TP.HCM đảm bảo an toàn nhà ở, công trình trước mùa mưa bão năm 2020
- Y học 360
- 17:01 - 29/08/2020
Theo đó, người dân cần thực hiện các biện pháp gia cố, chằng chống, di dời đảm bảo an toàn nhà ở, công trình trước mùa mưa bão; đặc biệt đối với nhà ở không kiên cố, sử dụng mái tôn, mái lá, trần nhựa, cửa kính...; các công trình ngoài trời như: pa-nô, biển hiệu, biển quảng cáo, bồn chứa nước trên cao; các công trình nằm ở khu vực ven sông, ven biển có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất.
Riêng Sở Quy hoạch – Kiến trúc có trách nhiệm cập nhật các giải pháp ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu vào quy hoạch đô thị, khu dân cư phù hợp với đặc điểm địa hình, địa chất, khí hậu và những khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai; quy hoạch các khu tái định cư an toàn và từng bước di dời dân về khu tái định cư an toàn.
UBND TP cũng yêu cầu Sở Xây dựng cần tăng cường khắc phục sự cố hạ tầng kỹ thuật vào mùa mưa bão; hướng dẫn, cảnh báo người dân, chủ đầu tư, nhà thầu thi công thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, thiết bị, công trình đối với các công trình đang thi công, đặc biệt là các công trình trên cao có sử dụng cần trục tháp, máy vận thăng và các thiết bị làm việc trên cao khác.
Các chủ đầu tư, đơn vị quản lý, sử dụng các công trình tháp (trụ) viễn thông, truyền hình cần báo cáo chi tiết số lượng công trình đang quản lý, khai thác, sử dụng, thời gian đưa vào sử dụng, vị trí xây dựng, đặc biệt đối với các công trình đặt tại các vị trí xung yếu.
Ngoài ra, Tổng công ty Điện lực TP cần đánh giá hiện trạng các cột điện ly tâm bê tông cốt thép, gia cường, chằng chống đối với các trường hợp không đảm bảo an toàn, nghiêng hoặc bố trí hoạt tải sai khác so với thiết kế ban đầu đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão; cắt điện cục bộ tại nơi xảy ra sự cố ngay khi phát hiện tình trạng mất an toàn trong vận hành lưới điện do bị ảnh hưởng của giông gió, lốc xoáy, ngập úng.