối đa.

Đến 11h trưa nhưng lượng bệnh nhân đến nhập viện để điều trị bệnh dịch tay chân miệng vẫn tăng mạnh.

 

Anh Lê Văn Duy (35 tuổi, trú quận Gò Vấp, TP.HCM) than vãn: “Khổ lắm chú ơi, ở đây vừa đông lại vừa ồn ào, lúc nào cũng có tiếng trẻ thi nhau khóc vang, tôi đây còn không chịu nổi không khí ngột ngạt này thì bảo sao con tôi chịu nổi mà nhanh khỏe. Mỗi giường bệnh nhỏ mà có đến 3 bé nằm chung, vừa nóng vừa ngột ngạt nên tôi tranh thủ trải chiếu ở hành lang bế con ra nằm cho thoáng”.

Bác sĩ Nguyên Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) cho biết: “Từ tháng 9 đến tháng 11 là mùa của bệnh sởi và tay chân miệng bùng phát, cuối tháng 9 và đầu tháng 10, bệnh nhi mắc tay chân miệng và sởi đột ngột tăng mạnh. Dự tính số trẻ nhập viện vì bệnh dịch tay chân miệng sẽ còn tăng, diễn biến khó lường, nguy cơ lây lan trên diện rộng.

Nếu chủ đông được các giải pháp phòng ngừa bệnh sẽ chững lại vào nửa cuối tháng 10 và giảm dần cho đến cuối năm. Tuy nhiên, nếu chủ quan, lơ là các biện pháp phòng chống, bệnh sẽ tiếp tục gia tăng, lây lan nhanh trong cộng đồng cho đến khi lây bệnh cho tất cả trẻ nhỏ thì tay chân miệng mới dừng lại”.

Các dấu hệu và biện pháp phòng bệnh dịch.

Tay chân miệng là bệnh do virus đường tiêu hóa gây ra, do đó, bệnh lây trực tiếp qua đường tiêu hóa khi ăn uống chung hay tiếp xúc với dịch của trẻ mắc bệnh, lây gián tiếp qua bàn tay hoặc vật dụng nhiễm virus.

Khi mới mắc bệnh, triệu chứng đầu tiên ở trẻ thường là sốt nhẹ, biếng ăn, mệt mỏi và thường sau sốt 1 - 2 ngày trẻ bắt đầu đau miệng, nổi ban. Ban xuất hiện trong vòng 1 - 2 ngày với các tổn thương phẳng trên da hoặc có thể gồ lên, màu đỏ và một số hình thành bọng nước thường khu trú ở lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc có thể xuất hiện ở mông.

Khi mới mắc bệnh, triệu chứng đầu tiên ở trẻ thường là sốt nhẹ, biếng ăn, mệt mỏi và thường sau sốt 1 - 2 ngày trẻ bắt đầu đau miệng, nổi ban.

 

Bệnh tay chân miệng ở trẻ được đánh giá là nặng khi trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục không thể hạ được, trẻ mệt mỏi không chơi, giật mình, vã mồ hôi, lạnh toàn thân, thở nhanh, khó thở, run người, nôn nhiều. Khi thấy trẻ xuất hiện một trong những dấu hiệu này, cha mẹ cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện ngay để được bác sĩ thăm khám và điều trị.

Bệnh tay chân miệng lây qua đường tiêu hóa khi ăn uống nên cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống như: ăn chín, uống sôi, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng…

Thường xuyên rửa sạch đồ chơi của trẻ, lau sạch sàn nhà, tay nắm cửa, các dụng cụ, bề mặt trẻ hay tiếp xúc bằng xà phòng. Không cho trẻ tiếp xúc với người nghi ngờ bị bệnh dịch tay chân miệng.

PHA LÊ - XUÂN TRƯỜNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh